Ngân hàng đồng loạt công bố giảm lãi vay cho doanh nghiệp

Hồng Nga| 15/07/2021 07:53

Từ giữa tháng 7/2021, các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất cho vay. Hơn một năm qua, đây là lần đầu tiên cộng đồng doanh nghiệp (DN) nhận được sự đồng thuận giảm lãi suất của hệ thống ngân hàng.

Ngân hàng đồng loạt công bố giảm lãi vay cho doanh nghiệp

Các ngân hàng đồng loạt giảm lãi vay cho doanh nghiệp

Giảm từ 0,5-2,5%/năm

Ngày 14/7, Ngân hàng Sacombank công bố thực hiện giảm lãi suất 1%/năm cho các khách hàng DN và cá nhân đang có khoản vay tại ngân hàng thuộc các ngành nghề chịu tác động trực tiếp của dịch Covid-19 như du lịch, lữ hành, vận tải, nhà hàng - khách sạn - nghĩ dưỡng, giáo dục, y tế… Ngân hàng này cũng đồng thời tiếp tục ưu đãi, miễn phí dịch vụ, cơ cấu nợ và điều chỉnh giảm khung lãi suất cho vay… Các ngân hàng Vietcombank, Agribank, Vietinbank, BIDV, MB, Techcombank, VIB, HDBank… cũng công bố sẽ giảm lãi vay từ 0,5-2% cho các DN chịu tác động của Covid-19.

Đây là động thái mới nhất được các ngân hàng thực hiện sau cuộc họp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam ngày 12/7 vừa qua. Lãnh đạo 16 ngân hàng thương mại đã đồng thuận giảm lãi suất để hỗ trợ DN và người dân vượt qua khó khăn. Tuỳ theo đối tượng, các ngân hàng sẽ có mức giảm lãi suất phù hợp, thời gian thực hiện từ giữa tháng 7 cho đến hết năm nay. 

Ngân hàng Argribank giảm lãi suất từ 0,5-2,5%/năm cho từng đối tượng khách hàng cụ thể. Cũng như thế, Ngân hàng MB hỗ trợ trực tiếp cho các DN gặp khó khăn không có doanh thu hoặc doanh thu giảm như DN trong lĩnh vực lưu trú, dịch vụ… với mức giảm 1%/năm hoặc hơn. Các DN sản xuất và khách hàng cá nhân (trả góp từ lương) cũng sẽ được ngân hàng MB hỗ trợ. Trong khi đó, Ngân hàng Techcombank tập trung hỗ trợ cho các DN sản xuất thiết yếu cho nền kinh tế, DN có lực lượng lao động lớn. 

Ông Nguyễn Thành Nhân - Giám đốc khối Khách hàng doanh nghiệp Ngân hàng Bản Việt cho biết, từ đầu năm đến nay Bản Việt đã thực hiện 2 đợt giảm lãi suất cho nhóm khách hàng, đặc biệt là DN nhỏ và vừa bị ảnh hưởng bởi Covi-19. Cùng với đó, Bản Việt cũng đã triển khai nhiều chương trình ưu đãi. Cụ thể, tiếp nối các chương trình hỗ trợ DN bị ảnh hưởng Covid-19 đã triển khai trong năm 2020 (giảm lãi suất 2%, cơ cấu nợ vay), Bản Việt tiếp tục triển khai gói hỗ trợ quy mô 9.000 tỷ đồng, giảm lãi vay ngắn-trung-dài hạn đến 2%/năm, tùy theo từng nhóm khách hàng. Trong đó, các khách hàng thuộc nhóm DN ngành xây dựng đang gặp khó khăn khi giá nguyên vật liệu tăng cao, Bản Việt áp dụng mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 7,5%/năm, giảm phí bảo lãnh đến 55% và các phí dịch vụ khác.

“Chúng tôi thường xuyên cập nhập khó khăn cũng như mong muốn của các khách hàng từ các đơn vị trên hệ thống, từ đó phân nhóm khách hàng (ảnh hưởng nhẹ, ảnh hưởng vừa, ảnh hưởng nặng) để đưa ra các phương án giải quyết phù hợp như giảm lãi suất vay (từ 1 - 2% tùy theo nhóm khách hàng) và giảm các loại phí, xem xét việc cơ cấu nợ theo đúng quy định Ngân hàng Nhà nước… Chúng tôi mong muốn chia sẻ, đồng hành với khách hàng để DN mau chóng phục hồi, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại”, ông Nhân cho biết. Bên cạnh đó, Bản Việt cũng triển khai thêm chương trình hỗ trợ vốn, tiếp vốn kinh doanh cho DN nhỏ và vừa với mức lãi suất chỉ từ 7,9%/năm. Với chương trình này, các DN không chỉ nhận được mức lãi suất thấp mà còn được sử dụng dịch vụ ngân hàng Bản Việt với mức phí 0 đồng.

Cấp bách “bơm máu” cho DN

Từ đầu năm đến nay, nhiều ngân hàng thương mại đã tuyên bố giảm khá mạnh lãi suất cho vay như Vietcombank giảm 0,5-1%/năm, BIDV giảm 1-1,5%/năm, VietinBank và Agribank giảm 2-2,5%... Và theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, so với cuối năm 2020, lãi suất cho vay của các ngân hàng hiện giảm 0,15-0,35%/năm. Cụ thể, lãi suất cho vay tiền đồng đối với sản xuất kinh doanh bình quân từ 7-8%/năm cho vay ngắn hạn và 9-9,6%/năm đối với trung hạn. Cho vay tiền đồng ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên có lãi suất không quá 4,5%/năm. Lãi suất cho vay đầu tư, kinh doanh bất động sản cao nhất ở mức 11%/năm. 

Theo tính toán của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, 16 ngân hàng thương mại đồng thuần giảm lãi lần này chiếm tỷ trọng 75% tổng dư nợ, với gần 6,9 triệu tỷ đồng. Với mức giảm lãi suất từ 0,5-2%/năm, con số được kỳ vọng giảm cho DN lên khoảng 20.000 tỷ đồng.

Còn theo lãnh đạo Ngân hàng Sacombank, với tổng dư nợ vào khoảng 350 nghìn tỷ đồng, nếu lãi suất giảm 1% trong vòng 5-6 tháng, lợi nhuận của ngân hàng sẽ giảm trên nghìn tỷ đồng, tương đương với 40% lợi nhuận theo kế hoạch. 

Dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát khiến nhiều DN khó khăn, kiệt quệ. Số liệu thống kê cho thấy, trong nửa đầu năm nay, đã có hơn 70.000 DN ngừng hoạt động. 

Chỉ riêng Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam (Hội), đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất của hơn 10.000 DN hội viên. Có đến 98% DN của Hội phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động.

“Trong đợt dịch thứ 4 này, rất nhiều DN đã đến giới hạn của sức chịu đựng. Nhiều DN vay vốn ngân hàng đến kỳ trả nợ gốc và lãi nhưng không có khả năng trả đúng hạn. Nếu tình hình khó khăn tiếp tục sẽ đẩy đa số DN vào tình trạng phá sản, người lao động sẽ mất việc làm, dẫn đến mất ổn định trật tật xã hội”, ông Đặng Hồng Anh - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho biết.

Khó khăn là vậy nên mới đây, Hội đã có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất được hỗ trợ. Theo văn bản này, Hội đề xuất được giảm đồng loạt lãi suất mọi khoản vay hiện tại của DN 2% trong ít nhất 1 năm, trong đó đề xuất ngân sách bù 1% và ngân hàng thương mại chịu 1%. Hiện nay, mặc dù lãi suất đã giảm nhưng vẫn còn rất cao, nhiều DN không tiếp cận được lãi suất rẻ và tín dụng ưu đãi. Vì vậy, cần có giải pháp giảm lãi suất cho vay từ 1,5 - 2%/năm (áp dụng cho 12 tháng kể từ tháng 7/2021). Hỗ trợ nguồn vốn vay cho DN thông qua ngân hàng từ nguồn ngân sách nhà nước, Quỹ Phát triển DN nhỏ và vừa để tạo điều kiện cho DN tiếp cận được nguồn tài chính cần thiết.

Vốn cho DN, đặc biệt là nguồn vốn vay thấp là điều cấp thiết để cứu các DN hiện nay. “DN hiện đang rất khát vốn. Nhiều DN nhỏ và vừa tại TP.HCM không có doanh thu nhưng vẫn phải trả tiền lãi vay, tiền thuê mặt bằng, trả lương lao động… Cho nên, rất cấp bách phải “bơm máu” cho DN. Nếu không có tín dụng, DN sẽ đứng trước bờ vực phá sản, các chính sách hỗ trợ khác chỉ là giải pháp cấp cứu tạm thời”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngân hàng đồng loạt công bố giảm lãi vay cho doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO