Nghệ sĩ nhí Xèo Chu đưa tranh lên sàn NFT, thu về gần 23.000 USD

Vân Ly| 10/08/2021 08:00

Thần đồng nghệ thuật nhí Việt Nam, Xèo Chu vừa trở thành một trong những nghệ sĩ châu Á trẻ nhất tham gia thị trường giao dịch tranh điện tử. Hoạ sĩ nhí này cũng vừa thu về gần 23.000 USD (quy đổi) cho bức tranh “Hoa Mai may mắn” trên sàn NFT. Đây là bức tranh có giá cao nhất đến từ các nghệ sĩ Việt Nam xuất hiện trên sàn NFT.

Hoạ sĩ Xèo Chu bên các tác phẩm nghệ thuật của mình

Hoạ sĩ Xèo Chu bên các tác phẩm nghệ thuật

Bộc lộ năng khiếu với hội hoạ từ khi mới 4 tuổi, Xèo Chu đã có những thành tựu ấn tượng, tạo ra hơn 200 tác phẩm cá nhân từ 2-13 tuổi và thu hút được sự theo dõi toàn cầu của các nhà phê bình, phòng trưng bày và nhà sưu tập. Năm 2019, khi mới 12 tuổi, Xèo Chu đã thu hút sự chú ý của quốc tế với triển lãm cá nhân đầu tiên tại Phòng trưng bày George Bergès ở New York. Những bức tranh trừu tượng đầy màu sắc của hoạ sĩ nhí này đã được đánh giá hơn 150.000 USD và được so sánh với các tác phẩm của nghệ sĩ  người Mỹ nổi tiếng Jackson Pollock.

Xèo Chu không chỉ đem tình yêu nghệ thuật vào những bức tranh mà còn gửi gắm đến công chúng nhiều thông điệp có ý nghĩa trong cuộc sống. Với những nét vẽ đầy ấn tượng, Xèo Chu đã thoát ra vào một thế giới mà vẻ đẹp tinh tế, hiếm có của tĩnh vật ngự trị. Những bông Hồng nhung đỏ, Cẩm tú cầu xanh và tím, Cẩm chướng thậm chí là những quả cam vàng tươi và bí ngô xanh ở sân sau, đã tạo nên nét riêng của tranh Xèo Chu.

Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát tại TP.HCM, Xèo Chu và gia đình đã ứng dụng công nghệ để tạo cầu nối với công chúng yêu thích tranh của hoạ sĩ nhí này. Từ ngày 15 - 22/7, họa sĩ nhí Xèo Chu tổ chức bán đấu giá tranh tại cuộc triển lãm online Pandemic Paintings.

Toàn bộ số tiền bán tranh được ủng hộ cho công tác phòng chống dịch Covid-19 của Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM. Triển lãm này là sự kết hợp giữa hội họa và công nghệ. Công ty robot hàng đầu thế giới OhmniLabs của TS. Vũ Duy Thức từ Thung lũng Silicon, đã hỗ trợ robot để người yêu nghệ thuật ở Việt Nam và khắp nơi trên thế giới có tham quan từ xa phòng tranh tại nhà của hoạ sĩ Xèo Chu. Người yêu thích nghệ thuật trên khắp thế giới có thể điều khiển robot Ohmni để tự di chuyển quanh không gian triển lãm và dành thời gian ngắm nhìn những bức tranh theo ý thích của họ.

Phòng tranh triển lãm online của Xèo Chu với sự hỗ trợ của robot Ohmni.

Phòng tranh triển lãm online của Xèo Chu với sự hỗ trợ của robot Ohmni

Tiếp nối thành công của việc triển lãm tranh trực tuyến, Xèo Chu đã tạo ra NFT đầu tiên với bức tranh Hoa Mai may mắn. Bức tranh được bán đấu giá trên sàn giao dịch tác phẩm điện tử Binance NFT vào ngày 6/8/2021 và ngay lập tức thu hút sự chú ý của người yêu nghệ thuật.

Với giá khởi điểm hơn 5.000 USD (quy đổi), bức tranh được người đấu giá đẩy lên hơn 10.000 USD và cuối cùng, tác phẩm này được bán với giá hơn gần 23.000 USD. Đây cũng là bức tranh có giá trị cao nhất được giao dịch trên sàn NFT đến từ các nghệ sĩ Việt.

Bức Hoa Mai may mắn của Xèo Chu được đấu giá thành công trên sàn giao dịch Binance NFT

Bức "Hoa Mai may mắn" của Xèo Chu được đấu giá thành công trên sàn giao dịch Binance NFT

Giá bán ra cuối cùng của bức tranh Hoa Mai may mắn là 22.899 BUSD, tương đương với gần 23.000 USD

Giá bán ra cuối cùng của bức "Hoa Mai may mắn" là 22.899 BUSD, tương đương với gần 23.000 USD

Xèo Chu cho biết, “Không gian NFT là một thế giới hoàn toàn mới đối với tôi. Nhưng tôi vô cùng hào hứng khi thấy tác phẩm nghệ thuật của mình đã vượt ra ngoài ranh giới vật lý thông thường để tiếp cận những người yêu mến”.

Lần đầu tiên thế giới phải đối mặt với một đại dịch chưa từng chứng kiến, nhưng cũng là lần đầu tiên, nghệ thuật kết hợp với công nghệ để ghi lại khoảnh khắc đẹp đẽ và tiếp cận công chúng rộng rãi mà không bị giới hạn bởi không gian và thời gian.

Trước Xèo Chu, Việt Nam từng có 2 nghệ sĩ tham gia triển lãm tranh trên sàn Binance NFT là Phong Lương và Tú Na.

Phong Lương là Nghệ sĩ đồ họa chuyển động & Giám đốc nghệ thuật tự do sống tại Paris. Anh có khiếu cảm nhận nhịp điệu của chuyển động, bố cục máy ảnh, tư duy đồ họa chuyển động. Tác phẩm của anh mang phong cách thiên về hình học đơn giản, hoạt hình vui vẻ với thiết kế đầy màu sắc.

Trong khi đó, Tú Na là một họa sĩ tự do ở Hà Nội, Việt Nam. Thông qua những bức tranh với ngôn ngữ kể chuyện, anh truyền tải tới người xem những triết lý của bản thân về xã hội loài người. Anh là người theo chủ nghĩa hiện sinh. Tú Na cũng thu về hơn 31.000 USD (quy đổi) trong đợt triển lãm trên sàn NFT, trong đó bức tranh có giá cao nhất lên tới hơn 5.000 USD. Trong khi đó, Phong Lương thu về gần 7.000 USD (quy đổi), bức tranh có giá cao nhất của nghệ sĩ này trên sàn NFT là 3.000 USD.

Theo bà Lynn Hoàng, Giám đốc của Binance Việt Nam cho biết, việc Binance ra mắt sàn giao dịch NFT tạo ra một hệ sinh thái cho các tác giả và giới sưu tập đến gần nhau hơn và giao dịch dễ  hơn. Đây cũng là cơ hội để các nghệ sĩ Việt Nam có thể đem tác phẩm của mình đến với công chúng thế giới một cách dễ dàng, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.

Sáng tác các tác phẩm nghệ thuật điện tử đang trở thành xu hướng phổ biến trong giới nghệ sĩ toàn cầu. Gần đây nhất, một tác phẩm điện tử có tên gọi Mỗi ngày - 5000 ngày đầu tiên được bán đấu giá 6,39 triệu USD.

Bà Lynn Hoàng cũng cho biết: “Nghệ thuật kỹ thuật số từ lâu bị xem nhẹ là do hầu hết đều miễn phí. Để giúp các nghệ sĩ tạo ra giá trị tài chính cho tác phẩm của họ, NFT bổ sung yếu tố quan trọng của sự khan hiếm. Đối với một số nhà sưu tập, đây là yếu tố mấu chốt để họ săn đón tác phẩm độc đáo này. 

NFT là bước mới nhất hướng tới một cuộc cách mạng blockchain đã được hứa hẹn từ lâu, có thể biến đổi hoàn toàn chủ nghĩa tư bản tiêu dùng, với những tác động chính đối với mọi thứ từ cho vay mua nhà đến chăm sóc sức khỏe”.

Theo thống kê của Binance, tính tới thời điểm này, Xèo Chu, Tú Na, Phong Lương đều nằm trong số Top 50 nghệ sĩ có doanh thu cao nhất trên sàn NFT. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nghệ sĩ nhí Xèo Chu đưa tranh lên sàn NFT, thu về gần 23.000 USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO