Khó khăn trong xử lý nợ xấu tùy thuộc vào cách làm việc của nhân viên thu hồi nợ và khách nợ

Tấn Lộc| 16/09/2022 03:52

Kể từ khi có Nghị Quyết 42 và Công ty TNHH MTV quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) ra đời đến nay đã thu hồi được các khoản nợ xấu của nhiều tổ chức tài chính tín dụng lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Khó khăn trong xử lý nợ xấu tùy thuộc vào cách làm việc của nhân viên thu hồi nợ và khách nợ

Cũng có những khách hàng có ý thức về nghĩa vụ trả nợ của mình từ đó có một thái độ hợp tác với ngân hàng để xử lý - Ảnh minh họa

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến 31/12/2021, toàn hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được 380.200 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42, đạt trung bình khoảng 5.670 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn mức trung bình 3.250 tỷ đồng/tháng trong giai đoạn trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực (từ năm 2012 - 2017).

Tuy nhiên, để đạt được kết quả như thế thì mỗi bộ phận xử lý thu hồi nợ tại các TCTD cũng gặp không ít những khó khăn, vướng mắc không chỉ đến từ cơ chế, chính sách, quy định, văn bản pháp luật bao gồm cả nội bộ và của cơ quan nhà nước mà còn đến từ phía khách hàng đang bị nợ xấu. 

Điều đáng lưu ý là trong số 380.200 tỷ đồng nợ xấu đã được xử lý, có 148 nghìn tỷ đồng là do khách hàng tự trả (chiếm 38,93%), cao hơn so với mức 22,8% trung bình năm từ 2012 - 2017.

Nếu phân tích, đánh giá xem xét một khoản nợ xấu để có phương án xử lý nợ tối ưu và mang lại hiệu quả, lợi ích cho các bên quả thật là điều rất nan giải, vì khi các khoản nợ phát sinh nợ xấu thì bản thân các TCTD luôn sẵn sàng có những chính sách hỗ trợ linh động, tạo mọi điều kiện để khách hàng tất toán khoản nợ nhưng khách hàng nợ xấu thường nghĩ  đã bị nợ xấu thì không gì phải sợ nên bỏ luôn, không muốn trả nợ nữa và cứ thế chây ỳ, có những lúc lại có “thái độ” hoặc hành động cản trở, ngăn cản công tác xử lý nợ.  

Hệ quả là sau đó một thời gian, khi khách hàng từng nợ xấu cần phải vay vốn kinh doanh thì không một ngân hàng nào cho vay bởi vì khoản nợ xấu cũ vẫn chưa tất toán. Mặt khác, cho dù đã tất toán rồi mà khi khoản nợ rơi vào các nhóm nợ 3,4,5 thì phải mất đến 3-5 năm kể từ ngày khách hàng tất toán thì hệ thống CIC mới không thể hiện lịch sử nợ xấu.

-4278-1663310139.jpg

Mỗi bộ phận xử lý thu hồi nợ tại các TCTD cũng gặp không ít những khó khăn, vướng mắc không chỉ đến từ cơ chế, chính sách, quy định, văn bản pháp luật bao gồm cả nội bộ và của cơ quan nhà nước mà còn đến từ phía khách hàng đang bị nợ xấu - Ảnh minh họa

Trong thực tế, công tác xử lý nợ thu hồi nợ xấu tiềm ẩn nhiều rủi ro mà tôi - từng làm việc tại bộ phận xử lý thu hồi nợ của các Ngân hàng - chứng kiến có rất nhiều tình huống xảy ra, chẳng hạn như khi ngân hàng tiến hành thu giữ tài sản là đất trống tại quận 12. Mặc dù ngân hàng đã thực hiện đúng thủ tục như gửi thông báo tự nguyện bàn giao, thông báo thu giữ, thủ tục niêm yết… nhưng đến ngày thu giữ thực tế thì khách hàng lơ đi, cho rằng không nhận được bất kỳ thông báo hay văn bản nào của ngân hàng.

Đã vậy, khách hàng nợ còn có thái độ bất hợp tác, hành động thái quá, gây nguy hiểm đối với nhân viên của ngân hàng trong quá trình xử lý tài sản, chẳng hạn như: văng tục, tụ tập nhiều người cản trở ngân hàng thu giữ tài sản.

May mắn, cũng có những khách hàng có ý thức về nghĩa vụ trả nợ của mình, từ đó có một thái độ hợp tác với ngân hàng để xử lý. Đơn cử như trường hợp của một khách nợ ở Tiền Giang. Sau khi doanh nghiệp này vay vốn ngân hàng làm ăn thì gặp khó khăn trong đợt dịch vừa qua, khoản nợ của khách hàng rơi vào nợ xấu, thế nhưng sau 2 tháng thương thảo, đôn đốc thì khách hàng tự nguyện bàn giao tài sản cho ngân hàng để sớm đưa ra bán đấu giá tài sản.

Để đạt được sự tự nguyện bàn giao tài sản của khách nợ là một quá trình làm việc mang tính liên tục, quyết liệt, vừa cứng rắn vừa mềm dẻo của nhân viên thu hồi nợ. Người có kinh nghiệm sẽ dùng những dẫn chứng cụ thể, phân tích rõ từng phương án xử lý để khách hàng hiểu thấu đáo, cuối cùng đồng ý hợp tác cùng ngân hàng.

Vì vậy, công tác xử lý nợ của các TCTD không chỉ bị vướng mắc, khó khăn, trở ngại xuất phát từ cơ chế hay quy định của pháp luật mà còn phụ thuộc vào chính khách nợ và nhân viên phụ trách thu hồi nợ. Nếu như, bản thân người trực tiếp thu hồi nợ xem khách nợ như một người bạn đồng hành, sẵn sàng chia sẻ cùng khách nợ các hướng giải quyết thì bản thân khách nợ cũng thiện chí hợp tác. Khi cả hai bên cùng ngồi lại được với nhau thì kết quả xử lý nợ xấu của các TCTD sẽ còn cao hơn con số hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khó khăn trong xử lý nợ xấu tùy thuộc vào cách làm việc của nhân viên thu hồi nợ và khách nợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO