Tranh thủ 6 tháng biển êm sóng lặng, các quý ông lại rỉ tai nhau âm thầm chuẩn bị đồ nghề cho những chuyến “đánh bắt xa bờ”.
Mỗi nhóm bốn năm người với lỉnh kỉnh nào cần lớn cần nhỏ, nào hành tỏi, rau tươi, thịt đông lạnh, cà phê, nước uống... lục tục kéo nhau lên những chiếc ghe câu thuê của ngư dân, bắt đầu những ngày lênh đênh trên biển, để, nói một cách văn hoa là... tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống. Trong khi đó, các phu nhân ở nhà chỉ phán mỗi một câu... mấy cha này điên hết rồi!
Các bà vợ nói cũng có lý, không điên sao ở nhà chăn êm nệm ấm, cơm nước có người lo, đi làm về chỉ có mỗi việc là thưởng thức, lại lênh đênh trên biển, chen chúc trong một chiếc ghe câu nhỏ xíu với cả chục con người, tính luôn cả bạn ghe, tức tài công, thợ máy!
Những điểm câu lý tưởng có thể nói đến là Côn Đảo hay Phú Quốc. Từ TP.HCM, sau một giờ bay là đến Côn Đảo, mua sắm thực phẩm xong là lên ghe bắt đầu chuyến hải hành thường kéo dài khoảng 4 ngày liên tục trên biển.
Câu cá biển khác nhiều so với câu cá sông hay hồ, đêm đầu tiên các ngư ông @ phải thức trắng để câu mực làm mồi. Khi bình minh ló dạng là lúc bắt đầu công việc chính.
Có hai dạng câu là câu đáy, tức móc mồi và thả chì ở độ sâu 50-70 sải nước, dạng còn lại là câu trên mặt nước. Ở biển, mọi thứ được tự nhiên phân chia rất rõ ràng, mỗi rạng san hô là lãnh địa của một vài loài cá, ở mỗi tầng nông sâu lại có các loài cá hay sinh vật biển khác nhau.
Gạt qua một bên những chiến lược kinh doanh, những con số khô khan về doanh thu, công nợ, khách hàng..., các ngư ông @ bắt đầu làm quen với nước chảy mạnh thì xài chì bao nhiêu gram, gặp đàn cá thu thì dùng lưỡi gì, cá bốp thì xài cước gì? Câu cá bè trang thì làm thẻo ra sao?...
Cứ như vậy, mấy ngày lênh đênh trên biển, có bao nhiêu “bản lĩnh đàn ông thời nay” đều phải đem ra xài. Biển không phải lúc nào cũng “rì rào sóng vỗ”. Khác với cảnh các ông bụng bự nằm lim dim tắm nắng trong các resort 4-5 sao, giữa biển khơi, chiếc ghe câu nhỏ nhoi như cái lá khô giữa dòng nước.
Có người ngay khi ghe buông neo là bắt đầu say sóng quay cuồng và ói cho đến tận ngày vô bờ. Một khi đã ra khơi coi như không còn có chuyện “quay đầu là bờ”.
Với những “tay chơi thành thị”, đi câu biển lần đầu có thể bị “hạ gục” bởi say sóng và điều kiện sinh hoạt rất kham khổ. Mấy ngày trên ghe câu chỉ có nước biển để tắm giặt, các quí ông lại phải thay nhau nấu cơm trong điều kiện sóng đánh dập dìu, gió thổi ràn rạt.
Ngày thì nắng cháy da, tối đến thức đến 3-4 giờ sáng câu mực, mệt thì chỉ có sàn gỗ đặc sệt mùi cá để tranh thủ chợp mắt trong tiếng máy dầu nổ lình bình và ánh đèn cao áp sáng rực mặt nước để dụ cá.
Người ta thường nói chim trời cá nước. Chuẩn bị tận răng nhưng không phải chuyến nào cũng câu được cá. Bình thường ngồi 8 tiếng đồng hồ trong văn phòng máy lạnh đã thấy mệt, giờ thì mỗi ngày câu thường bắt đầu lúc 5 giờ sáng cho đến 5 giờ chiều.
Có ngày bội thu, mỗi người câu gần tạ cá, nhưng cũng có ngày cả chục con người câu được một vài ký các loài cá nhỏ như các róc, cá bảy xị..., vừa đủ thức ăn cho cả ghe.
Gặp lúc trời yên biển lặng, mọi việc suôn sẻ thì không sao, thi thoảng gặp cơn giông, bầu trời, mặt biển mù mịt mưa gió, chiếc ghe câu nhỏ bé ngụp lặn qua mỗi con sóng cao lừng, tới lúc đó mới thấy các bà vợ ở nhà nhận xét quả không sai, chỉ có điên mới chơi thể loại “nặng đô” này!
Một năm đợi chờ, bốn ngày “hành xác” thường qua rất nhanh, các ngư ông @ hăm hở lên bờ với vài trăm ký cá các loại, con nhỏ nhất cũng 5-7 kg, con lớn chừng 15-20 kg, cá biệt có người câu được cá mú, cá mập đến cả trăm ký.
Một cây cần, hai cánh tay kéo được con các biển gần cả trăm ký là ước mơ của không ít người. Lúc ấy, một cảm giác không thể tả được bằng lời, không có tiền bạc, của cải nào có thể mua được cảm giác đó. Đến nỗi, lên bờ rồi, những cảm giác ấy cứ truyền miệng nhau mãi đến tận mùa câu năm sau.
Không ít người sau chuyến câu, thề sống chết đây là lần đầu cũng như lần cuối thử chơi trò câu cá đại dương, nhưng với những ai chịu đựng được đến chuyến thứ hai, trong máu bắt đầu nhiễm loại “vi rút mới” không thuốc chữa - vi rút câu cá đại dương!
Trải nghiệm Dân làm văn phòng, bất kể sếp hay nhân viên, đều có nhu cầu giải trí để xả stress sau những ngày làm việc căng thẳng. Không thể kể hết có bao nhiêu cách “trị liệu tinh thần”: có người chọn vài chai bia với bạn bè sau giờ làm hoặc vào dịp cuối tuần, có người đi vũ trường hay karaoke; cá tính hơn, có những vị bác sỹ cởi blue trắng, khoác bộ đồ da, nhảy lên chiếc Harley Davidson, hoá thân thành một con người khác, hoang dã và phong trần. Thời nay, có dạo, ao câu cá giải trí nở rộ như một thú vui thời thượng, người ta vô ao, thuê cần gác đó rồi bắt đầu... nhậu, không mấy ai cũng quan tâm giờ nào cá cắn câu, cá nào thì câu cần gì, mồi gì... Lại có người ôm cần lang thang hết cửa sông này đến cửa sông khác, hết bờ biển này đến bờ biển khác, thức trắng đêm để được tận hưởng cảm giác cá ăn chạy mút cần hay sự hụt hẫng, tiếc nuối khi xổng con mồi vừa cắn câu. Trong khi đa số gác cần chuyển sang thú vui mới thì vẫn có những người kiên nhẫn đeo bám đến cùng. Cũng như trong làm ăn, ngành nào cũng có tuổi đời của nó, đến khi hết thời không lẽ giải thể công ty về quê nuôi gà? Doanh nhân giỏi luôn tràn đầy ý tưởng mới. Thế nên trong cách chơi, doanh nhân thời @ cũng thể hiện sự sáng tạo và bản lĩnh. |
Côn Đảo năm 2012