Chi phí vốn NH tăng
Kể từ đầu tháng 4 đến nay, xuất hiện thêm nhiều NH tăng lãi suất tiền gửi. Như Ngân hàng Quân Đội tăng 0,2% kỳ hạn 1-2 tháng, 6 tháng, 13 tháng; tăng 0,4% ở các kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng. Ngân hàng Bản Việt tăng 0,1% kỳ hạn 1-5 tháng, lên 3,9%, tiệm cận mức trần 4%, các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên tăng từ 0,4-0,6%. Ngân hàng An Bình tăng 0,1% kỳ hạn 1 tháng, tăng 0,25% kỳ hạn 2 tháng, kỳ hạn 3-11 tháng tăng từ 0,4-0,5%. Ngân hàng ACB tăng 0,1-0,2% ở các kỳ hạn 1-3 tháng và 6 tháng.
Trước đó, cuối tháng 3, thị trường cũng đã chứng kiến một loạt NH như NamABank, Techcombank, VietCapitalBank... đã áp dụng biểu lãi suất huy động mới, tăng khoảng 0,1-0,3 điểm phần trăm so với trước.
Lãi suất năm 2022 đang tăng trở lại |
Thực tế cho thấy, mặt bằng lãi suất huy động vốn của các NH đã liên tục tăng từ tháng 12 năm ngoái đến nay. Mức tăng trong khoảng 3-4 tháng trở lại đây phổ biến khoảng 0,3-0,8%/năm. Theo thống kê của các công ty chứng khoán, trong quý I/2022, mặt bằng lãi suất tiết kiệm đã tăng 0,7-0,8% so với năm 2021.
Trước áp lực lạm phát tăng trở lại, cộng thêm tiền đồng có thể mất giá nhiều hơn trong năm nay, các NH buộc phải tăng lãi suất tiền gửi để giữ chân khách hàng là có thể hiểu được, nhất là khi nhu cầu vốn của các nhà băng hiện nay đang khá cao để đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế. Thống kê cho thấy, trong khi tăng trưởng huy động vốn quý I chỉ đạt 2,15%, thì tăng trưởng tín dụng lên đến 4,03%, khiến thanh khoản hệ thống đối mặt với áp lực trở lại.
Trước tình hình này, xu hướng đi lên của lãi suất có lẽ sẽ chưa dừng lại. Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, lãi suất huy động khó có thể duy trì ở mức thấp trong năm 2022. Tổ chức này dự báo lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ, từ 0,3-0,5 điểm phần trăm vào năm 2022. Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các NH thương mại có thể tăng 5,9-6,1%/năm vào cuối năm 2022 (hiện là 5,6%/năm), vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch là 7,0%/năm.
DN nhiều nỗi lo
Chi phí vốn của các NH tăng sẽ kéo theo lãi suất cho vay có thể tăng, khiến nhiều DN càng thêm lo lắng về nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh, nhất là trong bối cảnh chưa thoát khỏi khó khăn trong hơn hai năm dịch Covid-19 hoành hành. Chẳng những vậy, việc giá nguyên nhiên liệu đầu vào tăng vọt thời gian gần đây do tình hình chiến sự tại Ukraine, chuỗi cung ứng đứt gãy và thiếu lao động càng cho thấy DN đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Chính sách tái cơ cấu nợ của ngành NH dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 6 tới, khi đó DN có thể không còn nhận được các chính sách hỗ trợ như miễn, giảm lãi, phí.
Bên cạnh đó, chính sách tái cơ cấu nợ của ngành NH dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 6 tới, khi đó các DN có thể không còn nhận được sự hỗ trợ như miễn, giảm lãi, phí. Nếu lãi suất vay vốn tăng trở lại, kinh doanh của DN càng thêm khó khăn.
Trong bối cảnh này, nhiều DN trông ngóng các cơ quan quản lý triển khai gói hỗ trợ cấp bù lãi suất 2% với quy mô 40.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên cũng có nhiều DN băn khoăn, gói cấp bù 2% lãi suất chưa triển khai nhưng mặt bằng lãi suất cho vay đã tăng nên sẽ khó tiếp cận được vốn vay có lãi suất thấp như kỳ vọng để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Thực tế cho thấy, thời gian qua, mặc dù không ít NH đưa ra các gói hỗ trợ lãi suất ở mức 5-6%/năm nhưng DN rất khó tiếp cận vì không đủ điều kiện vay.
Dù vậy, cũng theo VNDirect, áp lực lạm phát khó có thể đảo ngược chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ít nhất trong 3-6 tháng tới. Theo đó, NHNN sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng cho đến ít nhất là cuối quý II/2022. NHNN vẫn ưu tiên mục tiêu duy trì lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ DN và nền kinh tế phục hồi sau đại dịch nên mặt bằng lãi suất cho vay trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vẫn sẽ ở mức ổn định.
Vì vậy, kỳ vọng DN sẽ vẫn có cơ hội được tiếp cận các khoản vay với lãi suất hợp lý và có tính hỗ trợ để vượt qua những khó khăn trước mắt. Trong các văn bản chỉ đạo, NHNN đã yêu cầu các NH tiết giảm chi phí hoạt động, phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5-1 điểm phần trăm trong hai năm 2022 và 2023, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên.