Từ cuộc tranh luận đầu tiên bị đánh giá thấp trước ứng viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton cho đến vụ khai thuế bị khơi lên, ông Donald Trump đã trải qua một tuần đầy rắc rối khi thời điểm bỏ phiếu bầu tổng thống Mỹ gần kề.
Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng giữa ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump và ứng viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton đã vào chặng nước rút. Kết quả từ một số cuộc thăm dò gần đây cho thấy ông Trump vẫn bám sát bà Clinton, nhưng chưa có dấu hiệu bứt phá. Đó là điều không lạ khi tỷ phú bất động sản đã trải qua một tuần đầy biến cố trước khi bước vào cuộc tranh luận thứ hai vào Chủ nhật 9/10 theo giờ Mỹ.
Bê bối
Có vẻ truyền thông Mỹ đã "lựa chọn" thời điểm xấu nhất để tung tin, khiến ứng viên Trump khó chống đỡ. Trong cả tuần qua, ông Trump đã gặp vô số vấn đề, khiến ông khó có thể đưa ra những tuyên bố mạnh miệng như thường thấy.
Khởi đầu là bài báo của tờ The New York Times khui ra việc ông Trump đã khai lỗ 916 triệu USD vào năm 1995, từ đó hợp thức hóa việc không phải nộp thuế liên bang trong suốt 18 năm sau. Tiền thuế là một trong những vấn đề ông Trump đã từ chối công bố lâu nay, và nó cũng ảnh hưởng tới uy tín cá nhân của ông tương tự như vụ lùm xùm quanh việc sử dụng email cá nhân cho công việc của bà Hillary Clinton trong thời gian còn làm Ngoại trưởng Mỹ vậy.
Chưa xong vụ thuế liên bang, ông Trump dính tiếp một thông tin ngoài lề không lấy gì làm tự hào, khi bị báo chí bới móc tiếp việc ông xuất hiện trong một đoạn video giới thiệu phim khiêu dâm của Tạp chí Playboy năm 1999. Dĩ nhiên ông không hề đóng phim, nhưng các ứng viên tham gia tranh cử tổng thống Mỹ không muốn hình ảnh của mình xuất hiện trong các đề tài nhạy cảm như vậy. Đặc biệt hơn, thông tin trên nổ ra trong giai đoạn ông Trump đang tham gia vào cuộc đấu khẩu không cần thiết với một hoa hậu hoàn vũ.
Chờ đợi biến cố?
Sau rất nhiều lùm xùm, bất kể tỷ lệ ủng hộ ông Trump vẫn khá cao, nhưng tỷ phú này lại bị các nhân vật cao cấp và báo chí gần như tẩy chay. Tính tới cuối tuần trước, thống kê từ truyền thông Mỹ cho thấy ông Trump đã "lập kỷ lục" vô tiền khoáng hậu khi không giành được bất kỳ sự ủng hộ nào của những tờ báo lớn ở Mỹ.
Năm nay, những tờ báo có ảnh hưởng tới dư luận Mỹ và các cuộc bầu cử tổng thống như USA Today, The Washington Post, The New York Times, The Los Angeles Times... đều không ủng hộ ông Trump. Thêm vào đó, một số tờ báo có truyền thống ủng hộ các ứng viên Đảng Cộng hòa như The Detroit News, The Atlantic, Arizona Republic... cũng quay sang ủng hộ bà Clinton bên Đảng Dân chủ, hoặc kêu gọi bỏ phiếu cho ông Gary Johnson bên phe trung lập.
Michael Moore, đạo diễn phim tài liệu lừng danh với những tác phẩm về chính trường Mỹ, đặc biệt là Fahrenheit 9/11 về vụ khủng bố ngày 11/9/2001, viết trên The Huffington Post hồi tháng 8 rằng ông Trump thực chất chỉ muốn tranh cử để nổi tiếng và kiếm thêm tiền. Đó có thể là một cách giải thích cho việc ứng viên này liên tục tạo cảm giác như ông "tự đặt bẫy" cho mình.
CNN trong tháng 9 từng lập luận rằng, ông Trump vẫn còn một "cửa thắng" nếu có... biến cố về thiên tai hoặc một vụ khủng bố chấn động như ở Paris hay xả súng tại hộp đêm ở thành phố Orlando của Mỹ, vì nó sẽ khiến cử tri bị hút vào nỗi sợ, mối thù với khủng bố, từ đó ủng hộ quan điểm cứng rắn của ông Trump.
Một điều xui xẻo nhưng vô tình là "vận may" cho ông Trump những ngày này đã xuất hiện với cơn bão Matthew hướng vào miền đông nam nước Mỹ, khiến hàng trăm người thiệt mạng. Trong buổi nói chuyện tại bang New Hampshire ngày 6/10, ông Trump đã không nhắc về việc chuẩn bị cho buổi tranh luận ngày 9/10, thay vào đó chia sẻ sự đồng cảm với nạn nhân cơn bão. Có lẽ sau rất nhiều "biến cố” cho bản thân, ông Trump chỉ còn đợi một... biến cố khác để thắng cử.
>Tranh luận Trump - Clinton - "Mỏ vàng" quảng cáo cho các công ty truyền thông
>Thị trường chứng khoán Mỹ chọn Hillary Clinton
>Đệ nhất phu nhân Mỹ chỉ trích Donald Trump, ủng hộ Hillary Clinton