"Lại đây, và hãy chọn một quyển sách con thích!", bố đã nói với tôi như vậy khi dắt thằng con gầy gò, cao lêu nghêu lên thị trấn mua tập, sách cho năm học mới.
Đọc E-paper
1. Tôi không định nói về những vấn đề to lớn như danh dự, tự do, nỗi mất mát, sự lận đận của nhiều thân phận... như nhiều trang viết khác của tôi. Nghề báo cho tôi cơ hội đi nhiều, gặp nhiều và đương nhiên cần phải đọc. Sự đọc của tôi so với bạn bè, đồng nghiệp chẳng dám gọi là nhiều nhưng đọc đã trở thành thói quen cố hữu.
Tách mình ra khỏi đám đông bận rộn, công việc níu kéo, ngồi xuống và lật giở quyển sách đang đọc dở luôn mang lại cho tôi cảm giác nhẹ nhàng, thư thái. Đọc để lớn hơn thêm, để trưởng thành, để tự soi mình mà đôi khi vì nhiều lý do vụn vặt trong đời sống hằng ngày, mình vô tình bỏ qua.
Tuy nhiên, có một cảm giác tôi không bao giờ tìm lại được. Đó là sự háo hức, bồi hồi pha chút gì đó rưng rưng khi được giở quyển sách đầu tiên của cuộc-đời-mình, là món quà của bố khi tôi chuẩn bị vào lớp 10 và cũng là quyển sách duy nhất tôi "chiếm hữu" cho riêng mình trong suốt 12 năm học phổ thông.
Quyển sách ấy không có những giằng xé, phức tạp, không đề cập đến kiêu hãnh và định kiến..., cũng không có những tiếng cười trong trẻo hay những châm ngôn sống. Quyển sách ấy, bây giờ kể ra, với nhiều người có lẽ thật bình thường, thậm chí buồn cười bởi thư viện trường nào cũng có thể có. Nhưng với tôi, nó là cả một gia tài, một khoảng trời quý giá mà tôi không thể nào cầm nắm được nó nữa. Quyển "217 đề và bài văn" do GS. Nguyễn Đăng Mạnh chủ biên, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành, dành cho học sinh 3 năm cuối phổ thông.
Một sáng nắng vàng ươm như rải mật, hay tin tôi đỗ vào lớp 10 và được các thầy cô khen là có khiếu học văn, bố đèo tôi trên chiếc Cup 70 cà tàng từ làng ra thị trấn. Nhà tôi đông anh chị em, bố mẹ quanh năm mải miết với ruộng đồng nuôi đàn con ăn học nên sách với tôi khi ấy là điều gì đó vô cùng xa xỉ.
Đến cả sách giáo khoa cũng hiếm khi được mua đủ bộ. Tôi toàn mượn sách của nhiều anh chị học trước trong xóm. Năm nào không mượn được thì chỉ mua vài quyển cơ bản nhất mà thôi. Được ra nhà sách trên thị trấn, len lén nhìn những cuốn sách tinh tươm trên kệ, với tôi đã là một món quà quá sức lớn, chẳng dám ao ước gì hơn. Nên trong khi chờ cô bán hàng gói ghém tập, sách vừa mua, bố khe khẽ gọi tôi và bảo tự chọn cho mình một quyển sách, tôi như không tin vào tai mình nữa. Tim tôi nhảy múa, chân như bước trên mây, mắt hoa cả lên.
Cũng thật lạ lùng, giữa muôn vàn cuốn sách bìa xanh, đỏ bắt mắt, tôi lại chọn cuốn "217 đề và bài văn" của thầy Nguyễn Đăng Mạnh. Suy nghĩ của một đứa trẻ nhà nghèo sau khi tạm lắng nỗi mê đắm là sự thiết thực, có lẽ nó sẽ giúp mình nhiều trong việc học. Tôi đâu biết cuốn sách ấy giá trị hơn thế, nó vun đắp niềm mê đắm văn chương và thắp lên trong tôi mơ ước được viết, được gắn chặt với nghề báo như một nghiệp dĩ mà đôi lần rệu rã, mỏi mệt, tôi tưởng mình đã không thể viết được nữa.
2. Ngồi sau xe của bố, lòng tôi hân hoan đúng kiểu trẻ nhỏ được quà. Chỉ mong bố chạy thật nhanh về nhà để tôi được giở từng trang sách, đọc những con chữ chi chít trên ấy. Đường về nhà cũng chỉ qua bao nhiêu cái cây, thửa ruộng như mọi lần mà bỗng dưng thấy thêm dài, thêm rộng. Tôi nâng niu quyển sách giá ba mươi sáu ngàn ấy như một gia tài, bao bọc cẩn thận, lật giở từng trang rồi chọn những bài thơ, bài văn tôi đã được học để đọc lại. Bài nào chưa học, tôi để dành, sợ... hết.
Cách viết của GS. Nguyễn Đăng Mạnh không bóng bẩy, cầu kỳ mà dung dị, súc tích và gần gụi đến lạ lùng. Có lẽ, chính sự gần gụi ấy khiến tôi đọc tới đâu vỡ ra tới đấy. Đọc lại thêm nhiều lần nữa thì lời hay, ý đẹp của cuốn sách thấm dần vào đầu. Chưa bao giờ tôi được nghe cách cảm, cách nghĩ như thế về những tác giả, tác phẩm văn học quen thuộc như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Xuân Diệu, Thâm Tâm, Huy Cận...
Đúng như M. Gorki từng viết: "Cuốn sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới". Đâu chỉ là câu chuyện văn chương, con chữ với thân phận nàng Kiều như hoa trên sóng nước, cuốn sách còn là câu chuyện của cách nghĩ, cách nhìn. Tại sao không dám dứt khỏi những lối mòn quen thuộc?
Quyển sách ấy đồng hành cùng tôi đến ngày vào đại học. Rồi tiếp tục theo chân bạn tôi vào đại học một năm sau đó. Con số 217 gắn liền với tôi như một ký ức lung linh. Tiếc là, bạn vì một lý do nào đấy đã lỡ làm mất. Quyển sách ấy không hiếm, có thể ra nhà sách mua quyển mới toanh, nhưng có lẽ tôi sợ mình làm vỡ lớp bụi mờ đỏ lóng lánh của kỷ niệm. Những lúc rỗi việc, tôi như kẻ cố chấp lang thang trong tiệm sách cũ và... trở về tay không.
Có những thứ quý giá không vì giá trị vật chất nó sở hữu. Và có những thứ quý giá một khi mất đi, vĩnh viễn không tìm lại được...
>Những sáng tạo cho ngày đọc sách
>Mỗi cuốn sách như mở một con đường