Năm 2008, TP.HCM có 22 vụ ngộ độc thực phẩm với 1.590 nạn nhân. Điều đáng báo động là các vụ ngộ độc này đều xảy ra ở các bếp ăn tập thể tại các Khu công nghiệp - Khu chế xuất (KCN - KCX) và một số trường học…
Theo Ban quản lý các KCN - KCX (HEPZA), TP.HCM hiện có 3 KCX và 12 KCN với 244.579 lao động, trong đó, lao động làm việc trong các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài là 73%. Năm 2008, tại các KCN và KCX này đã có 644 lao động bị ngộ độc thực phẩm mà nguyên nhân chủ yếu là do một số bếp ăn tập thể chưa đáp ứng đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).
Người lao động bị ngộ độc thực phẩm từ bếp ăn tập thể nằm cấp cứu tại bệnh viện |
Báo cáo gần đây của HEPZA cho thấy, số DN có bếp ăn tập thể là 185, nhưng Sở Y tế mới cấp được 112 giấy phép. Và điều bức xúc hơn cả là 73 DN còn lại có bếp ăn tập thể chưa được cấp Giấy chứng nhận VSATTP vẫn “bình chân như vại”, dù đã được nhắc nhở và gia hạn nhiều lần.
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam cho rằng, con số 644 lao động bị ngộ độc thực phẩm trong năm 2008 tại các KCN và KCX thực chất chỉ là bề nổi. Nói một cách chính xác hơn, đó chỉ là số nạn nhân bị ngộ độc cấp tính được phát hiện. Còn những căn bệnh mạn tính, mang mầm bệnh trong cơ thể do việc thiếu VSATTP gây ra thì khó mà thống kê chính xác. Và đây mới chính là điều nhức nhối đáng quan tâm nhất.
Thực tế cho thấy, vấn đề quản lý VSATTP ở các KCN và KCX của TP.HCM hiện nay vẫn còn rất lỏng lẻo, thậm chí khi phát hiện DN vi phạm thì cách xử lý cũng chỉ từ “nhẹ hều” đến... nhân nhượng! Chính vì vậy mà trong số 83 DN có tổ chức bếp ăn tập thể và nhận suất ăn từ bên ngoài khi bị kiểm tra đã có tới 49 DN bị xử phạt. Ông Lâm Văn Tiếp - Phó trưởng ban HEPZA cho biết, các lỗi mà các DN này thường mắc phải là thiếu Giấy chứng nhận VSATTP, lưu mẫu không đúng quy định, dụng cụ gắp - chứa thức ăn không đảm bảo vệ sinh, không tổ chức tập huấn - khám sức khỏe định kỳ cho người lao động trực tiếp chế biến thức ăn, sử dụng phụ gia bị cấm...
Ai cũng biết việc các bếp ăn tập thể chưa được cấp Giấy chứng nhận VSATTP mà đã hoạt động là sai quy định, nhưng tại sao điều này vẫn đã và đang tồn tại? Ông Tiếp lý giải: “Nhiều KCX và KCN không có hàng quán nên việc xử lý DN vi phạm rất khó khăn, vì nếu yêu cầu đóng cửa bếp ăn tập thể thì công nhân sẽ không có chỗ ăn...”. Cách biện minh này là không thể chấp nhận vì nếu cứ nhân nhượng thì tức là chấp nhận để cho nguy cơ ngộ độc thực phẩm luôn lơ lửng trên đầu người lao động.
Để đảm bảo VSATTP cho người lao động, năm 2008, Sở Y tế TP.HCM đã yêu cầu HEPZA tổ chức xây dựng tại mỗi KCN - KCX một bếp ăn tập thể, nhưng cho đến nay ý tưởng này vẫn chỉ là... ý tưởng vì không có đất! Lý do này thoạt nghe có vẻ hợp lý vì hầu hết các KCN và KCX đều được quy hoạch cách đây nhiều năm, kết cấu hạ tầng đã cũ, khi thiết kế đều không “chừa chỗ” cho việc xây dựng bếp ăn tập thể. Nhưng, trong cuộc họp gần đây với Ban quản lý HEPZA, ông Nguyễn Văn Minh - đại diện Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM đã không đồng tình. Ông Minh cho biết, vẫn có thể dùng quỹ đất dành cho việc trồng cây xanh ở các KCN và KCX để xây dựng bếp ăn tập thể cho công nhân trước vì đây là vấn đề quan trọng. Ý kiến này đã được Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Lê Trường Giang nhiệt tình hưởng hứng vì theo ông, đó chính là một trong những cách thiết thực nhất để khống chế nguy cơ ngộ độc thực phẩm cho người lao động ở các KCN và KCX.