"Đã đến lúc, tôi thấy mình cần làm một cái gì đó"
Dù ở vị trí nào đi chăng nữa thì tình yêu, sự mê đắm mà Ngô Thanh Vân dành cho điện ảnh vẫn hệt như cái thuở ban đầu, khi cô góp mặt vào dự án điện ảnh Dòng máu anh hùng (2007). Thời điểm ấy, Vân là một người mẫu tên tuổi, ca sĩ đắt show, còn điện ảnh, Vân hoàn toàn là lính mới.
Sau Dòng máu anh hùng, Vân dính chặt với hình ảnh "đả nữ" mà có lẽ, đến tận bây giờ, vẫn chưa có diễn viên nào đủ lực "truất ngôi". Hai bộ phim mang đến một Ngô Thanh Vân khác, không chỉ biết đánh đấm trên màn ảnh là Ngọc Viễn Đông (2011, Cường Ngô) và Ngôi nhà trong hẻm (2012, Lê Văn Kiệt).
Khoảng giữa những bộ phim đó, Vân không hề đứng yên. Cô âm thầm chuẩn bị rồi trở thành "bà bầu" của nhóm nhạc 365 giữa thời kỳ kinh tế suy giảm. Thay vì than thở, Vân nhảy vào tự làm đạo diễn MV, làm hậu kỳ cho nhóm để giảm chi phí. Cô đi hát trở lại với điều kiện kèm 365 cũng được nhận show. Vân xây dựng hẳn hoi lộ trình trở thành ngôi sao giải trí cho nhóm bằng quá trình rèn luyện vô cùng nghiêm ngặt với sự thấu hiểu và hậu thuẫn tốt nhất từ ê kíp.
Năm 2016, Ngô Thanh Vân trở thành đạo diễn của Tấm Cám: Chuyện chưa kể. |
Khi 365 có tiếng vang, Vân tiếp tục hành trình phim ảnh trong Ngày nảy ngày nay (2015) - một bộ phim kỳ ảo, giả tưởng. Lần này, vai trò của Vân khác trước. Cô đồng đạo diễn với Cường Ngô và là nhà sản xuất. Một năm sau, Vân trở thành đạo diễn của Tấm Cám: Chuyện chưa kể - một bộ phim kỳ ảo khác lấy cái nền của cổ tích.
Vị trí của Vân trong điện ảnh đã không còn bó hẹp trước máy quay, cô sẵn sàng lùi về phía sau, không chỉ vì tuổi nghề của diễn viên nữ vốn ngắn, càng không phải vì không tìm được vai diễn. Bởi cô hiểu, chỉ có chủ động tạo ra sản phẩm điện ảnh, bằng tâm huyết, tầm nhìn, mới có thể góp phần định dạng thị trường điện ảnh Việt nhiều tiềm năng song cũng nhỏ lẻ, manh mún.
Vân từ chối nhiều dự án điện ảnh tại Hollywood để theo đuổi các dự án điện ảnh trong nước.
"Trở thành diễn viên là ngọn lửa, là đam mê suốt đời tôi đeo đuổi. Nhưng tôi nghĩ, điện ảnh Việt đang trong giai đoạn chuyển mình, cần có những cú hích để thay đổi, đưa nó đi lên thêm một bước nữa. Người làm phim phải mày mò làm để xây dựng một thị trường phim tốt hơn. Không phải tôi tự tôn, cho mình là nhân tố quan trọng gì đâu. Chỉ là, đã đến lúc tôi thấy mình cần phải làm một cái gì đó", Vân nói.
Đằng sau máy quay
Tình yêu của Vân với điện ảnh, theo thời gian, trở nên mãnh liệt, nồng nàn hơn. Nhưng không vì vậy mà dễ dàng. Trở thành nhà sản xuất đã khó, trở thành nữ đạo diễn càng khó hơn. Điện ảnh vốn là lĩnh vực mà hầu hết vị trí quan trọng đều do nam giới nắm giữ.
"Mỗi ngày thức dậy, tôi có cảm giác mình phải mặc áo giáp ra trường quay, đương đầu với mọi thứ", Vân nhớ lại những ngày đầu trên phim trường Tấm Cám. "Làm thế nào để tồn tại và thành công trong thế giới của đàn ông?".
Câu trả lời của Vân là: "Đừng vội vã, đừng tìm cách yêu cầu. Càng không nên ra lệnh, ngay cả khi bạn tin rằng mình có quyền làm thế. Bạn chỉ có thể xóa bỏ ngờ vực, khiến người khác tin vào khả năng, hợp tác cùng bạn một khi bạn đích thân hành động".
Vân khẳng định: "Một phụ nữ trẻ không cần gồng mình thể hiện. Càng không nên nỗ lực biến mình thành đàn ông. Cứ là chính bạn, nương dựa vào tính nữ của bạn. Bạn sẽ vận hành thế giới theo cách của mình".
Năm 2017, Vân trình làng Cô ba Sài Gòn - dự án phim khơi dậy tình yêu với chiếc áo dài Việt Nam. Tết 2018, quý bà, quý cô nô nức mặc áo dài ra phố. Sức mạnh và thành công của điện ảnh, của văn hóa không chỉ dừng lại ở con số doanh thu, mà còn ở độ lan tỏa, cộng hưởng giá trị, hướng đến cộng đồng.
Tất nhiên, không phải dự án nào của Ngô Thanh Vân cũng thành công dù nó luôn tạo được sức hút và sự chú ý của công chúng. Về quê ăn tết là một cú ngã đầy đau thương để mang đến một Song Lang (Leon Lê) đầy mỹ cảm, hoài niệm và lắng đọng trước những vẻ đẹp vang bóng một thời, một câu chuyện nhẹ nhàng, tha thiết.
Tất cả những dự án này, Vân góp sức ở vai trò sản xuất (Studio 68), đưa khán giả đi từ nghi ngờ đến ngạc nhiên, xen lẫn hứng thú và choáng ngộp. Xen giữa các dự án Việt Nam là một vài phân đoạn Vân góp mặt trong các "bom tấn" Hollywood như Ngọa hổ tàng long 2 (2016), Star Wars: The Last Jedi (2017), Bright (2017). Làm việc và không ngừng làm việc để học hỏi là một trong những lý do tạo nên một Ngô Thanh Vân giỏi giang, trở thành cái tên bảo chứng cho bất kỳ thương hiệu nào cô góp mặt.
"Hai Phượng" và khát vọng mới
Chiến thắng giòn giã của Hai Phượng (Lê Văn Kiệt) vào đầu năm 2019, Vân ở vai trò diễn viên và sản xuất, tại thị trường trong nước và thị trường Mỹ đã nhóm lên một giấc mơ mới cho các nhà làm phim Việt, cụ thể là phim thương mại. Ở vị trí diễn viên, Vân không ngại gian khổ, lội sông, nhảy ghe, nhảy tàu, thậm chí suýt chết ngạt vì sợ nước... để thực hiện những pha hành động và vẫn là bà mẹ hết lòng thương con. Hình ảnh người mẹ trong chiếc áo bà ba tím bước vào phim hành động đầy cảm xúc chẳng thua kém gì phim Hollywood.
Trong vai trò nhà sản xuất, Vân đã khéo léo cân bằng giữa cái tôi trong sáng tạo và lợi nhuận trong kinh doanh, vẫn mang đến một tác phẩm mãn nhãn cho khán giả. Vân tiết chế được sự bay bổng, phát huy tài năng của đạo diễn. Cũng chính Vân, khi nhận ra cảnh cuối chưa đủ bùng nổ, đã thuyết phục nhà đầu tư quay và chi trả thêm một tuần sản xuất cho toàn bộ ê kíp, chuyên gia người Pháp để dựng bài mới, tập luyện thêm với diễn viên cho hơn một phút quay trên phim.
Ngô Thanh Vân không chỉ là người miệt mài làm việc, cầu toàn cho sản phẩm, mà còn là một kẻ mơ mộng trên những điều thực tế. Cô nỗ lực lồng ghép những nét văn hóa đặc trưng của Việt Nam, thể hiện kỹ năng chuyên môn của các nhà làm phim Việt, khơi dậy sự tự hào của khán giả trong nước và mang điện ảnh Việt ra thế giới.
"Với tôi, điện ảnh Việt có nhiều thứ có thể giới thiệu ra thế giới: văn hóa cổ truyền, ẩm thực, con người Việt...", Vân cho biết.
Với Hai Phượng (tên tiếng Anh: Furie), bộ phim này được hãng Well Go USA (hãng phim chuyên tìm mua những bộ phim châu Á xuất sắc để chiếu tại Mỹ, nhằm đa dạng hóa điện ảnh) mua bản quyền phát hành tại 28 rạp của Mỹ từ ngày 1/3/2019.
Sau hai tuần công chiếu, phim đạt doanh thu hơn 395.000 USD (9,1 tỷ đồng), vào top 25 doanh thu phòng vé Bắc Mỹ và nhận được đánh giá tích cực trên Rotten Tomatoes. Hai Phượng sau đó tiếp tục hành trình đến Canada, Úc, Trung Quốc... rồi lên Netflix.
Cần nhấn mạnh rằng, đây là hướng phát hành chính thống, hướng đến cả đối tượng là khán giả Việt kiều tại nước ngoài và khán giả bản địa, thay vì chỉ bán bản quyền cho một bên thứ ba tại Việt Nam để chiếu trong cộng đồng người Việt như một số phim Việt khác. Hai Phượng nhận được nhiều lời khen trên các trang phê bình quốc tế và củng cố thêm vị trí của đạo diễn Lê Văn Kiệt tại Hollywood.
Ngô Thanh Vân không mải mê với chiến thắng. Cô đang tất bật với hàng loạt dự án, từ hành động (Thanh Sói), đến tâm lý, tình cảm (Bởi Sài Gòn nhiều nắng, Đàn bà 30, Phở, Đủ nắng hoa sẽ nở) và những dự án cổ tích thần thoại Việt Nam (Trạng Tí, Thằng bờm, Thánh Gióng, Thạch Sanh, Sơn Tinh - Thủy Tinh...).
"Chúng tôi nỗ lực tăng thị phần phim Việt ở sân nhà. Tuy nhiên, chúng tôi cũng tham vọng đưa phim Việt ra thế giới bằng sự hợp tác. Những dự án sắp tới của chúng tôi, sẽ có dự án kinh phí lớn từ 1-3 triệu USD, cũng có dự án hợp tác với phía Hollywood", Vân tiết lộ. Cô thừa nhận sự tham lam trong nghề, nỗ lực để quảng bá văn hóa của đất nước thông qua phim.
"Điều cơ bản nhất các nhà sản xuất phim Việt cần trang bị ngay bây giờ là sự nhạy bén với xu hướng, chiến lược định hướng sản phẩm rõ ràng và sự uyển chuyển trong sáng tạo. Nhà làm phim nên học cách dung hòa giữa cái tôi sáng tạo của bản thân và thị hiếu của khán giả. Bên cạnh đó, cần chủ động tìm kiếm cơ hội phát triển thông qua việc tham gia các hội chợ phim, tiếp xúc với các nhà làm phim nước ngoài, gặp gỡ đối tác, các đơn vị phát hành quốc tế", Vân cho biết.