Động thái mới của Mỹ buộc Nga sử dụng nhiều hơn kho dự trữ USD của riêng mình hoặc chấp nhận một vụ vỡ nợ đầu tiên trong nhiều thập kỷ. Ảnh: Wiki |
Động thái của Mỹ đưa ra ngày 4/4/2022 nhằm ngăn chặn Điện Kremlin thanh toán các khoản nợ có chủ quyền bằng hơn 600 triệu USD dự trữ nằm trong các tổ chức tài chính của Mỹ và buộc Nga sử dụng nhiều hơn kho dự trữ USD của riêng mình hoặc chấp nhận một vụ vỡ nợ đầu tiên trong nhiều thập kỷ.
Các đòn trừng phạt nhằm vào Nga sau cuộc chiến nổ ra ở Ukraine từ ngày 24/2 đã đóng băng toàn bộ dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) tại các ngân hàng của Mỹ. Nhưng Bộ Tài chính Mỹ đã cho phép Moscow sử dụng số tiền này để thanh toán lãi suất trái phiếu bằng đồng USD.
"Nga đang đối mặt với một cuộc suy thoái kinh tế, lạm phát tăng vọt, thiếu hụt các loại hàng hóa cơ bản và đồng nội tệ không còn hoạt động ở nhiều nơi trên thế giới", người phát ngôn Bộ Tài chính Mỹ nói với CNBC.
Theo người phát ngôn Bộ Tài chính Mỹ, một trong những hành động "mạnh mẽ nhất" trong số hơn 700 lệnh trừng phạt của Mỹ là áp những hành động nhằm vào CBR "với mức tác động, tốc độ và sự phối hợp đa phương chưa từng có".
Ngày 4/4, Nga đã đến hạn thanh toán khoản gốc của một trái phiếu trị giá 552,4 triệu USD đáo hạn vào năm 2022 và khoản lãi suất 84 triệu USD cho một trái phiếu đồng USD có chủ quyền đáo hạn năm 2024.
"Bắt đầu từ hôm nay, Bộ Tài chính Mỹ sẽ không cho phép bất kỳ khoản thanh toán nợ bằng đồng USD được thực hiện từ tài khoản của chính phủ Nga tại các tổ chức tài chính của Mỹ", người phát ngôn bộ Tài chính Mỹ nhấn mạnh và nói thêm: "Nga phải lựa chọn giữa việc sử dụng nguồn dự trữ đô la còn lại hoặc từ nguồn thu mới, hoặc vỡ nợ".
Cho đến nay, Nga đã tránh được tình trạng vỡ nợ ngoại tệ bất chấp các lệnh trừng phạt cứng rắn từ phương Tây nhằm hạn chế Nga tiếp cận kho dự trữ ngoại hối của mình. Bộ Tài chính Mỹ từng cho biết các lệnh trừng phạt Nga không ngăn cản nước này thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ quốc tế, ít nhất cho đến ngày 25/5.
Trước đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã khẳng định khả năng vỡ nợ của Nga là "hoàn toàn giả tạo" vì Nga có đủ tiền để thực hiện các nghĩa vụ nợ nước ngoài của mình. "Thực tế là ngay từ đầu chúng tôi đã khẳng định Nga có đủ tiền và tiềm năng cần thiết để ngăn một vụ vỡ nợ. Do đó, không thể có chuyện vỡ nợ", ông Peskov nói với Reuters.
Nói với hãng thông tấn RIA, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga - ông Anton Siluanov - cũng từng nhấn mạnh khả năng Nga thực hiện các nghĩa vụ trả nợ được hay không không nằm ở phía Nga.
"Chúng tôi có khả năng thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ bằng ngoại tệ hay không không phụ thuộc vào chúng tôi, chúng tôi có tiền, chúng tôi đã thanh toán và giờ trên hết, quả bóng đang ở phía các nhà chức trách Mỹ".
(Theo Dân Trí - Tựa bài do DNSG đặt lại)