Lễ đón nhận bằng di sản tư liệu thế giới của UNESCO dành cho mộc bản triều Nguyễn được tổ chức ngày 16/12, tại Cục Văn thư và lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ).
Cuối tháng 7 vừa qua, mộc bản triều Nguyễn trở thành tài liệu đầu tiên do Việt Nam đề cử được UNESCO công nhận là “Di sản tư liệu thế giới”. Đây là một trong 35 di sản tư liệu được UNESCO công nhận năm 2009, nằm trong chương trình “Ký ức thế giới” do UNESCO phát động từ năm 1992, nhằm sưu tầm những tư liệu quý trên toàn thế giới.
Mộc bản triều Nguyễn là bản gỗ khắc chữ Hán hoặc chữ Nôm ngược để in ra sách trong các triều vua Nguyễn. Hiện nay tài liệu này được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (Đà Lạt).
Đây là kho tài liệu quý giá với 152 đầu sách gồm nhiều chủ đề khác nhau như: lịch sử, địa lý, chính trị - xã hội, quân sự, pháp chế, giáo dục, thơ văn… Mộc bản triều Nguyễn ngoài giá trị về mặt sử liệu còn có giá trị về nghệ thuật, kỹ thuật chế tác, đánh dấu sự phát triển nghề khắc ván in của Việt Nam.
Ông Phạm Sanh Châu, Tổng thư ký Ủy ban UNESCO Việt Nam cho biết, Việt Nam hiện nay đang gửi hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận bia tiến sĩ ở Văn miếu Quốc tử giám (Hà Nội) là di sản tư liệu thế giới.