Sứ mệnh của doanh nghiệp

MINH VŨ| 01/12/2011 04:44

Steve Jobs, vị thuyền trưởng tài ba của Apple, khi còn sống và trên đỉnh cao của sự nghiệp, đã nói nhiều về “sứ mệnh của doanh nghiệp”. Theo ông, đó là yếu tố tinh thần tạo nên sức mạnh nội tại của Apple và giúp công ty này trường tồn.

Sứ mệnh của doanh nghiệp

Steve Jobs, vị thuyền trưởng tài ba của Apple, khi còn sống và trên đỉnh cao của sự nghiệp, đã nói nhiều về “sứ mệnh của doanh nghiệp”. Theo ông, đó là yếu tố tinh thần tạo nên sức mạnh nội tại của Apple và giúp công ty này trường tồn.

Sản phẩm tạo nên động lực

Trong danh sách những quyển sách ưa thích nhất của Steve Jobs, có một tựa khá quen thuộc Innovator’s Dilemma (tạm dịch: Thế lưỡng nan của nhà đổi mới) của tác giả Clayton Christensen, giáo sư thuộc Trường Kinh doanh Harvard. Và quyển sách này được mô tả là “có ảnh hưởng sâu sắc” đến nhà đồng sáng lập Apple.

Năm 1997 chứng kiến hai sự ra đời quan trọng: một là quyển sách Innovator’s Dilemma được đánh giá là “mang tính cách mạng và sẽ thay đổi thế giới kinh doanh”, và hai là một Apple phiên bản 2 dưới sự dẫn dắt của Steve Jobs.

Kể về giai đoạn bị tống khứ khỏi Apple, khi John Sculley lên nắm quyền điều hành, Steve Jobs có đề cập đến một căn nguyên gốc rễ dẫn đến hàng loạt vấn đề đưa Apple phiên bản 1 đến bờ vực phá sản. Đó là khi công ty để yếu tố lợi nhuận lấn át niềm đam mê.

“Niềm đam mê của tôi là xây dựng một công ty bền vững, nơi mỗi nhân viên đều lấy việc tạo ra những sản phẩm vĩ đại làm nguồn động lực cho mình. Chính sản phẩm, chứ không phải lợi nhuận, mới là yếu tố tạo nên động lực. Sculley đã bỏ qua điều này và chỉ chăm chăm vào số tiền thu được. Dù sự khác biệt là rất tinh vi, song kết cục lại một trời một vực”.

Theo GS. Christensen, có nhiều nhà quản lý chuyên nghiệp dù đã thực hiện mọi điều đúng đắn và làm theo mọi lời khuyên tốt nhất, nhưng nếu mục tiêu của họ là dẫn dắt công ty lên đến đỉnh cao lợi nhuận thì họ hoàn toàn có thể thực hiện được điều đó.

Thế nhưng ngay sau đỉnh cao chính là vực thẳm, như một quy luật muôn đời. Đó chính xác là những gì đã xảy ra với Apple phiên bản 1. Một nhóm các nhà quản lý chuyên nghiệp đã đưa công ty đến đỉnh cao lợi nhuận và sau đó trượt dốc đến bên mép vực thẳm.

Cú trượt này suýt chút nữa đã khiến công ty lao xuống vực sâu. Tại thời điểm Steve Jobs trở lại tiếp quản, Apple chỉ có đủ vốn hoạt động trong 90 ngày, hay nói cách khác, chỉ cách bờ vực phá sản ba tháng.

Sứ mệnh tạo ra những sản phẩm vĩ đại

Khi trở lại, Steve Jobs cải tổ toàn bộ hoạt động của công ty, sa thải hàng ngàn nhân viên để tinh gọn bộ máy và khai tử hàng loạt sản phẩm không hiệu quả hoặc xa rời định hướng.

Ông biết công ty cần kiếm ra tiền để sống sót, nhưng đồng thời phải chuyển sự tập trung của Apple từ lợi nhuận sang sản phẩm.

Lợi nhuận được xem là yếu tố cần thiết, nhưng không có ý nghĩa quyết định mọi hoạt động của Apple. Chính thái độ đó đã không những cứu sống Apple, mà còn khiến công ty này khác biệt so với các công ty còn lại trong nhóm Fortune 500.

Một chuyên gia “săn đầu người” từng mô tả về môi trường làm việc của “Quả táo”: “Đó là một nơi hạnh phúc với những con người có niềm tin mạnh mẽ.

Mọi người gia nhập và ở lại vì họ tin vào sứ mệnh của công ty”. Mọi thứ, từ công việc kinh doanh đến con người, đều phục vụ một sứ mệnh chung: làm ra những sản phẩm vĩ đại.

Và thay vì lắng nghe hay hỏi xem khách hàng muốn gì, Apple chủ động giải quyết những vấn đề khách hàng còn chưa biết họ sẽ gặp phải, bằng những sản phẩm mà khách hàng còn chưa kịp nhận ra là họ muốn sở hữu.

Bằng phương pháp này, Apple đã tìm ra lời giải ổn thỏa cho những vấn đề được nêu trong Innovator’s Dilemma của GS. Christensen.

Nghiên cứu của GS. Christensen đề xuất giải pháp là thành lập một công ty tách biệt để cạnh tranh và soán ngôi công ty mẹ. Tuy nhiên, rất khó để thành công với giải pháp này và càng hiếm có công ty nào giải được bài toán của Christensen nhẹ nhàng như Apple.

Vừa qua, trước việc iPad có thể phá hỏng thị trường của dòng máy Mac, tân Giám đốc Điều hành của Apple, Tim Cook, nhận xét: “Tôi không nghĩ có hiện tượng tranh giành gì ở đây... Nhóm iPad vẫn đang nỗ lực phát triển sản phẩm đến mức tốt nhất có thể. Nhóm Mac cũng vậy”.

Sở dĩ Apple có thể bình thản được như vậy, điều mà nhiều công ty khác không làm được, là vì công ty này không tối ưu hóa tổ chức để tối đa hóa lợi nhuận.

Thay vào đó, tạo ra giá trị cho khách hàng mới là ưu tiên hàng đầu. Khi chọn mục tiêu này làm kim chỉ nam, nỗi sợ về việc các bộ phận tranh giành, xâu xé lẫn nhau, hay công ty tự hủy hoại mình, hoàn toàn biến mất.

Ngoài ra, khi sứ mệnh của công ty xoay quanh việc tạo ra những sản phẩm vĩ đại, mang lại giá trị cho khách hàng, thì việc các bộ phận tranh giành, xâu xé lẫn nhau, hay công ty tự hủy hoại mình không còn lại điều gì “xấu xa” để phải né tránh, mà chúng trở thành những thách thức cần phải vượt qua để nâng cao giá trị cho khách hàng của công ty.

Steve Jobs chịu nhiều ảnh hưởng từ quyển Innovator’s Dilemma và chính bản thân ông từng chứng kiến “đứa con đẻ” của mình suýt chết vì không vượt qua được “thế lưỡng nan” đó. Khi trở lại Apple, ông đã nỗ lực giải bài toán này và thành công.

“Sự khác biệt tinh vi” giữa mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận và sứ mệnh tạo ra những sản phẩm vĩ đại đã được Steve Jobs nhìn thấu và áp dụng để cứu sống một Apple phiên bản 1 đã cách bờ vực phá sản chỉ ba tháng mong manh, và từ đó Apple phiên bản 2 hình thành và phát triển thành một trong những công ty đáng giá nhất và có sức ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới ngày nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sứ mệnh của doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO