Sự bùng nổ thương mại điện tử cùng chi phí sản xuất thấp đang khiến nhiều nhà sản xuất dịch chuyển từ Trung Quốc sang Đông Nam Á.
Trưởng bộ phận Nghiên cứu Thị trường vốn Đông Nam Á Jones Lang LaSalle (JLL), Regina Lim cho biết điểm đến của ngành hậu cần đang có sự dịch chuyển mạnh mẽ từ Trung Quốc sang Đông Nam Á. Nguyên nhân chủ yếu là bài toán chi phí cạnh tranh.
Mức lương của Trung Quốc hiện cao hơn 3-4 lần so với trước đây trong khi mức lương nội địa tối thiểu ở một số nước Đông Nam Á lại rẻ hơn. Điều này đang thu hút các nhà sản xuất thiết lập nhà máy tại đây nhằm phục vụ cho số đông người tiêu dùng ngày càng tăng lên.
Sản lượng sản xuất của Indonesia có thể tăng lên 6,5% trong nửa thập niên tới, so với 5% hiện tại. Còn Việt Nam lại là quốc gia nổi bật với lực lượng lao động lành nghề và chi phí tương đối thấp.
Theo chuyên gia JLL, quy mô thị trường của Đông Nam Á và tiềm năng ngành tiêu dùng tại đây đang cực kỳ hấp dẫn. Đến năm 2050, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ có quy mô tương đương với châu Âu, trở thành khu kinh tế lớn thứ tư thế giới, sau Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ. Các nước Đông Nam Á sẽ trở thành các cường quốc; Indonesia được dự báo là nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới, trong khi Philippines và Việt Nam đứng thứ 19 và 20.
Nghiên cứu của Google và Temasek nhấn mạnh thêm tiềm năng của khu vực, dự báo rằng thị trường thương mại điện tử có thể tăng trưởng từ 5,5 tỷ USD năm 2015 lên 88 tỷ USD năm 2025, trong đó Indonesia chiếm 52% thị trường.
Nhân khẩu học trẻ trong khu vực sẽ sớm thúc đẩy thời đại của thương mại điện tử. Giới trẻ ở Đông Nam Á rất thành thạo trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội và họ đang sử dụng công nghệ để khám phá nhiều hơn. Người tiêu dùng dần bỏ qua máy tính và đang sử dụng điện thoại thông minh để mua sắm. 20-30% người ở Đông Nam Á đã mua sắm trực tuyến qua internet mỗi tháng, tương đương Mỹ hoặc Anh.
Thị trường tiềm năng này đã nằm trong tầm ngắm của các ông lớn thương mại điện tử. Alibaba vừa gia tăng cổ phần của mình trong trang thương mại điện tử lớn nhất khu vực – Lazada Group, đưa tổng số cổ phần lên 95% và ra mắt nền tảng Tmall đang thịnh hành ở Malaysia và Singapore. Tập đoàn này cũng đang thiết lập các trung tâm hậu cần ở Malaysia và Thái Lan.
Tháng 6/2017, Reebonz - thương hiệu thương mại điện tử cao cấp đã khai trương một Trung tâm Thương mại Điện tử có diện tích 18.580 m2 tại Singapore, trong khi Singpost đã giới thiệu một trụ sở hậu cần thương mại điện tử trị giá 131 triệu USD tại Công viên Logistics Tampines ở Singapore.