Ngoại trưởng Blinken phát biểu tại Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 30/3/2021. Ảnh: AFP. |
Tuyên bố trên được ông Blinken đưa ra tại một buổi phỏng vấn với tờ La Stampa của Ý hôm 30/3/2021. Trong đó, vị ngoại trưởng nhấn mạnh cam kết rằng, Mỹ sẽ không ép các đồng minh của mình phải "lựa chọn" giữa Washington và Bắc Kinh.
Dẫn lời ông Blinken, Sputnik News cho biết: "Mối quan hệ của chúng tôi với Bắc Kinh, cũng giống như với nhiều đồng minh, có lúc mang tính cạnh tranh, có lúc mang tính hợp tác, và có lúc lại mang tính đối lập. Song, điểm chung là sự cần thiết phải giành lợi thế khi đối đầu với Trung Quốc từ vị thế sức mạnh, bắt đầu từ các liên minh mạnh mẽ, sự phối hợp và hợp tác".
Bên cạnh đó, nhà ngoại giao cũng khẳng định, mục tiêu của Mỹ "không phải là kiềm chế Trung Quốc", mà là "duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ mà chúng ta đã đầu tư rất nhiều trong 75 năm qua", vốn phù hợp với lợi ích và giá trị của các bên.
"Khi ai đó thách thức hệ thống này, dù là Trung Quốc hay nước khác, và khi họ không chơi theo luật hoặc không tôn trọng luật, hoặc cố gắng phá hoại các cam kết đã được các bên khác đưa ra, tất cả chúng ta đều có lý do để phản đối", ông Blinken nói.
Đồng thời, người đứng đầu cơ quan ngoại giao Mỹ cho rằng, "Trung Quốc đang hành động bằng cách làm suy yếu trật tự này, vi phạm nhân quyền và các cam kết khác".
Có thể nói, quan hệ giữa Trung Quốc và phương Tây đang ở mức thấp chưa từng có trong 30 năm qua. Liên minh châu Âu hôm 22/3/2021 đã lần đầu áp lệnh trừng phạt lên Trung Quốc kể từ vụ việc cấm vận vũ khí năm 1989, do các cáo buộc Bắc Kinh ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số khác ở Tân Cương. Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc này.
Mới đây nhất, Anh cho biết sẽ thúc đẩy các đồng minh trong nhóm G7 tại cuộc đàm phán ngày 31/3 để có hành động cứng rắn hơn trước các hành vi xấu của Trung Quốc trong giao thương - động thái cho thấy đường lối cứng rắn hơn với Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
"Mọi người không thể tin tưởng vào thương mại tự do nếu không có sự công bằng. Niềm tin của công chúng đã bị hao mòn vì các hoạt động xấu, từ việc sử dụng lao động cưỡng bức đến suy thoái môi trường và đánh cắp tài sản trí tuệ", Bộ trưởng Thương mại Anh Liz Truss tuyên bố trước cuộc họp giữa G7 và WTO
Mặc dù không trực tiếp nói đến Trung Quốc trong tuyên bố, song tất cả khía cạnh bà Truss đề cập đều là các vấn đề Anh từng nêu ra với Trung Quốc. Bắc Kinh đã bác bỏ cáo buộc đánh cắp tài sản trí tuệ, làm suy thoái môi trường hay buôn bán hàng hóa do lực lượng lao động bị cưỡng bức làm ra.
Trong bức tranh rộng hơn, đây là một phần của cuộc xung đột ngày càng leo thang về kinh tế, quân sự và địa chính trị giữa Trung Quốc với Mỹ và các đồng minh. Các vấn đề gây căng thẳng bao gồm thương mại, công nghệ, Đài Loan, Hồng Kông hay Biển Đông.
Trong chuyến thăm châu Âu tuần trước, Ngoại trưởng Blinken cho biết Mỹ muốn hợp tác với các đồng minh về "cách thức thúc đẩy những lợi ích kinh tế chung, chống lại một số hành động gây hấn và ép buộc của Trung Quốc".