JICA: Việt Nam thiếu kỹ thuật viên lành nghề

05/11/2014 05:07

Theo một cuộc điều tra gần đây của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) với hơn 100 doanh nghiệp Nhật Bản, 80% doanh nghiệp được hỏi cho biết họ khó có thể tuyển dụng được kỹ thuật viên lành nghề và đến 89% cho rằng họ sẽ vẫn phải đối mặt với tình trạng này trong tương lai.

 JICA: Việt Nam thiếu kỹ thuật viên lành nghề

Theo một cuộc điều tra gần đây của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) với hơn 100 doanh nghiệp Nhật Bản, 80% doanh nghiệp được hỏi cho biết họ khó có thể tuyển dụng được kỹ thuật viên lành nghề và đến 89% cho rằng họ sẽ vẫn phải đối mặt với tình trạng này trong tương lai.

Trong buổi hội thảo “Thúc đẩy mối quan hệ đối tác ba bên để giải quyết vấn đề khập khiễng về kỹ năng” diễn ra sáng nay 4-11 tại Hà Nội, ông Junichi Mori, Tư vấn của JICA cho rằng, Việt Nam đã và đang tăng trưởng nhờ tận dụng dòng vốn FDI ồ ạt do bị hấp dẫn bởi lực lượng công nhân sản xuất tốt với mức lương rẻ. Tuy nhiên, để có thể tiến tới giai đoạn công nghiệp hóa tiếp theo, Việt Nam cần có nguồn nhân lực kỹ thuật cao như các kỹ thuật viên lành nghề, các nhà quản lý dây chuyền sản xuất và các kỹ sư sản xuất giỏi - nguồn nhân lực có thể cải thiện chất lượng sản phẩm và vận hành sản xuất ở Nhật Bản gọi là monozukuri.

Song theo JICA, các doanh nghiệp hiện nay không thể tìm được lao động cho các vị trí như vậy do sự thiếu hụt các ứng viên có năng lực.

Theo một cuộc khảo sát gần đây của Ngân hàng Thế giới, trên 80% doanh nghiệp trả lời rằng các ứng cử viên cho vị trí kỹ thuật viên đều thiếu các kỹ năng cần thiết; 40% trả lời chất lượng đào tạo nghề là một sự trở ngại lớn; nhiều lao động có chứng chỉ nghề nhưng không hoàn toàn thạo việc.

“Dường như có sự khập khiễng trong quá trình đào tạo nghề khi các doanh nghiệp đang khát lao động như cán bộ quản lý, kỹ sư và kỹ thuật viên nhưng các đơn vị đào tạo nghề, đơn vị cung cấp, lại không theo kịp nhu cầu đối với các nghề này” – ông Junichi Mori nói.

Cần có quan hệ liên kết giữa cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp

Điều này, theo JICA, là do năng lực hạn chế của các cơ sở dạy nghề và sự thiếu hiểu biết của họ về nhu cầu kỹ năng của ngành công nghiệp.

Song bản thân các cơ sở dạy nghề cũng có những khó khăn riêng của họ trong việc nắm bắt nhu cầu kỹ năng của từng ngành công nghiệp.

“Nhiều cơ sở dạy nghề không có năng lực thu thập và phân tích thông tin toàn diện về nhu cầu kỹ năng cụ thể. Đồng thời, không phải tất cả các doanh nghiệp đều có thể cung cấp phản hồi đầy đủ về nhu cầu kỹ năng của họ cho các cơ sở dạy nghề” – ông Junichi Mori nói.

Đặc biệt, ông Junichi Mori cho hay, xã hội Việt Nam có xu hướng đánh giá cao các nhà quản lý và các kỹ sư làm việc tại văn phòng hơn là các kỹ thuật viên làm việc tại xưởng sản xuất.

“Các sinh viên tốt nghiệp các trường nghề được xếp rất thấp dưới các sinh viên tốt nghiệp đại học và cao đẳng chuyên nghiệp. Hơn nữa, họ thậm chí còn có thể bị xếp vào cùng nhóm với học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học. Chính vì vậy, tham gia các chương trình đào tạo nghề luôn là lựa chọn cuối cùng của thanh niên” – ông Junichi Mori nhấn mạnh.

Theo đó, JICA đề xuất các cơ sở dạy nghề nên chủ động xác định nhu cầu kỹ năng của các doanh nghiệp đóng tại địa bàn. Về phía mình, doanh nghiệp nên duy trì kênh giao tiếp mở với các cơ sở dạy nghề.

Chính phủ cũng nên ban hành những hỗ trợ chính sách để khuyến khích quan hệ đối tác giữa các cơ sở dạy nghề và ngành công nghiệp.

Về sự phát triển của hệ thống đánh giá kỹ năng, Chính phủ nên giữ vai trò chủ đạo vì không có đối tác nào khác có thể quản lý việc phát triển và tiến hành hệ thống này trên toàn quốc.

Hơn nữa, các chính sách kỹ năng nên không chỉ tập trung cải thiện bên cung kỹ năng mà còn khuyến khích cầu kỹ năng trong sự phối hợp chặt chẽ với các chính sách công nghiệp. “Tăng cung kỹ năng sẽ không đóng góp cho sự phát triển kinh tế và công nghiệp hoá, trừ khi các kỹ năng được ngành công nghiệp hấp thụ và sử dụng” – ông Junichi Mori nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
JICA: Việt Nam thiếu kỹ thuật viên lành nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO