Chưa đầy 2 tháng từ buổi gặp gỡ đầu tiên, ông Sơn đã đặt mục tiêu phải sở hữu Nam Hoa Toys - doanh nghiệp đứng đầu về chất lượng trong ngành hàng đồ chơi trẻ em bằng gỗ.
Thương vụ chớp nhoáng
Vừa bước chân khỏi showroom của Nam Hoa Toys tại TP.HCM vào đầu tháng 10/2017, ông Sơn đã quyết định phải mua công ty này bằng được. Thêm 2 lần trả lời các câu hỏi của ông Ngô Văn Hòa - Nhà sáng lập công ty, và tiếp xúc với đội ngũ quản lý và nhận sự tại nhà xưởng, thương vụ M&A đã hoàn tất.
Đây là một bước đi lớn trong sự nghiệp của ông Sơn, đưa ông đến chiếc ghế Chủ tịch của một công ty mà khi mới đến, ông chỉ là một vị khách tham quan sản phẩm.
Ông Đoàn Hương Sơn (thứ 3 từ phải sang) trong một cuộc họp cùng các cộng sự và ông Ngô Văn Hòa |
Ở Nam Hoa, ông Sơn không phải cổ đông sáng lập, song vị lại thích mọi người gọi mình là "người kế nghiệp" bởi ông có chung tầm nhìn chiến lược với nhà sáng lập Ngô Văn Hòa - người từng làm việc tại Trung ương Cục miền Nam, Tổng Cục lương thực miền Nam trước khi đầu quân vào các doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công từ cói, mây, tre… như Artex Saigon và Hartexco.
Khi nhận thấy cơ hội từ thị trường ngách là đồ chơi trẻ em, ông Hoà lập Nam Hoa Toys từ năm 1993 và chuyển giao quyền sở hữu từ tháng 12/2017. Trước khi nhóm cổ đông mà ông Sơn dẫn đầu tham gia, đã có 2 quỹ đầu tư rót vốn, mua cổ phần Nam Hoa là Mekong Capital và Japan-Vietnam Growth Fund.
Sau 8 năm đầu tư vào Nam Hoa, Mekong Enterprise Fund (thuộc Mekong Capital) đã thoái vốn và giới thiệu đây là "công ty hàng đầu tại Việt Nam về sản xuất đồ chơi bằng gỗ cho trẻ em 1-10 tuổi".
Nhân viên thao tác thủ công các sản phẩm đồ chơi trẻ em bằng gỗ |
Không chỉ thu hút ông Sơn, Nam Hoa còn lọt vào mắt xanh của nhiều người khác, khi đã có 3 nhà đầu tư đến gặp ông Hòa chào mua công ty, với mức giá cao hơn mức mà ông Sơn đưa ra khoảng 20%. Dù vậy, tiền không phải là điều khiến nhà sáng lập Nam Hoa Toys chấp nhận chuyển giao công ty.
Thực tế, với bản tính cẩn trọng, vị lãnh đạo 65 tuổi này muốn tìm một người kế nghiệp đúng nghĩa, không chỉ giúp Nam Hoa vượt lên ngưỡng phát triển hiện tại mà còn phải đảm bảo đời sống cho cán bộ nhân viên. Bởi hầu hết nhân sự ở đây đều là những lao động đã gắn bó với công ty từ những ngày đầu thành lập và không thể đong đếm được sự trung thành mà họ dành cho công ty.
Nam Hoa đứng đầu thị trường đồ chơi sáng tạo cho trẻ em được làm từ gỗ |
Với ông Hòa, việc một người từng có 12 năm làm việc tại Unilever Việt Nam và kinh qua vị trí quản lý cấp cao tại một số công ty Việt Nam có tăng trưởng đều đặn cũng như chia cổ tức khoảng 30%/năm như ông Sơn là điểm cộng lớn về năng lực quản trị để thuyết phục nhà sáng lập Nam Hoa.
Hơn nữa, điều đặc biệt còn nằm ở cam kết rằng, trong 2 năm đầu tiếp quản, sẽ không có bất kỳ sự thay đổi hay sa thải nhân sự nào, mà họ sẽ được đào tạo, nhất là đội ngũ quản lý cấp trung, bởi các chuyên gia nước ngoài như giám đốc sản xuất của Toyota khu vực châu Á Thái Bình Dương. Thông qua đó, triết lý Kaizen và 5S do người Nhật tạo nên cũng được truyền tải vào "trái tim" của Nam Hoa, để công ty luôn có thể cho ra các sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng đúng thời hạn đơn hàng với giá thành cạnh tranh nhất. Hiện, hoạt động đào tạo này vẫn đang được duy trì tại Nam Hoa, nhằm cải tiến quy trình và cắt giảm hao phí trong sản xuất, khuyến khích sự sáng tạo.
Quan điểm "Người lao động được 1, Công ty được 10"
Sau 4 năm đổi chủ, hầu hết người lao động vẫn đồng hành cùng Nam Hoa. Doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng đều đặn từng năm và quy mô đã tăng gấp đôi so với thời kỳ chuyển giao.
Nam Hoa đã xây dựng nhà máy thứ 2 diện tích 20.000 m2 tại KCN Tân Phú Trung - Củ Chi |
Thế nhưng, thành quả mà ông Sơn và đội ngũ lãnh đạo mới thấy tự hào nhất sau gần 4 năm tiếp quản và chuyển đổi hệ thống vận hành là việc "anh em được nâng cao tay nghề cũng như bình quân thu nhập tăng từ 100-250%" nhờ năng suất cải thiện.
Trong thời kỳ hầu hết doanh nghiệp đều nỗ lực "nói không" với việc chi phí tăng, trong đó có khoản chi dành cho người lao động, các nhà lãnh đạo Nam Hoa vẫn sẵn sàng "nói có" với mọi nhân sự có khả năng "cầm càng nhiều tiền của công ty về nhà càng tốt". Người lao động là một phần trong sự tăng trưởng và lợi nhuận, tức một khoản đầu tư chứ không phải chi phí.
Dĩ nhiên, phụ cấp càng cao thì trách nhiệm càng lớn. Ở Nam Hoa, nhân viên có lương cơ bản và thưởng theo KPI. Đồng thời, ban lãnh đạo cũng không muốn và không để xảy ra tình huống nhân viên viện lý do "không thích tiền nên không đạt KPI", mà bằng cách này hay cách khác, động viên hoặc yêu cầu, để cuối cùng, nhân viên đạt được mục tiêu đề ra và phải cầm nhiều tiền hơn về nhà.
"Nhiệm vụ lãnh đạo là phải tạo nên hệ thống hoạt động sao cho nhân viên cầm càng nhiều tiền của công ty về nhà càng tốt. Vì khi họ không hoàn thành công việc thì ban giám đốc cũng không hoàn thành mục tiêu và công ty cũng không ổn. Khi nhân viên được 1 thì công ty sẽ được 10", Chủ tịch Nam Hoa nói về quan điểm lấy con người làm gốc.
Ngày 10/11/2021, Nam Hoa Toys đã chuyển sàn sang niêm yết tại HoSE (mã NHT). Một số mường tượng về bước ngoặt của một công ty đồ chơi gỗ 26 năm tuổi, số khác chỉ thấy ý định đánh bóng tên tuổi cho mục đích nào đó. Còn với ông Sơn, đây là cơ hội chuyển mình cho một thương hiệu uy tín, khi trở nên minh bạch và có thể đồng hành với nhiều cổ đông hơn.