Kỳ vọng được nâng hạng sớm
Tính đến phiên giao dịch ngày 22/2, nhà đầu tư nước ngoài đã duy trì 11 phiên mua ròng liên tiếp và đánh dấu xu hướng mua ròng suốt từ đầu tháng 2 đến nay, với tổng giá trị gần 3.000 tỷ đồng, theo đó nâng tổng giá trị mua ròng lũy kế từ đầu năm nay lên xấp xỉ hơn 4.600 tỷ đồng.
Dù chỉ chiếm khoảng 37% tổng giá trị mua ròng của cùng giai đoạn đầu năm 2018, song nếu xét trong bối cảnh đang có nhiều rủi ro hiện tại trong nền kinh tế toàn cầu và tâm lý e ngại của nhà đầu tư sau xu hướng điều chỉnh thời gian qua, thì động thái trên vẫn được đánh giá là tích cực.
Đặc biệt hơn nữa là, nếu như đầu năm 2018 chứng kiến những thương vụ niêm yết của một số doanh nghiệp giá trị hàng tỷ USD đã giúp thu hút một lượng vốn mới từ nhà đầu tư nước ngoài rót vào, thì thời điểm đầu năm nay chưa có thương vụ nào đáng chú ý.
Dường như kỳ vọng về khả năng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ sớm được nâng hạng đang thúc đẩy tâm lý lạc quan và hành động mạnh mẽ hơn của các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong bài phát biểu khai trương giao dịch đầu năm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt ra nhiệm vụ nhanh chóng triển khai các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ hạng "thị trường cận biên" lên hạng "thị trường mới nổi" trên bảng xếp hạng của các tổ chức xếp hạng thị trường. Thủ tướng còn yêu cầu các cơ quan quản lý sớm hoàn thiện khung pháp lý chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Điều quan trọng hơn là dòng vốn từ các quỹ hiện đang đầu tư theo 2 chỉ số FTSE và MSCI có thể tạo thành hiệu ứng và kích thích thêm nhiều luồng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam, khi mà các quỹ còn có thể tự xây dựng chỉ số, hoặc đầu tư thông qua các chỉ số hiện có của Việt Nam như VN30, VN50, VN100.
Trước đó, vào tháng 9/2018, FTSE Russell đã đưa thị trường chứng khoán Việt Nam vào danh sách xem xét để nâng hạng từ thị trường cận biên thành thị trường mới nổi. Dù thông thường có thể mất thêm một vài năm để chính thức được nâng hạng, nhưng không loại trừ khả năng có thể được nâng sớm hơn nếu đáp ứng được các tiêu chí theo yêu cầu, trong khi dòng vốn của khối ngoại cũng có thể đến sớm hơn để đón đầu xu hướng khi giá cổ phiếu còn ở mức thấp.
Cổ phiếu vốn hóa lớn được lựa chọn
Nếu như thị trường chứng khoán sớm được nâng hạng, những cổ phiếu có vốn hóa lớn thuộc nhóm VN30 được cho sẽ tiếp tục trở thành mục tiêu của các tổ chức nước ngoài. Trong báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tổ chức này dự báo thị trường chứng khoán Việt Nam có thể thu hút hơn 1,2 tỷ USD nếu được nâng hạng, trong đó ước khoảng 375 triệu USD đổ vào quỹ đầu tư thụ động khi FTSE nâng hạng và gần 858 triệu USD nếu MSCI nâng hạng.
Điều quan trọng hơn là dòng vốn từ các quỹ hiện đang đầu tư theo 2 chỉ số FTSE và MSCI có thể tạo thành hiệu ứng và kích thích thêm nhiều luồng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam, khi mà các quỹ còn có thể tự xây dựng chỉ số, hoặc đầu tư thông qua các chỉ số hiện có của Việt Nam như VN30, VN50, VN100.
Tuy nhiên, báo cáo của BVSC vẫn giữ quan điểm thận trọng khi dự kiến chứng khoán Việt Nam chỉ có thể được FTSE xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2 vào tháng 3/2020 sau khi Luật Chứng khoán sửa đổi được thông qua trong Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội Khóa XIV. Đối với khả năng được MSCI xem xét nâng hạng lên thị trường chứng khoán mới nổi thì thời gian sớm nhất cũng là vào năm 2020.
Cũng theo BVSC, hiện có 4 tiêu chí mà một mã cổ phiếu cần phải thỏa mãn để có thể được đưa vào FTSE Emerging Markets Index, bao gồm vốn hóa, thanh khoản, hạn mức tỷ lệ sở hữu của khối ngoại và tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng. Theo đó, các cổ phiếu mục tiêu có thể gồm VIC, VHM, VRE, VNM, VCB, SAB, VJC và BVH.
Chính vì vậy, không có gì lạ khi các phiên mua ròng thời gian qua của khối ngoại liên tiếp tập trung vào những mã có vốn hóa lớn này, vốn chiếm tỷ trọng đáng kể trong chỉ số VN-Index, do đó đã góp phần kéo thị trường tăng mạnh trong suốt giai đoạn vừa qua. Như trong phiên ngày 21/2, dù số lượng mã cổ phiếu giảm điểm nhiều hơn đáng kể, nhưng VN-Index vẫn tăng gần 17 điểm, trong đó đóng góp lớn là bộ ba cổ phiếu "họ nhà Vin" khi VHM tăng trần, VRE tăng 5,9% và VIC tăng 1,6%.
Tình trạng trên kéo dài trong nhiều phiên qua đã khiến thị trường rơi vào diễn biến "xanh vỏ đỏ lòng", do đó nhiều nhà đầu tư trở nên e dè và thận trọng. Tuy nhiên, trong bối cảnh các nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua ròng, chỉ số vẫn duy trì đà tăng nhờ các cổ phiếu vốn hóa lớn được kéo bởi các tổ chức, như trong tuần qua VN-Index tiếp tục tăng thêm 38 điểm với 5 phiên liên tiếp, thì không loại trừ khả năng đến lúc nào đó lòng tham sẽ thắng thế nỗi sợ hãi và nhà đầu tư cá nhân sẽ rót tiền mạnh trở lại, giúp sắc xanh có thể lan tỏa rộng hơn trên thị trường.