Mở rộng thị trường bằng thương mại điện tử

Luân Tâm| 10/04/2019 04:04

Giống như xe ôm công nghệ, phải công nhận thương mại điện tử (TMĐT) là kênh bán hàng hiện đại, là xu hướng tất yếu của thời đại. Cần phải tận dụng lợi thế từ TMĐT để đưa bán lẻ truyền thống cùng tham gia, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang các nước". Đó là ý kiến của ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam.

Mở rộng thị trường bằng thương mại điện tử

Đẩy mạnh xuất khẩu qua thương mại điện tử

Theo Tổng cục Thống kê, doanh thu bán lẻ của thị trường Việt Nam năm 2018 là 143 tỷ USD. Cùng với kênh bán lẻ hiện đại, bán lẻ truyền thống, doanh thu bán hàng qua website, sàn giao dịch, TMĐT cũng ở mức cao. Hiện nay có khá nhiều doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các nước qua TMĐT. Báo cáo chỉ số TMĐT Việt Nam cho thấy, kinh doanh trực tuyến xuyên biên giới trở thành một kênh quan trọng cho việc xuất khẩu, 32% doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam lên kế hoạch thiết lập quan hệ kinh doanh với đối tác nước ngoài thông qua các kênh trực tuyến.

Bà Ngân Lê, đại diện Công ty Paper Color - doanh nghiệp (DN) Việt Nam bán hàng trên Amazon cho biết, ban đầu Paper Color chỉ xuất khẩu qua thị trường hai nước. Tuy nhiên, nhờ tận dụng bán hàng qua TMĐT, đến nay đã xuất khẩu đến hơn 30 quốc gia và vẫn không ngừng mở rộng. Chia sẻ kinh nghiệm bán hàng TMĐT, bà Ngân Lê khẳng định: "Bán hàng qua TMĐT giúp DN tiếp cận lượng khách hàng khổng lồ trên thế giới, tiết kiệm được chi phí và tiếp thị, học hỏi cách thức vận hành DN chuyên nghiệp thông qua những phản hồi từ khách hàng".

Theo DN xuất khẩu trực tuyến, khi lượng người mua hàng qua mạng ngày càng nhiều, chắc chắn cơ hội bán hàng và doanh số gia tăng.

Ông Bernard Tay - Giám đốc Bán hàng của Amazon Khu vực Đông Nam Á chia sẻ: "Internet bùng nổ, lực lượng lao động trẻ, am hiểu công nghệ khiến DN Việt Nam ứng dụng TMĐT ngày càng nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất sản phẩm và xuất khẩu ra nước ngoài. Vì vậy, Amazon lên kế hoạch hỗ trợ 100 DN vừa và nhỏ Việt Nam tiếp cận với hơn 300 triệu khách hàng của Amazon tại 185 quốc gia và khu vực trên thế giới".

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nhấn mạnh: "Hỗ trợ DN Việt Nam xuất khẩu là một trong những mục tiêu trọng tâm của Cục Xúc tiến thương mại. Chúng tôi tích cực hợp tác với các trang TMĐT nhằm mở ra nhiều cơ hội kinh doanh để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập thị trường các nước".ch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam.

Thương mại điện tử hỗ trợ nâng cấp cửa hàng tạp hóa

Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường bán lẻ truyền thống rất lớn nên càng cần tham gia TMĐT. Theo thống kê của Tổng cục Thống kê, doanh thu bán lẻ của thị trường Việt Nam năm 2018 là 143 tỷ USD, trong đó kênh bán lẻ truyền thống chiếm 75%, tương ứng 107 tỷ USD. Đánh giá cao tiềm năng của thị trường bán lẻ truyền thống, song không ít ý kiến bày tỏ băn khoăn. Giám đốc Chiến lược Công ty CP Thương mại và Đầu tư BB Việt Nam cho rằng với 9.000 chợ truyền thống, 1,5 triệu cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ, chứng tỏ bán lẻ nội địa rất lớn, thế nhưng phân khúc này khó phát triển TMĐT do chi phí đầu tư ban đầu lớn, chi phí vận hành cao, khó quản trị, khó chăm sóc khách hàng. Để khu vực bán lẻ này tham gia TMĐT, BB sẽ cung cấp nền tảng phân phối hàng hóa, dịch vụ tổng thể. DN TMĐT có thể tiếp cận kênh phân phối truyền thống dễ dàng, nhanh chóng với chí phí và hiệu suất kinh doanh cao.

Nói về việc "lên đời" cho các cửa hàng tạp hóa, ông Nguyễn Ngọc Dũng khẳng định: "Mười năm trước, tôi không chắc chắn với việc kết nối các điểm bán hàng, cửa hàng tạp hóa với TMĐT vì không thể đáp ứng được. Giờ họ đang kết nối với nhau rất nhanh. Đây là thời điểm tốt có nhiều nền tảng hỗ trợ để nâng cấp mô hình bán lẻ truyền thống". Theo ông Dũng, nếu chỉ bán hàng xén mà không tham gia TMĐT thì cửa hàng sẽ không hiện đại, ít khách. "Xe ôm truyền thống và xe ôm công nghệ là một ví dụ. Trước đây xe ôm truyền thống không đồng tình với xe ôm công nghệ nhưng rồi xe ôm truyền thống cũng phải tham gia. Khi đã hệ thống hóa rồi sẽ giảm được nhiều chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm, kinh doanh sẽ tốt hơn", ông Dũng nói.

Đặt nhiều kỳ vọng vào TMĐT, đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho hay, bên cạnh việc xuất khẩu hàng hóa sang các nước thông qua kênh bán hàng này, rồi "lên đời" bán lẻ truyền thống, Hội đang có kế hoạch đưa các sản phẩm đặc sản của các vùng miền lên bán hàng trực tuyến. Theo kế hoạch, sẽ đưa các sản phẩm từ trái dừa Bến Tre, thổ cẩm Hà Giang, sen Đồng Tháp, tre, luồng Thanh Hóa và Nghệ An... lên TMĐT. "TMĐT phát triển rộng chắc chắn sản phẩm sẽ "đụng hàng". Cần đa dạng và phong phú sản phẩm đặc trưng từng vùng miền" - ông Dũng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mở rộng thị trường bằng thương mại điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO