Một mai Đất Mũi không còn...

PHƯƠNG HÀ| 07/10/2016 06:32

Có thể vài chục năm, vài trăm năm sau, mũi Cà Mau sẽ hòa vào nước biển, làm phù sa bồi đắp cho một vùng đất nào đó, nhưng không sao, trước mắt nó vẫn là một khu du lịch tầm quốc gia...

Một mai Đất Mũi không còn...

Tôi được đọc bài thơ Mũi Cà Mau của Xuân Diệu vào cuối năm 1960. Hai câu thơ Tổ quốc tôi như một con tàu/ Mũi thuyền ta đó - mũi Cà Mau mãi mãi neo vào lòng tôi.

Đọc E-paper

Năm 1963 tôi đọc được bút ký Vẫn cái tiếng dội Cà Mau ấy của Nguyễn Tuân, giật mình khi thấy ông ví mũi Cà Mau như ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm - cái giật mình đến thảng thốt khi đọc được một câu thơ, một câu văn xuất thần, đúng với bản chất của vùng đất nào đó, bằng hình tượng, và rất tự nhiên, nó ghim vào trí nhớ, cố quên cũng không được! 

Chính hình tượng ấy của nhà thơ Xuân Diệu và nhà văn Nguyễn Tuân đã thôi thúc tôi tìm về Đất Mũi chỉ mấy tháng sau khi giang sơn thu về một mối, 41 năm trước. Cái thời mà sự "lãng mạn cách mạng" đã khiến tôi làm một việc mà hình như rất ít ai làm: Chờ con nước ròng, lội phù sa ra ngay trước "mũi thuyền" như Xuân Diệu mô tả, quay mặt ra đại dương, dang một chân về biển Tây bên phải, dang một chân về biển Đông bên trái để cảm nhận bằng hết nơi duy nhất của đất nước mình có một mỏm đất chịu tác động trực tiếp của bán nhật triều không đều và nhật triều không đều của cả hai biển, là nơi tiếp giáp của hai dòng hải lưu Bắc - Nam và Tây - Nam, để cảm nhận bằng hết cái lâng lâng thích thú đã được đến nơi tận cùng phía Nam trên đất liền tổ quốc.

Phù sa nơi Đất Mũi khác hẳn phù sa ở 8 cửa của hệ thống sông Hồng hay 9 cửa của sông Cửu Long (nay chỉ còn 7 cửa do cửa Ba Lai và Bát Sắc đã bị nghẽn) bởi nó kết dính lỏng lẻo, không dẻo quánh, không mịn màng như da con gái đương thì. Chính xác nó là cát từ hai đại dương trộn lẫn phù sa sông Mê Kông, và có thể từ sông Hồng. Sự khác biệt đó càng tạo cho tôi cảm giác tự hào mình vừa phát hiện một điều mới lạ!

Chuyến đi Cà Mau đầu tiên ấy của một phóng viên vừa rời chiến trường, đến giờ vẫn đọng trong tôi kỷ niệm của lần đầu tiên được bơi xuồng trong rừng đước, được nhấp rượu đế với cá khô khoai nơi xóm Mũi cùng mấy du kích già chưa bỏ được thói quen treo súng trường bá đỏ (K44) toòng teng đầu cột võng, lần đầu tiên được ăn cua gạch thiên nhiên bắt dưới sạp cây đước ngồi nhậu.

Vẫn phảng phất trong tôi mùi bùn bốc lên từ bãi bồi, vị muối bốc lên từ những con rạch ven biển, vị ngọt của ca nước từ sông Hậu chuyển về trong tháng nắng, y như cảm giác của nhà văn Anh Đức trong Bức thư Cà Mau gửi nhà văn Nguyễn Tuân tháng 11/1963.

Vì những kỷ niệm không thể quên ấy mà mỗi lần xuống Đất Mũi, trước hết tôi trở lại con sông Cửa Lớn để từ đôi bờ được lội rừng đước rừng tràm rừng mắm, lội giữa ô rô cóc kèn dừa nước, dù không còn xanh um hàng trăm ngàn hecta như 41 năm về trước.

Cửa Lớn là con sông lạ lùng nhất thế giới vì không có thượng nguồn, không có hạ nguồn, chỉ dài 58km nhưng rộng trung bình đến 800m, sâu trung bình đến 12m, có đến hai cửa, theo nhật triều, bán nhật triều mà đổ nước từ cửa Bồ Đề bên biển Đông sang cửa Ông Trang bên biển Tây, và ngược lại.

Cũng vì sự thất thường của hai đại dương mà ngày nay, cửa Bồ Đề liên tục lở, cửa Ông Trang lại không ngừng bồi. Con sông độc đáo này cũng là ranh giới tự nhiên của huyện Năm Căn và huyện Ngọc Hiển, tách khu vực cực nam của bán đảo Cà Mau thành một hòn đảo.

Trên 40 năm là thời gian có thể làm vật đổi sao dời, vì thế mà nay mũi Cà Mau không còn là nơi tận cùng phía Nam nữa mà thuộc vùng cực nam của đất nước.

"Ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm" trong tưởng tượng của Nguyễn Tuân nửa thế kỷ trước bây giờ chính xác nằm ở 8o37'30" độ vĩ Bắc, 104o43' độ kinh Đông. Sách giáo khoa Địa lý (cấp 3) xuất bản ở miền Bắc những năm 1960 ghi, đại ý, do phù sa bồi đắp nên mỗi năm mũi Cà Mau vươn ra biển thêm 80 đến 100 mét, nhưng không dạy cho học trò biết nó không hướng về phía Nam mà hướng về phía Tây.

Theo TS. Lê Anh Tuấn (Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ), nếu xác định mũi Cà Mau là vị trí dài nhất đưa ra phía biển của bán đảo Cà Mau thì phần "chót mũi" của tỉnh Cà Mau không phải là điểm cực nam của Việt Nam. Điểm cực nam trên đất liền của tỉnh Cà Mau và cũng là của cả nước bây giờ không nằm ở ấp Mũi mà là ấp Rạch Thọ, vẫn thuộc xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, kinh độ 102o8' - 109o27' Đông, vĩ độ 8o27 - 23o23' Bắc.

Do đó, chiếc tàu với cánh buồm ở Khu Du lịch Đất Mũi ghi tọa độ 8o37'30 độ vĩ Bắc, 104o43' độ kinh Đông là biểu tượng chứ không phải là tọa độ chính xác của điểm cực nam đất nước. Nhưng không sao, với tâm thức đất nước ta trải dài từ Lũng Cú cực bắc đến mũi Cà Mau cực nam, mũi Cà Mau vẫn là biểu tượng thiêng liêng của giới hạn đất liền phương Nam nước Việt!

Mũi Cà Mau khi chưa có đê kè. Nguồn: internet

Tôi không đi tắc ráng, tàu đò hay ca nô cao tốc - những phương tiện tuyệt vời cho những ai muốn khám phá miền sông nước như mọi khi mà ung dung ngồi ô tô 45 chỗ xuôi từ thành phố Cà Mau xuống Đất Mũi, chẵn trăm kilômét.

Ở vùng đất có đến 7.000km sông rạch như Cà Mau, nhất là từ Năm Căn xuống Đất Mũi, lại có một con đường hiện đại nối liền đường Hồ Chí Minh từ Cao Bằng, nối liền quốc lộ 1A từ km O nơi cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) biên giới Việt - Trung thì đó chẳng khác một giấc mơ ngàn đời thành hiện thực từ ngày 16/1 vừa rồi, lúc 10 giờ sáng.

Dù chỉ dài 50km, nhưng con đường này có tổng vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng vì nền đường đều là sình lầy ngập mặn cùng hàng chục cầu lớn, trong đó có cầu bắc qua sông Cửa Lớn đòi hỏi nhiều giải pháp kỹ thuật hiện đại nhất. Thêm đoạn Năm Căn - Đất Mũi, con đường huyết mạch xuyên Việt dài 2360km, đã kết thúc ở cột mốc 2236.

Tôi nói con đường Năm Căn - Đất Mũi hiện lên như trong mơ bởi chỉ người dân Cà Mau, những người như tôi từng lui tới nơi này mới cảm nhận hết niềm hạnh phúc giang sơn liền một giải, không còn cách trở đò giang, không còn cảnh đã qua gần 20 năm của thế kỷ XXI mà trẻ con giữa Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau (tháng 3/2013 đã được công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển Thế giới) chưa biết chiếc ô tô là gì, không còn cảnh thời đại kỹ thuật số với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mà những đứa trẻ ở xóm Đất Mới cứ bám theo tôi chỉ để được ngắm chiếc máy ảnh nhưng lại mắc cỡ né tránh lúc ống kính hướng về phía chúng.

Còn "vĩ mô” hơn thế, Năm Căn - Đất Mũi là con đường phát triển kinh tế và du lịch không chỉ cho riêng Cà Mau. Chính phủ vừa đưa vào quy hoạch nâng cấp đoạn đường này từ năm 2017 đến 2020 để vượt xa sức chịu đựng trọng tải xe dưới 25 tấn như hiện nay, đáp ứng cho xe container tải trọng lớn trung chuyển hàng hóa ra Cảng Hòn Khoai - cửa ngõ giao thương hàng hải quốc tế, có thể đón tàu tải trọng 250.000 tấn.

Đến mũi Cà Mau bây giờ, nếu chỉ quẩn quanh các điểm phục vụ du khách dưới rừng đước thì không thấy sự thay đổi của vùng đất này. Theo quan trắc của TS. Lê Anh Tuấn và đồng sự, mũi Cà Mau đã bị tà một phần do nước biển dâng mỗi năm trung bình 40 - 50mm kết hợp với lún sụt đất nền, như trong vòng 8 tháng (từ 6/2011 - 2/2012) chìm đến 45mm.

Tình trạng ấy thấy rất rõ qua việc năm nào dân ấp Mũi cũng nâng nền nhà, nhà tường ở xã Đất Mũi đều bị nứt. Tình trạng ấy thấy rất rõ khi lần lượt từng vạt mắm, đước - những cây tiên phong lấn biển ở Đất Mũi bật gốc, bị cuốn trôi. Không còn cây chống đỡ, đất ở ấp Mũi rã từng mảng, mất hút trong những con nước rong.

Lở nhiều hơn bồi, nguy cơ "mất trắng" mũi Cà Mau là nỗi lo hoàn toàn có cơ sở. Để cứu mũi đất trẻ trung - nơi "đất biết sinh và rừng biết đi" ấy, Chính phủ đã cho xây dựng bờ kè bảo vệ phía biển Đông dài hơn 1km, khởi công năm 2011 với mức đầu tư 220 tỷ đồng, kết cấu theo kỹ thuật đóng hai hàng cột bê tông ly tâm song song rồi thả đá tảng vào giữa, vừa hạn chế sóng biển đánh sạt bờ, vừa hình thành bãi ngầm để cây mắm, cây đước bám rễ, phát triển, tạo nên rừng phòng hộ; trên bờ kè là con đường bê tông rộng mét rưỡi cho du khách đi bộ ngắm biển trời và ngắm... mũi Cà Mau.

Mũi Cà Mau cũng vì thế mà ngày càng chếch về biển Tây và du khách không được ngắm mũi Cà Mau từ phía đông nữa!

Có thể vài chục năm, vài trăm năm sau, mũi Cà Mau sẽ hòa vào nước biển, làm phù sa bồi đắp cho một vùng đất nào đó, nhưng không sao, trước mắt nó vẫn là một khu du lịch tầm quốc gia với khá nhiều công trình phục vụ tour tuyến mở ra khi con đường xuyên Việt đã đến tận đây, và sắp tới sẽ có một khu điện gió 2.000ha mặt biển, cách bờ 500m, ở xã Đất Mũi, để vừa có năng lượng sạch, vừa là một điểm tham quan độc đáo.

Và như thế, Đất Mũi càng gần...

Cà Mau, tháng 7/2016

>Hương Sơn du ký

>Hồn xưa Tam Đảo

>Voọc chà vá chân nâu - "chủ nhân" Sơn Trà

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Một mai Đất Mũi không còn...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO