![]() |
Lần lượt các dự án bất động sản (BĐS) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với giá trị hàng tỷ đô "rơi rụng" sau nhiều năm "nằm lặng lẽ” với thời gian. Giáo sư Nguyễn Mại, người luôn gắn bó với hoạt động thu hút FDI của Việt Nam từ những ngày mới mở cửa 1986 đến nay đã bày tỏ quan điểm về vấn đề này.
Đọc E-paper
![]() |
Nói về các dự án FDI trong lĩnh vực BĐS, có thể nhìn ở hai khía cạnh như sau:
Thứ nhất, tất cả các dự án BĐS đăng ký vốn đầu tư lên đến hàng tỷ USD thực chất cũng chỉ đưa vào Việt Nam vài chục hoặc vài trăm triệu USD để xây dựng, sau đó, nhà đầu tư sẽ bán sản phẩm và xoay vòng vốn đầu tư. Điều này đã được minh chứng qua các khu đô thị có vốn FDI tại Hà Nội và TP.HCM.
Vốn đăng ký vài tỷ đô là con số ảo mà lẽ ra giới truyền thông không nên công bố. Còn về các dự án BĐS du lịch kèm casino, quan điểm cá nhân của tôi là không tán đồng vì nếu chấp nhận cho người Việt tham gia "đánh bạc" thì rất khó để quản lý. Còn nếu không đồng ý thì bài toán kinh tế của nhà đầu tư lại không đảm bảo.
Thứ hai là không ít nhà đầu tư "mạnh tay" xin hàng loạt dự án, nhiều địa phương vì chạy theo thành tích không đánh giá đúng năng lực của nhà đầu tư, đã giao dự án. Sau vài năm, khi dự án "án binh bất động" thì địa phương ra quyết định rút giấy phép.
Song, chính điều này đã làm tiêu tốn thời gian của bên thu hút đầu tư, đồng thời làm mất cơ hội của những doanh nghiệp muốn đầu tư lâu dài và nghiêm túc. Do đó, đã đến lúc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần phải áp dụng quy định ký quỹ cho các dự án.
Cụ thể, để được cấp phép đầu tư dự án, nhà đầu tư phải ký quỹ thông qua một tài khoản trung lập, có thể là từ 1 - 2 triệu USD/dự án. Khi nhà đầu tư tiến hành giải ngân vốn đăng ký đến mức độ theo đúng cam kết ban đầu thì được sử dụng tài khoản ấy.
Ngược lại, nếu thời hạn triển khai dự án chậm trễ so với quy định thì sẽ mất tài khoản "đặt cọc". Theo tôi được biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang soạn thảo quy định này.
Tuy nhiên, đó chỉ mới là giai đoạn thẩm định để kiểm tra năng lực và ý định của nhà đầu tư. Việc rút giấy phép của một dự án phải được xem xét khách quan và đầy đủ từ nhiều phía, đặc biệt đối với các dự án có quy mô lớn.
Bởi, cũng có trường hợp thời gian thẩm định của chúng ta kéo dài, tình hình thị trường thay đổi so với thời điểm nhà đầu tư tiếp cận, họ bị ảnh hưởng và dĩ nhiên, sẽ không tiếp tục đầu tư vì dự án chẳng còn tính khả thi.
Ngoài công tác cấp phép, để kiểm soát được tình hình hoạt động của các nhà đầu tư trong lĩnh vực BĐS, phía cơ quan quản lý cần phải thường xuyên "dõi mắt" theo họ.
Bởi, có nhiều nhà đầu tư đã đăng ký dự án, đăng ký văn phòng đại diện, trụ sở công ty, hệ thống website, địa chỉ email... nhưng đến khi cơ quan quản lý liên lạc thì họ đã ngưng hoạt động. Do đó, công tác "hậu kiểm" có thể bắt đầu bằng động thái nhỏ nhất là gửi thư đến hộp thư mà nhà đầu tư đăng ký và theo dõi các phản hồi của họ.