MBA: Xu hướng toàn cầu

TS ĐỖ HỮU NGUYÊN LỘC| 04/08/2012 05:08

Bất chấp đám mây u ám của nền kinh tế phương Tây, nhu cầu nhân lực có bằng MBA vẫn tăng hơn 35% trên toàn cầu trong một năm qua. Việt Nam không nằm ngoài cuộc chơi và nguồn nhân lực Việt Nam cũng vậy.

MBA: Xu hướng toàn cầu

Bất chấp đám mây u ám của nền kinh tế phương Tây, nhu cầu nhân lực có bằng MBA vẫn tăng hơn 35% trên toàn cầu trong một năm qua. Việt Nam không nằm ngoài cuộc chơi và nguồn nhân lực Việt Nam cũng vậy.

MBA tràn lan

Chương trình MBA (Master of Business Administration - thạc sĩ quản trị kinh doanh) những ngày đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam thường gặp phải sự e dè. Ở thời điểm đó, nhiều người không thuộc chuyên ngành kinh doanh muốn chuyển hướng kinh tế hay quản lý vẫn chuộng theo đuổi văn bằng 2 Kinh tế hơn là chương trình MBA. Đa số học viên lo lắng rằng khác chuyên ngành thì khó có thể học tốt ở bậc thạc sĩ.

Trên thực tế, đa số học viên MBA đến từ nhiều ngành nghề khác nhau, vì chương trình MBA được thiết kế để cung cấp các kiến thức, kỹ năng quản lý chứ không phải nghiên cứu chuyên sâu.

Trái lại với sự nghi kỵ những ngày đầu đó, cụm từ MBA ngày nay tại Việt Nam đã trở nên quá quen thuộc và trở nên phổ biến với giới công chức văn phòng.

Anh Lê Ngọc, học viên MBA chương trình Tư vấn quản lý quốc tế Đại học Bách khoa phát biểu: “Cứ 10 người đi làm có bằng đại học, thì 9 người muốn học tiếp MBA để làm quản lý”.

Có cầu ắt có cung! Trong vòng 5 năm, hàng loạt đại học nước ngoài đã “đổ bộ” vào thị trường giáo dục kinh doanh Việt Nam, như: Đại học Khoa học ứng dụng Tây Bắc Thụy Sĩ, Đại học Troy - Mỹ, Đại học Sunderland - Anh, Trường kinh doanh Solvay Brussels - Bỉ…

Thực tế đó dẫn đến một nhận định bi quan rằng rồi một ngày không xa, MBA sẽ phổ cập như bằng đại học và tấm bằng MBA cũng sẽ mất dần giá trị.

Thực tế vẫn lạc quan

Tuy nhiên, thực tế không hoàn toàn như suy diễn nêu trên. Theo nghiên cứu gần đây nhất của QS Top MBA (năm 2011), các nhà tuyển dụng vẫn có xu hướng ưa thích tìm kiếm các ứng viên MBA có kinh nghiệm, đặc biệt là mạnh về kỹ năng con người và các kỹ năng mềm.

Các nhà tuyển dụng vẫn có xu hướng ưa thích tìm kiếm các ứng viên MBA có kinh nghiệm

Theo thống kê, 68% nhà tuyển dụng đặc biệt quan tâm đến các MBA đã từng du học hoặc có kinh nghiệm học tập quốc tế. Điều này có thể dễ dàng lý giải trong xu hướng toàn cầu hóa ngày càng mạnh mẽ, khả năng ngoại ngữ và giao tiếp xuyên văn hóa được chính thức xem như một năng lực cạnh tranh của nhân lực cao cấp. Do đó, việc du học hoặc từng tham gia vào các chương trình học nước ngoài là một lợi thế minh chứng ứng viên đã từng có kinh nghiệm trong một môi trường đào tạo quốc tế.

Bằng quốc tế có nhận “lương quốc tế”?

Trong viễn cảnh nền kinh tế toàn cầu đang èo uột, đặc biệt là tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, bức tranh thị trường lao động ảm đạm mà mọi người vẫn thường hình dung: Nhẹ nhất là cắt giảm lương thưởng, nặng hơn là tinh giảm biên chế, nghiêm trọng là tái cơ cấu bộ máy nhân sự.

Nhưng có một thực tế bất ngờ: mức lương dành cho các nhân viên có bằng MBA vẫn được các tập đoàn đa quốc gia tăng đều đặn 10% mỗi năm.

Tại châu Âu, Thụy Sĩ lập kỷ lục với mức lương một nhân viên có bằng MBA trung bình hơn 122.000 USD/năm. MBA Úc và Nhật Bản dẫn đầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương với mức lương hàng năm ấn tượng là gần 118.000 USD và 92.000USD. Mỹ vẫn nghiễm nhiên là một cường quốc Bắc Mỹ với các MBA nhận mức lương tương đương Nhật là 92.000 USD trong năm 2011.

Tại Việt Nam thì sao?

Có lẽ thông số trên, dù là con số thực tế, cũng sẽ khó thuyết phục được bạn đọc do khoảng cách thu nhập giữa Việt Nam và các nước phát triển hiện vẫn còn khá xa. Tuy nhiên, ở mặt này hay mặt khác, khoảng cách này đang dần được rút ngắn một cách đáng kể.

Dựa theo khảo sát từ hơn 12.000 công ty trong số 42 quốc gia của QS Top MBA, các nhân viên nước ngoài có bằng MBA thuộc các tập đoàn đa quốc gia đang làm việc tại Việt Nam hưởng mức lương trung bình 48.000 USD/năm, cao hơn cả làm việc tại Ấn Độ (46.000 USD/năm) hay Thái Lan (42.500 USD/năm).

Các nhân viên người Việt tuy chưa so được về mức lương với chuyên gia nước ngoài nhưng đang có những bước thu hẹp đáng kể. Một kỹ sư với vài năm kinh nghiệm cộng một tấm bằng MBA sẽ luôn có cơ hội thăng tiến cao hơn nhiều so với một kỹ sư thạo chuyên môn nhưng không được đào tạo về kỹ năng quản trị.

Ngoài ra, các kỹ sư Việt với bằng MBA còn có cơ hội tiến gần đến các vị trí quản lý cấp cao từng một thời chỉ dành cho các chuyên gia nước ngoài.

Một ví dụ khác ở ngành giáo dục, một giảng viên quản trị kinh doanh hay một trainer người Việt với bằng MBA nước ngoài có mức thù lao giảng dạy trung bình 20-35 USD/giờ, tức gấp 2-3 lần một giảng viên với bằng cấp trong nước tương đương.

Xu hướng

Từ năm 1990, nhu cầu tuyển dụng nhân lực có bằng MBA trên thế giới tăng trưởng hơn 15%, ở nhiều quốc gia và ngành nghề. Trong giai đoạn hưng thịnh của chương trình MBA tại Mỹ, các tập đoàn thậm chí còn gửi nhân sự đến tận các trường đại học để săn đón các tân binh MBA triển vọng.

Đến năm 2001, ảnh hưởng suy thoái kinh tế Mỹ mà bắt nguồn từ sự đổ vỡ của "khủng hoảng chấm com", vụ tấn công khủng bố 11/9 và các scandal kiểm toán, nhu cầu về MBA cũng giảm theo đến 20%.

Như vậy, từ lịch sử có thể thấy, nhu cầu về nhân sự MBA phụ thuộc chặt chẽ vào sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, giá trị của tấm bằng MBA ngày càng phát huy hơn.

Bất chấp đám mây u ám của nền kinh tế phương Tây, nhu cầu nhân lực có bằng MBA vẫn tăng hơn 35% trên toàn cầu trong một năm qua. Việt Nam không nằm ngoài cuộc chơi và nguồn nhân lực Việt Nam cũng vậy.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, chuẩn bị một nền tảng kiến thức về quản trị mang tầm quốc tế để từ đó có thể tự tạo lợi thế cạnh tranh là một yếu tố cần thiết để lao động trí thức Việt Nam đón đầu các cơ hội thành công mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
MBA: Xu hướng toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO