Sau khi thị trường lẩu băng chuyền “xì hơi”, các ông chủ phải “sống qua ngày” bằng cách bán voucher và thanh lý dây chuyền.
“Sống mòn” bằng voucherLẩu băng chuyền đã qua thời hoàng kim
Thời “hái ra tiền” của lẩu băng chuyền đã qua đi. Bây giờ, các nhà hàng phải chật vật tìm cách tồn tại như thu hẹp kinh doanh, giảm giá và bán voucher trên các website như muachung, nhommua, hotdeal, cungmua,…
Có thể dễ dàng thấy, các thương hiệu lẩu băng chuyền như BKK, Cooki-Cooki, Genki, Muru thường xuyên xuất hiện trên các deal của các website kể trên. Thậm chí, trong cùng một thời điểm, một nhà hàng có thể bán voucher trên nhiều website khác nhau. Và thông thường, chỉ sau vài tháng, các nhà hàng lại tiếp tục tung ra lượng voucher mới thu hút thực khách.
Giá cả mà các nhà hàng đưa ra cũng rất dễ chịu. Hầu hết giá đều được giảm mạnh từ gần 200.000 đồng/suất xuống dưới 150.000 đồng/suất. Trong giai đoạn thực phẩm đắt đỏ như hiện nay, 150.000 đồng/suất là mức chấp nhận được với nhiều người.
Chị Lê Hằng, nhân viên một công ty truyền thông chia sẻ: “Mặc dù không còn mê mệt lẩu băng chuyền như trước đây nữa nhưng tôi thấy với giá dưới 150.000 đồng/suất, lẩu băng chuyền vẫn còn sức hấp dẫn nhiều lắm”.
Chính vì nhiều người có cùng quan điểm với chị Hằng nên các nhà hàng lẩu băng chuyền thu hút được lượng khách hàng đáng kể. Thậm chí, có nhà hàng bán được gần 3.000 voucher chỉ trên một website mua theo nhóm. 3.000 là con số rất lớn với bất cứ địa điểm quán ăn nào.
Bên cạnh bán voucher, các nhà hàng còn dùng chiêu giảm giá trực tiếp. Kichi Kichi là thương hiệu lẩu băng chuyền hiếm khi xuất hiện trên các website mua theo nhóm nhưng lại gia nhập đội ngũ giảm giá nhiệt tình.
Mặc dù giá niêm yết vẫn cao ngất (185.000 đồng/suất, chưa tính VAT 10%) nhưng hệ thống lẩu băng chuyền Kichi Kichi trong TP.HCM đang áp dụng chính sách ưu đãi đặc biệt “Ăn thỏa thích từ thứ 2 - thứ 6” với giá chỉ 145.000 đồng.
Như vậy, mức giá này cũng hấp dẫn không kém giá mà các nhà hàng khác ưu đãi cho khách bằng voucher. Thậm chí, cách giảm giá trực tiếp này còn hấp dẫn hơn vì khách có thể đến thẳng nhà hàng mà không cần mua voucher.
Lẩu F1 sau khi đóng cửa hai địa điểm và đóng cửa luôn website cũng đã áp dụng mức giá mềm hơn cho khách hàng.
Thanh lý dây chuyền
Trong khi một số cửa hàng vẫn cầm cự được bằng cách giảm giá, bán voucher thì một số ông chủ khác lại “đầu hàng” và tìm cách bán tháo. Người chỉ muốn bán dây chuyền lẩu băng chuyền nhưng có người lại muốn bán toàn bộ cửa hàng.
Trên website vatgia, anh Lộc đăng tin: “Tình hình là mình đang có nhu cầu thanh lý hệ thống lẩu băng chuyền, Hàng còn mới, hàng nhập khẩu”.
Trên website muare, một thành viên mới rao: “Hiện tại mình có một cửa hàng lẩu băng chuyền mới đưa vào kinh doanh. Tuy nhiên do hiện tại có một số lý do nên chưa khai thác kinh doanh được. Mình muốn nhượng lại dây chuyền lẩu băng chuyền này cho Anh/Chị nào có nhu cầu kinh doanh với mức giá hợp lý nhất”.
Thành viên này còn miêu tả cụ thể tình trạng của cửa hàng như “Dây chuyền của hãng Asimex được bảo hàng trọn đời. Dây chuyền mới 95% vì mới sử dụng không lâu và không nhiều (khoảng 4 tháng). Dây chuyền phục vụ 90 chỗ ngồi”.
Trên website muaban, chị Hương cũng rao muốn bán thanh lý toàn bộ nhà hàng lẩu băng chuyền. Mặc dù rất kiệm lời, không đưa ra lý do phải thanh lý cửa hàng nhưng không ít người cũng đoán ra phần nào vì thời điểm hiện tại, lẩu băng chuyền không còn là nghề “ăn nên làm ra” nữa.
Trên website rongbay, cũng có thành viên rao bán dây chuyền lẩu băng chuyền dài 22m, phục vụ cho 36 khách. Đây là thành viên hiếm hoi niêm yết mức giá của hệ thống này là 350.000 đồng. Đây là mức giá khiến không ít người giật mình và đoán như vậy mức đầu tư cho một cửa hàng lẩu băng chuyền tương đối lớn.
Mặc dù đã đăng tin rao bán nhưng dường như nhiều ông chủ vẫn chưa thể thanh lý được. Đến thời điểm hiện tại, chị Hương vẫn chưa bán được cửa hàng dù đã đăng tin từ cách đây 9 tháng.