Liên kết đào tạo: Nhà nước phải làm “nhạc trưởng”

NGUYỄN KIM (thực hiện)| 27/11/2009 05:57

Khoảng 5 năm trở lại đây, Viện Nghiên cứu Kinh tế phát triển thuộc Đại học Kinh tế TP.HCM đã trở thành một trong những địa chỉ tin cậy để doanh nghiệp tìm đến khi có nhu cầu hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực...

Liên kết đào tạo: Nhà nước phải làm “nhạc trưởng”

Khoảng 5 năm trở lại đây, Viện Nghiên cứu Kinh tế phát triển (IDR) thuộc Đại học Kinh tế TP.HCM đã trở thành một trong những địa chỉ tin cậy để doanh nghiệp (DN) tìm đến khi có nhu cầu hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực. Mô hình “liên kết hai nhà” này đã góp phần rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn trong quá trình đào tạo - một trong những vấn đề bức xúc của ngành giáo dục hiện nay.

Để cùng tìm giải pháp cho vấn đề liên kết đào tạo, DNSG Cuối tháng đã có cuộc trao đổi với Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Đức Hùng - Giám đốc Viện IDR...

* Thưa ông, trong bối cảnh hiện tại, để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, liệu việc liên kết giữa viện nghiên cứu (hoặc trường đại học) với DN có phải là con đường tốt nhất, ngắn nhất?

- Đúng vậy! Một trong những điểm yếu của ngành giáo dục hiện nay là việc đào tạo chưa gắn liền với nhu cầu của xã hội, đặc biệt là nhu cầu của các DN. Hậu quả là sinh viên ra trường khó tìm được việc làm, hoặc phải làm việc không đúng với chuyên môn, và DN thì phải đào tạo lại mới sử dụng được. Để góp phần khắc phục điểm yếu này, IDR đã đóng vai trò làm cầu nối giữa Trường Đại học Kinh tế TP.HCM và DN trong việc liên kết đào tạo.

* Ông đánh giá như thế nào về thực trạng liên kết đào tạo hiện nay?

- Trong những năm gần đây, tại TP.HCM đã có không ít mô hình liên kết được triển khai. Tuy nhiên, ở một số nơi, việc liên kết còn mang tính chắp vá. Sự chắp và mà tôi muốn nói ở đây không chỉ thể hiện ở chương trình giảng dạy, mà còn ở cả đội ngũ giảng viên. Nói gì thì nói, mọi sự thực hành đều phải dựa trên nền tảng khoa học và lý thuyết căn bản. Để tạo ra những mô hình liên kết hiệu quả, bắt buộc phải nâng cao chất lượng về học thuật và các chương trình đào tạo. Mà điều này thì không phải viện nào, trung tâm nào cũng có thể làm được.

* Vậy, đâu là sự khác biệt của IDR so với các mô hình liên kết khác?
- Được thành lập từ năm 2001, IDR có ba chức năng là nghiên cứu ứng dụng, đào tạo - huấn luyện phi chính quy (đào tạo ngắn hạn chuyên sâu cho đội ngũ lãnh đạo của DN) và tư vấn. Việc liên kết với các DN trong hoạt động đào tạo được chúng tôi triển khai từ 5 năm nay. Sự khác biệt của IDR là liên kết đào tạo theo từng địa chỉ. Có nghĩa là tùy theo nhu cầu và đặc thù của từng DN, Viện sẽ thiết kế những chương trình đào tạo riêng cho họ.

Mục tiêu mà chúng tôi đặt ra là việc đào tạo phải linh hoạt, sát với lĩnh vực mà DN đang sản xuất, kinh doanh theo nguyên tắc 20/80 (20% lý thuyết + 80% thực hành). Trong quá trình giảng dạy, ví dụ minh hoạ được mang ra mổ xẻ thường là những vướng mắc cụ thể ở DN. Đề tài tốt nghiệp của học viên cũng tập trung vào “chủ đề” này, để sau khi kết thúc khóa, học họ có thể “hiến kế” cho ban lãnh đạo trong việc giải quyết khó khăn, góp phần gia tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DN mình.

* Nếu đánh giá một cách khách quan về hiệu quả của quá trình liên kết giữa IDR và một số đơn vị như Tín Nghĩa Group, Khu công nghiệp Biên Hòa, Nhà máy đường Tây Ninh... thì ông sẽ nói gì?

- Phản hồi từ ban lãnh đạo các DN rất tích cực. “Bằng chứng” là sau việc liên kết đào tạo, một số DN đã nhờ Viện tư vấn về chiến lược, quy trình quản lý - điều hành. Cũng qua việc liên kết này, một số giảng viên của chúng tôi đã tham gia vào đội ngũ tư vấn của Tín Nghĩa Group. Thực tế cho thấy, việc tổ chức đào tạo theo địa chỉ (tại chỗ) đã giúp DN tiết kiệm cả về thời gian lẫn tiền bạc.

*Theo ông, để tạo ra một mô hình liên kết “hai nhà” hiệu quả, cái khó lớn nhất hiện nay là gì? Làm thế nào để “cung” luôn gặp “cầu”?

- Điều quan trọng nhất và cũng là khó khăn nhất hiện nay là đội ngũ giảng viên. Mô hình liên kết giữa nhà trường và DN đòi hỏi đội ngũ này phải giỏi cả về lý thuyết lẫn kinh nghiệm thực tiễn. Mà muốn vậy thì bên cạnh việc chọn lọc từ các giảng viên chính quy, đơn vị liên kết còn phải mời gọi doanh nhân, nhà quản lý có khả năng sư phạm.

Trong lĩnh vực đào tạo, để “cung” gặp “cầu” thì các bên liên kết phải tin tưởng, thẳng thắn với nhau ngay từ đầu. Về phía DN, phải chia sẻ thông tin với đối tác liên kết một cách cụ thể, cả về khó khăn, yêu cầu lẫn điểm mạnh, điểm yếu của mình. Còn đối tác liên kết phải có kế hoạch khảo sát chi tiết, để từ đó có thể xây dựng những chương trình đào tạo linh hoạt, phù hợp với nhu cầu, đặc trưng của mỗi DN. Mặt khác, các viện nghiên cứu hay các trung tâm, các trường đại học cũng phải biết cách truyền thông về thế mạnh của mình nhằm thu hút sự quan tâm của DN.

* Thế còn vai trò của quản lý Nhà nước thì sao, thưa ông?

- Rất quan trọng, nếu không muốn nói rằng Nhà nước phải đóng vai trò “nhạc trưởng”. Để tránh sự thương mại hóa trong việc liên kết đào tạo, Nhà nước phải có sự quản lý bằng một cơ chế cụ thể được bảo vệ bằng pháp luật, phải chính quy hóa mạng lưới tổ chức liên kết đào tạo.

* Dư luận gần đây rất bức xúc trước sự khuất tất trong việc tuyển sinh của Trường Đại học Phan Thiết. Ông có nhận xét gì về việc này?

- Tôi cũng rất bức xúc! Lỗi ở họ là đương nhiên, nhưng lỗi còn ở cơ quan cấp phép. Sản phẩm giáo dục là một sản phẩm đặc biệt, để tạo ra nó phải có quá trình chứ không thể chạy theo phong trào hay chụp giựt được.

* Theo ông, việc “địa phương hóa đại học” có phải là một hướng đi đúng của ngành giáo dục Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, và lâu dài?

- Đây là một hướng đi không tốt, không phù hợp với Việt Nam và xu thế hội nhập; cần được chấn chỉnh lại bằng một chiến lược cụ thể và căn cơ.

* Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Liên kết đào tạo: Nhà nước phải làm “nhạc trưởng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO