Họa hổ, tri nhân

Diên Vỹ| 30/01/2022 08:00

Không ít họa sĩ nước ta từ Bắc chí Nam đã vẽ hổ đón Tết Nhâm Dần, người thì công bố sớm trên mạng xã hội cho bạn bè thưởng lãm, người khác làm ngay triển lãm tranh hổ từ những ngày đầu năm mới 2022, kéo dài cho đến Tết Nguyên đán. Thôi thì đủ kiểu đủ dáng ông Ba mươi trong tác phẩm hội họa và điêu khắc. Điều đó cho thấy loài ác thú được xem là hung dữ bậc nhất này là đề tài hấp dẫn với nghệ thuật tạo hình.

8-4829-1643273916.jpg

Bộ ba tranh hổ của Nick Sider triển lãm tại New York

Thật ra, hổ là một trong những con vật được vẽ nhiều nhất từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim. Thời tiền sử, khi con người sống trong hang thì họ đã khắc họa hình ảnh chúng trên các vách đá. Lâu đời nhất có lẽ là hình vẽ hổ trong hang động Ubirr thuộc công viên quốc gia Kakadu phía Bắc nước Úc. Ở đó, những người cổ đại sống từ 40.000 năm trước Công nguyên đã vẽ loài hổ Tasmania được xem là tổ tiên của loài hổ ngày nay nhưng chỉ nhỏ cỡ chó sói với bộ lông vằn vện, vốn đã tuyệt chủng cách đây hơn 20.000 năm.      

10-6881-1643273916.jpg

Khẩu trang hổ trong mùa dịch Covid-19

9-4875-1643273916.jpg

Hổ Nhâm Dần - tranh lụa của họa sĩ Lam Thanh (TP.HCM)

Họa hình hổ nhiều nhất có lẽ là người Trung Hoa, từ xa xưa cho tới đương đại. Hình tượng hổ lâu đời nhất tìm thấy được ở Trung Quốc là từ thời nhà Thương (triều đại đầu tiên đã được xác nhận rõ ràng về mặt lịch sử của Trung Quốc - khoảng từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XII trước Công nguyên), nhà Chu (triều đại tồn tại lâu nhất trong lịch sử phong kiến Trung Quốc với 37 đời vua, kéo dài 790 năm từ thế kỷ XI đến năm 256 trước Công nguyên). Đó là những tượng hổ được đúc bằng vàng hay đồng. Về sau, tranh vẽ hổ rất phổ biến trong giới họa sĩ các đời Tống, Minh. 

Ngày nay, có một làng nổi tiếng với nghề vẽ tranh hổ, xuất đi nhiều nước là làng Vương Công Trang (huyện Dân Quyền, thành phố Thương Khâu, tỉnh Hà Nam). Các họa sĩ nông dân ở đây đã vẽ hàng nghìn tranh thủy mặc chỉ mỗi đề tài hổ, 40% số tranh được xuất khẩu sang các nước như Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Bangladesh... mỗi năm đem lại thu nhập cho làng khoảng 100 triệu nhân dân tệ (khoảng 15 triệu USD). 

6-8345-1643273916.jpg

Tiệc trà sau chuyến đi săn hổ - tranh của Maqbool Fida Husain đã bán với giá 250.000 USD tại nhà đấu giá Artiana ở Dubai ngày 29/9/2020

3-6065-1643273917.jpg

Tranh vẽ hổ đời nhà Minh (1368-1644)

Có một điển hình về khởi nghiệp bằng vẽ tranh hổ ở làng Vương Công Trang là anh Wang Jiansheng, tuổi ngoài 30, trước đây đã làm đủ nghề mưu sinh nhưng chẳng có nổi căn nhà tử tế để an cư. Thế rồi anh quyết tâm học vẽ và không ngờ chỉ ít lâu sau đã thành thạo, hiện nay mỗi năm Wang kiếm được 300.000 nhân dân tệ, đủ sức xây nhà và mở xưởng vẽ riêng. 

1-1458-1643273917.jpg

Tượng hổ bằng vàng đời nhà Thương

2-7241-1643273917.jpg

Tượng hổ bằng đồng đời nhà Chu

Chuyện khởi nghiệp thành công nhờ vẽ tranh hổ xuất sắc là trường hợp của chàng trai Nick Sider, người Canada hiện sống và sáng tác ở New York. Thích vẽ tranh từ bé, đặc biệt là vẽ các chú hổ, lại mơ ước trở thành họa sĩ nhưng đến tuổi trưởng thành Nick không học hội họa, chọn nghề khác sau khi tốt nghiệp đại học. Đến năm 25 tuổi thì Nick quyết định "làm lại cuộc đời", bỏ nghề đã chọn và theo học mỹ thuật, rời quê nhà đến lập nghiệp ở New York. Không ngờ anh thành công trên cả mơ ước thiếu thời, trở thành họa sĩ chuyên nghiệp. Năm 2016, trong triển lãm cá nhân đầu tiên tại New York, tranh của Nick được nhiều nhà sưu tập chọn mua. Đến nay thì anh đã nổi tiếng, tranh được in trên các tạp chí nghệ thuật, có nhiều fan trên mạng xã hội (riêng trên Instagram, Nick có 170.000 người theo dõi, chưa kể Facebook và các mạng xã hội khác).

4-2728-1643273917.jpg

Ngũ hổ - tranh dân gian Hàng Trống

5-6712-1643273917.jpg

Hổ - tranh của Franz Marc

Các tranh vẽ hổ được nhiều người yêu thích như tranh của Nick Sider hẳn là nhờ vẽ được "cái thần" của ông Ba mươi, vẽ được không chỉ bộ da bên ngoài mà còn cả cốt cách của loài thú dữ, trông chúng hết sức sống động như bằng xương bằng thịt, như sách Minh Tâm Bửu Giám có câu "Họa hổ, họa bì nan họa cốt/ Tri nhân tri diện bất tri tâm" (vẽ hổ vẽ da được, khó vẽ xương/ biết người biết mặt mũi, chẳng biết lòng dạ). 

Nhưng có biết bao tranh vẽ hổ không "y như thật" mà vẫn làm say lòng người, như trong tác phẩm của các nhà danh họa hiện đại và đương đại Henri Rousseau (Pháp), Franz Marc (Đức), Maqbool Fida Husain (Ấn Độ)... và của các họa sĩ Việt Nam hôm nay. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Họa hổ, tri nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO