Khai phá thị trường ngách
Thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam luôn là mảnh đất màu mỡ để doanh nghiệp khai phá. Theo Tập đoàn Tư vấn Boston (Boston Consulting Group), thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam gia tăng hằng năm là kết quả của sự gia tăng tầng lớp trung lưu với tốc độ gia tăng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Điều này được kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng mức tiêu thụ và gián tiếp gia tăng nhu cầu tài chính tiêu dùng tại Việt Nam. Còn theo đánh giá của BMI và Ngân hàng Thế giới, tốc độ đô thị hóa nhanh kéo theo là sự tăng trưởng lớn của thị trường tài chính tiêu dùng.
Tuy nhiên, trong năm 2020, cũng như nhiều lĩnh vực khác, Covid-19 đã khiến thị trường... trầm lắng. Sau giai đoạn vàng tăng trưởng (2014-2019) với tốc độ tăng trưởng kép khoảng 35%/năm, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đã tăng trưởng chậm lại trong năm 2020 và được nhận định sẽ khó bứt tốc trong năm 2021. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế - tài chính quốc tế, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam vẫn đang là thị trường rất phát triển, được nhiều tổ chức tài chính tín dụng quan tâm, nhất là các ngân hàng thương mại, các công ty tài chính. Nhu cầu này đã bùng phát trong thời gian qua khi thu nhập của người dân tăng lên và khá ổn định. Đặc biệt là những năm gần đây (trừ năm 2020 do ảnh hưởng bởi Covid-19), nền kinh tế tăng trưởng cao, thu nhập bình quân đầu người tăng lên, tầng lớp trung lưu nhiều hơn nên nhu cầu tiêu dùng, mua sắm gia tăng khiến tín dụng tiêu dùng và các chỉ số tiêu dùng đều gia tăng.
Dù vậy, đứng trước những thách thức mới, các công ty cho vay tiêu dùng phải hướng đến việc mở rộng dải sản phẩm, khai phá các thị trường ngách. Chia sẻ về vấn đề này, ông Hoàng Thế Hưng - Phó tổng Công ty Tài chính CP Điện lực (EVN Finance) cho biết, dư nợ giải ngân cho vay tiêu dùng của công ty trong năm 2020 chỉ đạt 1.000 tỷ đồng, không đạt chỉ tiêu đề ra do phải điều chỉnh kế hoạch giải ngân nhằm kiểm soát chặt rủi ro nợ xấu phát sinh. Tuy nhiên, trong năm nay, công ty vẫn đặt mục tiêu giải ngân 3.000 tỷ đồng vì hy vọng dịch bệnh được kiểm soát và cầu tín dụng trở lại.
"Có khoảng 20 triệu khách hàng đang tiếp cận với nhu cầu vay tiêu dùng. Thị trường hiện rất cạnh tranh, vì thế công ty phải phát triển những những sản phẩm độc đáo khai phá tệp khách hàng mới", ông Hoàng Thế Hưng nói về lý do phát triển các sản phẩm mới.
Tăng tốc với công nghệ
Theo nghiên cứu của Nielsen, những từ khóa về 5G, AI, Big Data, Robotic... đang là xu hướng được quan tâm. Tại Việt Nam, người tiêu dùng muốn mua hàng một cách tiện lợi, nhất là trong thanh toán. Và để đáp ứng cho nhu cầu tài chính cho các hoạt động mua sắm trực tuyến đang phát triển này, các công ty tài chính buộc phải đẩy nhanh quá trình số hóa dịch vụ.
Đơn cử, Công ty Home Credit đã đẩy mạnh phát triển công nghệ số với ứng dụng Home Credit Vietnam, trợ lý ảo tổng đài dựa trên nền tảng AI... Trong đó, ứng dụng Home Credit Vietnam cho phép khách hàng đăng ký khoản vay chỉ trong 2 phút, nhận kết quả thẩm định sau 10 phút ngay trên điện thoại. Ứng dụng này còn giúp khách hàng quản lý thẻ tín dụng, tất toán khoản vay qua nhiều ví điện tử hoặc tài khoản ngân hàng, thanh toán những dịch vụ khác... "Bằng việc ứng dụng AI, Big Data... chúng tôi đã rút ngắn quy trình đăng ký và thẩm định hồ sơ vay. Khách hàng có thể nhận kết quả duyệt vay trong vòng vài phút. Ngoài ra, chúng tôi còn hợp tác với các nhà cung cấp ví điện tử giúp khách hàng hoàn thành thanh toán khoản vay trong tích tắc. Tất cả quy trình đều được số hóa và không cần giấy tờ", ông Robert Margetin - Trưởng phòng Kinh doanh kênh thay thế Công ty Home Credit cho biết.
Không dừng lại ở những công nghệ trên, Home Credit đang nỗ lực trực tuyến hóa 100 quy trình vay, giải ngân, thanh toán cho khách hàng qua việc ứng dụng chữ ký điện tử e-signing. Theo đại diện của Home Credit, năm 2021 này công ty sẽ tiếp tục tập trung việc phát triển và tích hợp công nghệ vào sản phẩm dịch vụ nhằm tối ưu hóa trải nghiệm của khách hàng.
Trong cuộc đua đầu tư công nghệ, Công ty FE Credit áp dụng hàng loạt công nghệ mới, số hóa doanh nghiệp. Trước đây, khách hàng nhận khoản vay và giới thiệu bạn bè nhưng giờ có thể thông qua mạng xã hội, Internet và ứng dụng. Công nghệ được xem là chiến lược quan trọng giúp FE Credit chiếm được 50% thị phần tại thị trường cho vay tiêu dùng hiện nay. Vì nói như ông Kalidas Chose - Tổng giám đốc Công ty FE Credit, các doanh nghiệp làm chủ công nghệ và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong ngành dịch vụ tài chính ở Việt Nam mới có thể gia tăng được hiệu quả.
Easy Credit thì ứng dụng công nghệ cho vay trực tuyến qua Zalo trên điện thoại... để khai phá khách hàng tại khu vực nông thôn. Hiện nay, độ phủ sóng của các dịch vụ cho vay tiêu dùng tại các vùng nông thôn còn thấp. Và nền tảng công nghệ giúp các công ty tài chính tiêu dùng tiếp cận lượng khách hàng tiềm năng tại nông thôn (chiếm đến 60% dân số cả nước). Ông Hoàng Thế Hưng cho biết, việc đầu tư vào công nghệ, đặc biệt là các giải pháp cải thiện quy trình nghiệp vụ giúp tăng cường hiệu quả. Hiện công ty đã sử dụng công nghệ khai thác dữ liệu lớn - Big Data để giúp phân tích hành vi khách hàng và tiếp cận đối tượng mục tiêu vào đúng thời.
Theo các chuyên gia, bằng việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động tài chính tiêu dùng, các công ty cho vay tiêu dùng đã giúp khách hàng thuận lợi tiếp cận các dịch vụ tài chính thông qua nhiều nền tảng từ mạng xã hội, các ứng dụng ví điện tử, web, mobile app, định danh điện tử, phê duyệt tự động... Nhờ vậy, hoạt động cho vay tiêu dùng sẽ tiếp tục sôi động.