Liên kết "hai nhà": Mô hình công ty "cổ phẩn"

THANH THẢO| 27/11/2009 05:56

Chuyện liên kết đào tạo để có nguồn lao động chất lượng cao bây giờ đã thành chuyện bức xúc trong sản xuất công nghiệp.

Liên kết

Chuyện liên kết đào tạo để có nguồn lao động chất lượng cao bây giờ đã thành chuyện bức xúc trong sản xuất công nghiệp.Nhưng, trên thực tế thì việc triển khai vẫn mang tính chất đơn lẻ, tự phát. Và đây chính là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng “cung” chưa gặp “cầu”.

Lúng túng vì chưa xác định được “nhạc trưởng”

Với công nghiệp “hi-tech”, việc thiếu trầm trọng nhân lực có kỹ thuật cao đáp ứng được yêu cầu của đơn hàng là chuyện thường xảy ra ở các nhà máy, khu công nghiệp. Đó là chuyện ai cũng thấy, ai cũng sẵn sàng báo động về tình trạng thiếu kỹ sư giỏi, thiếu thợ kỹ thuật bậc cao. Nhưng việc làm thế nào để khắc phục thì còn là “phim truyền hình nhiều tập”, và chưa biết tới tập thứ bao nhiêu mới lộ ra những giải pháp thực sự khả thi.

Chuyện hợp tác giữa “ba nhà”: nhà trường, Nhà nước và nhà doanh nghiệp, rồi rút ngắn hơn chỉ còn “hai nhà”: nhà trường và nhà doanh nghiệp đã và đang được bàn trong rất nhiều cuộc hội thảo, trong những văn bản ghi nhớ, cả trong những ký kết hợp tác. Nhưng đó vẫn là những hoạt động liên kết đơn lẻ, có phần tự phát do nhu cầu, chứ chưa phải một chiến lược phát triển trong giáo dục đào tạo được chỉ huy bởi một “nhạc trưởng”.

Nhạc trưởng ấy, dĩ nhiên là Nhà nước, nhưng cụ thể là bộ nào, ngành nào, thì vẫn chưa rõ ràng. Bộ Giáo dục và Đào tạo dĩ nhiên phải là đơn vị đầu tiên có trách nhiệm cao, nhưng Bộ Công Thương cũng không thể đứng ngoài cuộc, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đâu phải người dự thính, còn Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì xưa nay vẫn quản lý các trường dạy nghề, đương nhiên cũng phải có trách nhiệm trong chuyện này.

Nhưng, như chuyện vẫn thường thấy, “lắm thầy” quá nên công việc lại thường tiến triển rất chậm vì không biết ai chịu trách nhiệm chính.
Đã có những trường dạy nghề ở những khu công nghiệp và kinh tế lớn như Dung Quất, Bình Dương, TP.HCM, Đà Nẵng... lâu nay vẫn đào tạo nhiều khóa công nhân kỹ thuật.

Nhưng nếu đặt câu hỏi đã đáp ứng đủ, nhất là đủ về chất lượng cho nhu cầu của các DN chưa, thì câu trả lời là chưa! Đối với những nghề được xem là “hot”, nhiều chủ DN đã đến tận trường dạy nghề để tuyển chọn học sinh tốt nghiệp. Nhưng sau khi chọn được "quân", hầu hết DN đều phải tốn công sức và thời gian cùng tiền bạc đào tạo lại, hoặc bổ túc thêm tay nghề thì những cựu học sinh ấy mới có thể trở thành những công nhân thạo việc. Thời gian “tái đào tạo” có khi kéo dài từ sáu tháng tới một năm, tùy nghề.

Mô hình “công ty cổ phần” - Tại sao không?

Trong quá trình đào tạo, khả năng liên kết “hai nhà” có thể phát huy tác dụng tốt, nếu ngay từ đầu, DN đã liên kết với nhà trường dạy nghề để “can thiệp sâu” vào quá trình đào tạo. Chẳng hạn, DN cung cấp những kỹ sư giỏi, những thợ bậc cao trực tiếp giảng dạy và nhất là hướng dẫn thực hành cho học viên. Ngoài ra, DN cũng có thể cung cấp máy móc và thiết bị học tập để học sinh có điều kiện thực hành liên tục...

Nghĩa là, DN phải tham gia ít nhất là 40-49% vào tiến trình đào tạo một khóa học nghề. Như thế thì, DN nào tham gia đào tạo chuyên ngành nào sẽ có được những thợ lành nghề của chuyên ngành ấy khi học sinh tốt nghiệp. Và học sinh khi ra trường là có thể làm việc được ngay, rút ngắn hoặc xóa luôn thời gian “tái đào tạo”, không kéo dài thời gian tập sự.

Những ngành không thuộc khối công nghiệp như kế toán vẫn có thể áp dụng mô thức đào tạo kết hợp “hai nhà” này, vì kỹ năng kế toán cũng rất cần thực hành ngay khi đang học; càng thực hành tốt thì khi ra trường càng đỡ lúng túng. Như thế, các trường dạy nghề đã mặc nhiên có sự “góp cổ phần” của các DN, hiệu quả của đào tạo sẽ tăng lên rất nhiều, giảm thiểu tình trạng trường đào tạo một đường, DN yêu cầu một nẻo.

Cần hiểu, yêu cầu của DN về nhân sự chính là yêu cầu xã hội. Kết hợp theo kiểu “doanh nghiệp cổ phần” như trên vừa tốt hơn cho hoạt động đào tạo của nhà trường, vừa đáp ứng được nhu cầu của DN, và lợi ích thiết thực thuộc về người học. Nhưng, cái lợi lớn nhất phải nhắc đến chính là hiệu quả của đầu tư đào tạo. Vậy thì “nhà thứ ba”là Nhà nước không có lý do gì mà đứng ngoài trong chuyện này, mà không ủng hộ một cách thiết thực bằng cách đứng ra điều phối để những mô hình liên kết này hoạt động ngày càng trôi chảy. Mô hình này không chỉ áp dụng cho các trường dạy nghề, mà còn có thể áp dụng cho các trường đại học, các học viện.

Lâu nay, sinh viên mỗi khi tới kỳ đi thực tập thì được nhà trường giới thiệu về các DN, nhà máy, khu công nghiệp. Thực tế, rất nhiều đơn vị kể trên tỏ ra chẳng mặn mà với sinh viên thực tập, dù nhiều khi họ có nhu cầu nhân lực hẳn hoi. Họ thường đối xử với sinh viên thực tập không theo kiểu với những cán bộ hay kỹ sư tương lai cần trau dồi, rèn luyện tay nghề, mà như những cô bé cậu bé chỉ đáp ứng được yêu cầu “sai vặt” những việc chẳng liên quan gì tới chuyên môn. Thực tập như thế, nên khi viết đề án, những kiến thức thực hành mà sinh viên đưa vào bài viết thường là những “kiến thức chết” không mấy hữu ích với họ. Thực hiện được sự liên kết theo mô hình “công ty cổ phần” như trên, chuyện sinh viên đi thực tập sẽ trở thành một công đoạn hữu ích trong quá trình đào tạo, và DN sẽ coi sinh viên thực tập như một lực lượng giàu chất xám mà họ cần cho hoạt động sản xuất của chính mình.

Một trường đại học, một học viện không chỉ đào tạo một ngành nghề. Nếu áp dụng hình thức đào tạo “công ty cổ phần” như trên, mỗi trường, học viện sẽ có nhiều DN góp “cổ phần”. Như thế, những vấn đề của công tác đào tạo lâu nay như điều kiện thực hành, đầu ra... đã không còn nan giải. Các DN cũng yên tâm về hiệu quả đầu tư cho nhân lực của mình khi lao động nhận về vừa có kiến thức, vừa có tay nghề ngay từ đầu, không phải lo “đào tạo lại”. Về phía xã hội, nghịch lý lao động thất nghiệp và thiếu hụt nhân lực song song tồn tại cũng đã được giải quyết phần nào. Vậy là, “công ty cổ phần” liên kết “hai nhà” mà “ba nhà” cùng có lợi! -

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Liên kết "hai nhà": Mô hình công ty "cổ phẩn"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO