Nguồn nhân lực tại các doanh nghiệp: Nóng!

LỮ Ý NHI| 13/03/2007 08:40

Nguồn lao động dồi dào, các trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cấp cao và các trường dạy nghề mọc như nấm... nhưng các doanh nghiệp vẫn đang “khát” lao động. Tại sao?

Nguồn nhân lực tại các doanh nghiệp: Nóng!

Nguồn lao động dồi dào, các trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cấp cao và các trường dạy nghề mọc như nấm... nhưng các doanh nghiệp vẫn đang “khát” lao động. Tại sao?

Thiếu cả thợ lẫn thầy

Việc “hao hụt” một số lao động sau Tết của các doanh nghiệp (DN) là chuyện vẫn xảy ra ở những năm trước. Song năm nay, tình trạng này trầm trọng hơn, trung bình các DN mất khoảng 5-10% lao động như Công ty Freetrent mất gần 500 công nhân. Do vậy, hàng trăm DN đang ráo riết tuyển dụng lao động (LĐ). Các KCN Vĩnh Lộc, Tân Bình, Tân Tạo... có nhu cầu tuyển dụng LĐ với số lượng lớn và mức lương cũng cao hơn: có tay nghề 1,6 triệu đồng, thử việc 1,3 triệu đồng/tháng/lao động...

Chỉ tính riêng Trung tâm dịch vụ việc làm Hepza, nhu cầu tuyển dụng của các DN cũng đã trên 50.000 lao động gồm cả LĐ phổ thông và cao cấp. Một số công ty thì chủ động liên kết với các trường dạy nghề, các trung tâm giới thiệu việc làm để dạy nghề cho LĐ mới.

Theo phân tích của các trung tâm tuyển dụng thì hiện nay, do số lượng DN và các KCN - KCX tại các địa phương phát triển nên nhu cầu LĐ cũng đang khát không khác gì các thành phố lớn, chẳng hạn các DN tại KCN Hòa Khánh, Liên Chiểu, An Đồn (Đà Nẵng) có nhu cầu tuyển khoảng 10.000 LĐ và có chương trình đào tạo nghề miễn phí cho LĐ, riêng LĐ thuộc hộ nghèo, diện di dời, thu hồi đất được hỗ trợ thêm 5.000 đồng/ngày thực học.

Cùng một công việc, mức độ ưu đãi, lương bổng như ở thành phố, thậm chí thấp hơn một chút nhưng được gần nhà, bớt chi phí sinh hoạt đắt đỏ tại thành phố và không phải sống thiếu thốn sẽ là ưu thế để các DN địa phương thu hút LĐ. Một chuyên viên của Sở LĐ-TB-XH còn cho biết một nguyên do nữa là một số DN vì lợi nhuận đã trốn tránh nhiều chế độ phúc lợi của người LĐ nên nhiều người bỏ qua công ty khác làm việc.

Về phía các nhân sự cao cấp, đa số ý kiến đều cho rằng lương cao, ưu đãi nhiều cũng chưa thể “giữ chân” họ nếu môi trường làm việc không có điều kiện cho họ học hỏi, mở mang. Giám đốc Marketing Công ty sơn Akzo Nobel - Đoàn Đức Minh cho rằng: “Môi trường làm việc phải tạo điều kiện cho nhân viên phát triển, đem lại cho họ những cơ hội thành công và những bài học kinh nghiệm; hoặc giám đốc marketing Công ty Kimberly Clark - Hoàng Hải Vân cũng từng bỏ làm việc tại một công ty Hàn Quốc với mức lương rất cao để sang làm cho một công ty với mức lương khởi điểm thấp hơn nhưng bù lại chị có điều kiện học hỏi thêm và công việc cũng nhiều triển vọng hơn.

Vắng lao động tại các doanh nghiệp sản xuất

Nhận định về nguồn LĐ năm 2007, bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Trưởng Phòng Quản lý LĐ nước ngoài Sở LĐ-TB-XH phát biểu ngắn gọn: Thiếu cả thợ (LĐ phổ thông) và thầy (nhân sự cao cấp). Ông Jonah Levey - TGĐ Công ty Navigos Group - Vietnamworks.com cũng cho biết: “Hiện Việt Nam đang thiếu nhân sự cao cấp ở tất cả các lĩnh vực, thiếu trầm trọng vị trí giám đốc, thiếu nhân sự có kinh nghiệm kỹ thuật chuyên môn”.

Mặc dù theo thống kê của Bộ Lao động TBXH, hiện Việt Nam có trên 43 triệu người trong độ tuổi LĐ nhưng 74,7% số này chưa qua đào tạo, số còn lại cũng không hoàn toàn giỏi nghề, thực trạng này cho thấy nghịch lý: Nguồn cung ứng LĐ tuy dồi dào nhưng thực tế DN vẫn thiếu, hiện không ít DN đã phải sử dụng LĐ cao cấp nước ngoài đảm nhiệm các chức vụ giám đốc điều hành, quản lý... và để giải quyết thực trạng này, theo bà Mai, cần có một chiến lược quốc gia về đào tạo phát triển nguồn nhân lực nói chung, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực cao cấp.

Đào tạo: Nhiều, nhưng làm được chẳng bao nhiêu

Nghịch lý đáng quan tâm là mỗi năm, sinh viên tốt nghiệp rất nhiều nhưng tỉ lệ cử nhân đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng chỉ 15-20%. Phía các DN thì cho rằng, đào tạo đại học chỉ mang tính lý thuyết, không sát với thực tế của DN, ngay cả giảng viên cũng là người không có kinh nghiệm kinh doanh.

Phía các trường đào tạo lại “đổ thừa” DN làm việc không theo bài bản, khoa học nên bài giảng có khoa học, có cập nhật “hiện đại” đến đâu thì các DN cũng không áp dụng được, cộng thêm rất ít DN muốn liên kết, cộng tác với đào tạo, có DN còn ngại tiếp nhận sinh viên, học viên đến thực tập.

Một thực tế nữa là hiện nay, mặc dù các trung tâm đào tạo mọc lên như nấm, nhất là các khóa đào tạo nâng cao “chức vụ” như CEO, CFO, quản lý bậc trung và cao cấp, giám đốc marketing, giám đốc nhân sự, giám đốc dự án, quản trị thương hiệu, RSM (Giám đốc bán hàng vùng)... với các tên gọi khá “hoành tráng” như chương trình đào tạo 1.000 nhà quản lý chuyên nghiệp, 1.000 giám sát ngoại vụ, 500 chuyên gia quảng cáo... nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu người học.

Giám đốc một công ty kinh doanh ngành xây dựng cho biết: “Tôi nghe nhiều trung tâm quảng cáo, phác họa một chương trình học rất mới, rất phong phú nhưng khi đóng tiền học rồi thì... hỡi ôi”. Song, khi ai đó hỏi về chất lượng đào tạo tại các trung tâm này, vị giám đốc vẫn hết lời khen ngợi, chỉ vì... nếu chê “huỵch toẹt thì chẳng khác nào hạ thấp tấm bằng mình đã được trung tâm này cấp (!).

Chính tâm lý học vì bằng cấp - một thực tế khá phổ biến ở không ít doanh nhân đã góp phần tạo ra những trung tâm đào tạo theo kiểu “quảng cáo một nơi, học một nẻo”, chỉ đơn thuần đáp ứng nhu cầu bằng cấp. Thực tế, có cả một viện còn quảng cáo đào tạo nhiều chuyên môn nhưng thực chất viện chỉ bán tên cho các nhóm giảng viên và “bán” chữ ký để cấp bằng, mỗi tấm bằng viện nọ thu 10% phí!

Thạc sĩ Đỗ Thanh Năm - Chuyên viên tư vấn - Giảng viên khoa quản trị DN cho biết: Các khóa đào tạo MBA, giám đốc cao cấp... mà chỉ học 2 tuần hoặc 2-4 tháng như các trường đang đào tạo hiện nay thì làm sao chuyển tải đầy đủ những kiến thức cần thiết, chưa nói đến chuyện chuyên sâu.

Chưa kể một số giảng viên hiện đang chạy show rất căng, không còn thời gian nghiên cứu, đọc tài liệu, xâm nhập thực tế. Chủ tịch HĐQT Công ty tiếp thị ứng dụng I.A.M Việt Nam - anh Đoàn Sĩ Hiền cũng cho biết thêm: “Thực tế có những bài giảng không ăn nhập gì với chương trình như có nơi dạy PR nhưng giảng viên lại dạy cách sắp xếp bàn ăn, khăn ăn.

Ngoài ra, lối học từ chương theo kiểu cái gì cũng biết, cũng học trong một chương trình mà không cần biết nó liên quan với nhau như thế nào, học để làm gì ở các trường đại học cũng đã ảnh hưởng đến tâm lý của các DN, thấy đóng ít tiền mà học được quá nhiều chuyên đề thì ham, kể cả những lĩnh vực mà mình chưa làm, không cần thiết và hậu quả là tuy học nhiều nhưng không hiểu và chẳng làm được bao nhiêu”. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nguồn nhân lực tại các doanh nghiệp: Nóng!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO