Lo ngại doanh nghiệp phá sản

23/04/2012 09:28

Sức khỏe" của khu vực doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam đang bị thách thức nghiêm trọng do chính sách kiềm chế tín dụng và giảm tổng cầu được áp dụng theo Nghị quyết 11.

Lo ngại doanh nghiệp phá sản

"Sức khỏe" của khu vực doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam đang bị thách thức nghiêm trọng do chính sách kiềm chế tín dụng và giảm tổng cầu được áp dụng theo Nghị quyết 11.

Sản xuất công nghiệp suy giảm nghiêm trọng đặt câu hỏi về sức khỏe doanh nghiệp

Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, chỉ trong quý I năm nay, 2.400 doanh nghiệp đã làm thủ tục giải thể, và 11.600 doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động có thời hạn hoặc dừng thực hiện nghĩa vụ thuế.

Như vậy, số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng khoảng 9% so với cùng kỳ năm trước. Riêng số doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể tăng 62,18%.

Trong khi đó, cũng trong quý I, cả nước có 17.800 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký khoảng hơn 100.000 tỉ đồng, giảm 6% về số lượng và giảm 10% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2011.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu bày tỏ lo ngại khi chỉ số sản xuất công nghiệp quý I-2012 tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2011 và là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm qua (quí 1-2011 tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2010). Ông cảnh báo: “Chỉ số này báo động năng lực sản xuất đang suy giảm”.

Bên cạnh đó, trong số 32 mặt hàng chủ yếu của ngành công nghiệp thì có đến 18 ngành có tốc độ tăng trưởng giảm, theo Ủy ban Kinh tế.

Chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao đột biến, đến cuối tháng 3/2012 tăng 34,9% so với cùng thời điểm năm 2011.

Trong khi đó, ông Giàu lo ngại, chi phí đầu vào như xăng dầu, điện, khí đốt, chi phí nhân công tăng cao, tình trạng tồn kho và lãi suất cho vay cao đã ảnh hưởng và tác động mạnh đến hoạt động của các doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đến hết năm 2011, cả nước đã có 623.700 doanh nghiệp được đăng ký thành lập, trong số đó 457.000 doanh nghiệp đang hoạt động.

Chính phủ thừa nhận, năm 2011 là năm đầu tiên số lượng doanh nghiệp thành lập mới có sự giảm sút đáng kể từ khi Luật Doanh nghiệp 1999 có hiệu lực

Tình trạng doanh nghiệp hoạt động khó khăn phải giải thể hoặc ngừng hoạt động đã tăng mạnh so với các năm trước đây. Tổng số doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động là 53.792 doanh nghiệp, tăng 24,7% so với năm 2010; trong đó: số doanh nghiệp đã chính thức giải thể là 7.611 doanh nghiệp, tăng gần 15% so với năm 2010; số doanh nghiệp phải đăng ký tạm ngừng hoạt động hoặc ngừng thực hiện nghĩa vụ nộp thuế là 46.361 doanh nghiệp tăng 26,6% so với năm 2010.

Số doanh nghiệp phá sản là câu chuyện gây tranh cãi. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng số doanh nghiệp đăng ký theo Luật Doanh nghiệp đạt gần 623.000 đến cuối năm ngoái, tăng hơn so với hơn 544.000 của năm 2010 và 455.000 của năm 2009.

Tuy nhiên, số doanh nghiệp thực sự hoạt động theo khảo sát của Tổng cục Thống kê có vẻ thấp hơn nhiều, ở mức 291.000 năm 2010 và 249.000 năm 2009 (số liệu của năm 2011 chưa có).

Trong khi đó, theo Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, có gần 413.000 doanh nghiệp được ghi nhận đóng thuế cho ngân sách tính đến cuối 2010, tăng gần 214% so với cuối năm 2007.

Như vậy, số liệu từ hai cơ quan thống kê và thuế cho thấy doanh nghiệp thực sự tồn tại chỉ bằng một nửa, hay hai phần ba số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên lo ngại: “Với đà giảm lãi suất rất chậm hiện nay, có thể dự đoán số lượng doanh nghiệp tuyên bố phá sản, đóng cửa, tạm ngưng hoạt động sẽ có xu hướng trong các thời gian tới”.

Mặt khác, theo ông Thiên, điều đáng lo ngại hơn là tình trạng đa số doanh nghiệp đang phải cắt giảm công suất hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất, và sa thải công nhân. Ông nói: “Đây mới đích thực là phần chìm của tảng băng khó khăn mà các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lo ngại doanh nghiệp phá sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO