Hiệu ứng gì từ việc giảm lãi suất điều hành?

Khả Hân| 21/09/2019 07:00

Ngày 16/9/2019, Quyết định số 1870/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc giảm một loạt lãi suất điều hành chính thức có hiệu lực, đã gây bất ngờ cho thị trường. Liệu động thái này sẽ mang lại những hiệu ứng gì trong thời gian tới?

Hiệu ứng gì từ việc giảm lãi suất điều hành?

Đi theo xu hướng

Vào ngày 6/9/2019, Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBoC) đã thông báo hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho tất cả ngân hàng thương mại. Theo đó, tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ giảm 0,5%, qua đó giải phóng lượng vốn dài hạn khoảng 900 tỷ nhân dân tệ, tương đương 126 tỷ USD nhằm bơm thêm tiền vào nền kinh tế đang tỏ ra yếu kém của nước này. Đây đã là lần thứ ba PBoC giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ đầu năm đến nay, dù vậy Ngân hàng trung ương (NHTƯ) này vẫn tuyên bố rằng đang điều hành chính sách tiền tệ thận trọng.

Chưa đầy một tuần sau đó, ngày 12/9/2019, đến lượt NHTƯ châu Âu (ECB) tuyên bố thông qua gói kích thích tăng trưởng kinh tế bao gồm cắt giảm lãi suất và tái khởi động mua lại trái phiếu, nhằm đối phó với sự suy yếu của lạm phát cũng như các rủi ro vĩ mô khác, như việc suy thoái tại Đức hay việc suy yếu của triển vọng toàn cầu bởi ảnh hưởng tiêu cực của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Theo đó, ECB sẽ cắt giảm lãi suất tiền gửi xuống mức thấp kỷ lục, âm 0,5% từ mức âm 0,4% trước đó, đồng thời sẽ tái khởi động mua vào 20 tỷ euro/tháng bắt đầu từ tháng 11 năm nay.

Ngay ngày 12/9/2019, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã nhập cuộc xu hướng nới lỏng chính sách và cắt giảm lãi suất bằng Quyết định số 1870/QĐ-NHNN, sau khi hàng loạt NHTƯ khắp thế giới đã xoay chuyển chính sách, từ thắt chặt sang nới lỏng trong thời gian qua. Dù mức giảm chỉ ở mức khiêm tốn 0,25%, nhưng đây mới là lần giảm lãi suất điều hành đầu tiên trở lại kể từ ngày 10/7/2017 đến nay, báo hiệu định hướng chính sách tiền tệ có thể xoay chiều trong thời gian tới.

Cụ thể, NHNN giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6,25%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,25%/năm xuống 4,0%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN Việt Nam đối với các ngân hàng từ 7,25%/năm xuống 7,0%/năm. Đồng thời, lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 4,75%/năm xuống 4,5%/năm.

Hiệu ứng tích cực?

Như đã nói, dù việc giảm lãi suất điều hành chỉ 0,25 điểm phần trăm là không lớn, song động thái này có thể tác động lên tâm lý nền kinh tế và được xem là “kim chỉ nam” định hướng cho thị trường. Cụ thể là các ngân hàng thương mại phải lựa chọn ứng xử theo một cách phù hợp, khi mà thời gian qua nhiều nhà băng đã tăng mạnh lãi suất tiền gửi khiến NHNN phải ra thông báo nhắc nhở.

Ngoài ra, đây cũng là giải pháp để hỗ trợ thanh khoản với chi phí rẻ hơn cho hệ thống, khi mà thanh khoản bị áp lực trở lại trong thời gian gần đây. Lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đã vượt mốc 5% vào những ngày cuối tháng 8/2019, trong khi NHNN đã phải bơm ròng trong suốt tháng 8 kéo dài đến tuần đầu tháng 9 với giá trị lên đến hơn 77 nghìn tỷ đồng.

Do đó, với chính sách giảm lãi suất như trên, không chỉ cung cấp thêm một nguồn tài trợ giá rẻ hơn từ NHNN, từ đó giúp chi phí vốn của các ngân hàng tốt hơn để đảm bảo giữ ổn định lãi suất cho vay, định hướng mà Chính phủ và NHNN liên tục lặp lại trong suốt hơn hai năm qua, mà còn được kỳ vọng sẽ kéo lãi suất thị trường 2 xuống trở lại, tiếp đó sẽ lan tỏa qua lãi suất trên thị trường 1, tức huy động vốn từ dân cư.

Nếu có thể kìm chân lãi suất và giữ ổn định trở lại, cũng sẽ gián tiếp giúp giảm bớt sức hấp dẫn của tiền đồng (VND), khi mà thời gian qua, VND có dấu hiệu tăng giá trở lại so với USD và nhiều đồng tiền khác như nhân dân tệ của Trung Quốc hay đồng won của Hàn Quốc, ảnh hưởng tiêu cực lên hoạt động thương mại của Việt Nam theo hướng giảm lợi thế xuất khẩu và các doanh nghiệp tăng cường nhập khẩu.

Thực tế là ngay sau khi NHNN thông báo giảm lãi suất, giá mua bán USD tại các ngân hàng đồng loạt được điều chỉnh tăng lên. Cụ thể, trong buổi chiều ngày 13/9/2019, Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Sacombank đã ngay lập tức tăng giá giao dịch USD từ 5-19 đồng ở mỗi chiều so với phiên buổi sáng.

Ngoài tác động lên lãi suất và tỷ giá, việc giảm lãi suất có thể trở thành mồi lửa châm ngòi cho đà đi lên của thị trường chứng khoán vững chắc hơn. Về cơ bản, lãi suất luôn là một trong những yếu tố tác động rất mạnh đến thị trường chứng khoán. Trong những tháng gần đây, thị trường vẫn loay hoay trong một biên độ chật hẹp, dù có những lúc tưởng như VN-Index đã bứt phá vượt mốc 1.000 điểm, nhưng câu chuyện lãi suất tại các ngân hàng gia tăng đã níu chân và kìm hãm thị trường và tâm lý nhà đầu tư.

Nay nếu như nỗi lo lãi suất tạm được gỡ bỏ, nhà đầu tư có thể sẽ hào hứng và mạnh dạn rót tiền hơn. Thực tế, trong phiên giao dịch cuối tuần qua, sau khi NHNN giảm lãi suất, thị trường đã phản ứng đầy tích cực, khi giúp VN-Index có lúc tăng hơn 11 điểm, mức tăng mạnh nhất trong hai tuần qua. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã quay trở lại thành đầu tàu dẫn dắt quan trọng nhất của thị trường. Hiệu ứng trước thông tin NHNN giảm một loạt lãi suất điều hành, cổ phiếu ngân hàng có thể được lợi nhiều nhất và có thể bứt phá trong thời gian tới, với kỳ vọng sẽ góp sức đưa VN-Index chinh phục trở lại ngưỡng 1.000 điểm và lên tầm cao hơn trong thời gian còn lại của năm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hiệu ứng gì từ việc giảm lãi suất điều hành?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO