![]() |
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, GDP 6 tháng đầu năm của Việt Nam ước tăng 4,38%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2012 khoảng 5,6% (nhiều nghiên cứu khác đưa ra dự báo thấp hơn con số này một chút). Vậy tăng trưởng giảm như hiện nay có phải là biểu hiện cho thấy Việt Nam đang đối diện thực sự với quá trình suy thoái kinh tế?
![]() |
Con số dự báo tăng trưởng GDP năm 2012 là 5,6% so với tốc độ tăng GDP bình quân thời kỳ 2005-2010 là 7,3% thì có hơi thấp thật. Tuy nhiên, nếu chúng ta biết rằng Việt Nam đã dồn hết sức để kiềm chế lạm phát trong năm 2011, cộng với tình hình kinh tế thế giới không mấy khả quan, thì con số trên không phải là quá tệ.
Không có gì là tăng mãi, tăng trưởng cũng phải có lúc thăng lúc trầm. Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế chỉ mới sụt giảm thời gian ngắn là do nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi mô hình phát triển cho giai đoạn tăng trưởng mới.
Nền kinh tế chỉ sẽ thực sự lâm nguy nếu quá trình điều chỉnh giảm diễn ra liên tục và kéo quá dài. Lúc đó mới sẽ phải lo nguy cơ kinh tế Việt Nam vướng bẫy thu nhập trung bình.
Giá cả, sản xuất, sức mua đang tiếp tục giảm, doanh nghiệp thua lỗ ngày càng nhiều không biết có cần phải có các gói cứu trợ khẩn cấp, nới lỏng chính sách tài khóa, tiền tệ nhằm kích thích sức mua, kích thích sản xuất?
Thực tế, giá cả đang giảm là vì nó giảm chưa đủ để cung cầu gặp được nhau! Một khi giá giảm chưa đủ thì nó cần phải giảm nhiều hơn nữa.
Khi cung cầu gặp nhau, nền kinh tế sẽ tạo được thế thăng bằng, tạo động lực mới cho quá trình phát triển. Vì vậy, cần để giá giảm tự nhiên, cũng như việc nhất thiết phải để cho các doanh nghiệp yếu kém giải thể hay phá sản.
Đây là quá trình chọn lọc tự nhiên, các cá thể yếu sẽ tự thải loại, từ đó làm quần thể mạnh lên. Bên cạnh đó, mới năm ngoái, lạm phát hai con số mà Chính phủ phải vất vả sử dụng nhiều công cụ, nguồn lực mới kiềm chế được.
Nay nguy cơ lạm phát cao vẫn còn chực chờ quay trở lại bất cứ lúc nào nếu chính sách tiền tệ, tài khóa nới lỏng quá mức. Có lẽ Chính phủ cũng nhìn thấy vấn đề này thể hiện qua các bước đi hết sức thận trọng trong điều hành chính sách thời gian qua.
Vì những lẽ này không nên tạo một lực hữu hình nào đó ngăn cản quá trình giảm giá hiện nay, điều này chỉ có thể làm cho thị trường thêm ảm đạm do cung cầu không thể gặp nhau.
Còn đối với doanh nghiệp, tình hình hiện tại là cơ hội để chọn lọc, sắp xếp lại doanh nghiệp, chuẩn bị một lực lượng tinh nhuệ hơn để tham gia giai đoạn tăng trưởng mới với nhiều thách thức hơn.
Vậy nên, các biến cố thị trường sụt giảm, sức mua ảm đạm trong thời gian gần đây có thể được coi là hợp lẽ, hãy để thị trường tự điều tiết giá cả, quan hệ cung cầu.