Trước quy định kể từ 1/9/2017, sản phẩm cá tra của Việt Nam muốn thâm nhập vào thị trường Mỹ phải được chứng nhận Tiêu chuẩn tương đồng của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), theo ông John Connelly - Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Mỹ, điều này trái với các tiêu chí của Tổ chức thương mại thế giới (WTO).
Cụ thể, sau nhiều rào cản thương mại mà phía Mỹ đặt ra đối với cá tra Việt Nam như dán nhãn tên gọi theo yêu cầu của Mỹ, áp thuế chống bán phá giá hay quy định ký quỹ cho sản phẩm cá tra trước khi vào thị trường Mỹ, đầu tháng 12/2015, USDA lại đưa sản phẩm cá tra Việt Nam thuộc thẩm quyền quản lý của Cơ quan Thanh tra và An toàn thực phẩm (FSIS) thay vì thuộc phạm vi quản lý của của Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) như trước đây.
Theo ông John P. Connelly, hiện quy định này đã được Bộ Nông nghiệp Mỹ thông qua và đưa vào quản lý, giám sát, kiểm tra chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm các sản phẩm nhập khẩu vào thị trường Mỹ như thịt và các sản phẩm thịt.
Cụ thể, tất cả các loại cá thuộc họ Siluriformes, bao gồm cá tra và cá ba sa của Việt Nam sẽ thuộc thẩm quyền giám sát của FSIS.
FSIS giám sát chặt chẽ từ khâu tạo giống, thức ăn chăn nuôi, các loại kháng sinh sử dụng trong quá trình nuôi, các quy trình, hệ thống của nhà máy chế biến, đóng gói, dán nhãn, ghi rõ trọng lượng phi lê, trọng lượng nước, vận chuyển, kho nhập khẩu, phân phối ra thị trường Mỹ đến hệ thống các nhà hàng Mỹ sử dụng sản phẩm cá tra phục vụ thực khách tại Mỹ.
Tất cả các khâu này phải được cơ quan ủy quyền của FSIS thực hiện, đánh giá và chứng nhận. Đồng thời, các quy trình này cũng phải nhận được chứng nhận phối hợp từ phía Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thông Việt Nam thì sản phẩm mới được thông qua.
Sau khi có hiệu lực từ tháng 3/2016, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cá tra Việt Nam có thêm 18 tháng chuẩn bị đáp ứng các quy định của FSIS. “Một khoảng thời gian quá ngắn để các DN tìm hiểu và vận hành phù hợp với yêu cầu khắt khe của Mỹ,” ông Nguyễn Phước Bửu Huy - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần chế biến và xuất nhập khẩu thủy sản Cadovimex II, chia sẻ.
Theo ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, quy định này sẽ gây khó khăn cho con cá tra Việt Nam cũng như nhiều loại cá da trơn khác.
Cụ thể, phía người tiêu dùng cũng như các nhà nhập khẩu của Mỹ sẽ không được quyền lựa chọn sản phẩm mà họ muốn. Thực chất việc ra quyết định này của Bộ Nông nghiệp Mỹ hoàn toàn trái với nguyên tắc của WTO.
Trước tháng 3/2016, Việt Nam phải cung cấp danh sách các cơ sở kinh doanh hiện đang xuất khẩu, cũng như văn bản đã tuân thủ theo quy định nhập khẩu hiện hành của FDA, ông Trương Đình Hòe cho biết.
Hiện nhiều DN xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường châu Âu như tiêu chuẩn ASC (Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản), GlobalGAP (Thực hành thủy sản tốt toàn cầu) và các tiêu chuẩn khác của thị trường Mỹ như BAP (Thực hành nuôi trồng thủy sản tốt nhất), FarmBill (Luật Nông trại Mỹ)...
Trước mắt, các DN vẫn thực hiện xuất khẩu bình thường sang thị trường Mỹ cho đến ngày 1/9/2017. Tuy nhiên, trước quy định mới trên, các DN Việt Nam vẫn cần phải tìm hiểu kỹ thông tin về các quy định của Mỹ, đồng thời chuẩn bị để thích ứng với yêu cầu của thị trường Mỹ.
Đặc biệt, các DN phải tích cực mở rộng thị trường xuất khẩu để không thụ động với từng thị trường. Chính phủ Việt Nam cũng cần có giải pháp để Chính phủ Mỹ công nhận kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường, tránh sự áp đặt kinh tế quốc gia khác lên kinh tế Việt Nam của Mỹ, Nguyễn Phước Bửu Huy - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Chế biến và xuất nhập khẩu thủy sản Cadovimex II cho biết.
Trong trường hợp Bộ Nông nghiệp Mỹ kiểm tra, giám sát các khâu sản xuất, chế biến cá tra của Việt Nam mà không cấp chứng nhận tiêu chuẩn tương đồng, các DN Việt Nam có thể dựa vào hai tiêu chí “sản phẩm không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và không làm hạn chế thương mại của hàng nhập khẩu” gửi hồ sơ phản đối lên WTO để được xem xét.
>Sẽ có trung tâm phân phối cá tra tại châu Âu
>Từ 31/1, cá tra Việt Nam bị cấm vào Nga
>Bi kịch cá tra và cơ hội M&A