Giải pháp để nâng cao hiệu quả cạnh tranh

VŨ THÀNH ĐẠT| 25/04/2011 09:17

Trước áp lực hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam bộc lộ rất rõ những điểm yếu của mình: chất lượng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ không có tính đồng đều, chi phí đầu vào cao, năng lực quản trị kém và khả năng đáp ứng nhu cầu của thị trường còn hạn chế.

Giải pháp để nâng cao hiệu quả cạnh tranh

Trước áp lực hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam bộc lộ rất rõ những điểm yếu của mình: chất lượng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ không có tính đồng đều, chi phí đầu vào cao, năng lực quản trị kém và khả năng đáp ứng nhu cầu của thị trường còn hạn chế. Để tồn tại và nâng cao hiệu quả cạnh tranh, hầu hết các chủ doanh nghiệp đều hiểu rằng phải thay đổi theo chiều hướng chủ động “cải tổ” - tức tái cấu trúc doanh nghiệp.

Từ áp lực khách quan...

Tái cấu trúc doanh nghiệp là quá trình khảo sát, đánh giá lại cấu trúc hiện tại và đề xuất giải pháp cho mô hình cấu trúc mới, nhằm thực hiện những mục tiêu đề ra trong những điều kiện, hoàn cảnh luôn thay đổi. Mục tiêu chung của tái cấu trúc là đạt được một “thể trạng” tốt hơn để hoạt động hiệu quả dựa trên những nền tảng về sứ mệnh, tầm nhìn, định hướng chiến lược sẵn có của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, tái cấu trúc có thể chỉ nhằm đạt được sự cải tiến về quy trình vận hành ở một mảng nào đó trong tổ chức, doanh nghiệp.

Nói cách khác, bản chất của tái cấu trúc doanh nghiệp là để nâng cao hiệu quả cạnh tranh và hướng tới sự phát triển bền vững. Chính vì vậy, tái cấu trúc doanh nghiệp phải được thực hiện thường xuyên, nếu không, tình trạng mất cân bằng của hệ thống có thế xảy ra bất cứ lúc nào.

Theo Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam năm 2010 (do Phòng Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện, được công bố hồi cuối tháng 3/2011), môi trường kinh doanh năm 2010 của Việt Nam đã tiến 10 bậc so với năm 2009, xếp thứ 78/183 nước và đứng thứ 4 trong 10 nền kinh tế cải cách nhiều nhất về mức độ thuận lợi cho kinh doanh, với những thành tựu nổi bật như tốc độ tăng trưởng GDP cao 6,78%, kim ngạch xuất khẩu tăng 25,5% so với năm 2009...

Tuy nhiên, năm 2010, tại Việt Nam vẫn tồn tại những rào cản nhất định gây tác động xấu đến việc tái cấu trúc doanh nghiệp nói riêng, tái cấu trúc nền kinh tế quốc dân nói chung.

Đó là tình trạng lãi suất ngân hàng luôn ở mức cao, cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất còn nhiều bất cập, lạm phát vẫn ở mức cao. Bên cạnh đó, mặt bằng giá cũng tăng cao ngay trong quý I/2011...

Trong dư chấn của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp tư nhân đã tỏ rõ sự linh hoạt của mình. Họ đã mạnh dạn tái cấu trúc doanh nghiệp, bỏ tập quán cũ - mô hình quản trị gia đình, để chuyển sang mô hình quản trị hiện đại như cổ phần, sáp nhập, liên doanh...

Và trong quá trình tái cấu trúc ấy, các doanh nghiệp Việt Nam đã tập trung nhiều nhất vào việc tăng chất lượng và giá trị sản phẩm, tăng năng suất lao động. Trước các xu hướng và tình hình chỉ số kinh doanh năm 2010 - 2011, vấn đề được doanh nghiệp quan tâm là đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ để nâng cao hiệu quả của hoạt động tái cấu trúc doanh nghiệp.

Đến nhu cầu tự thân

Một chương trình tái cấu trúc toàn diện sẽ bao trùm hầu hết các lĩnh vực như cơ cấu tổ chức, nguồn nhân lực, cơ chế quản lý, điều hành; các hoạt động và các quá trình; các nguồn lực khác của doanh nghiệp. Tái cấu trúc cũng có thể được triển khai “cục bộ” tại một hay một số mảng của doanh nghiệp (chẳng hạn tài chính, nhân sự, bán hàng, sản xuất...) nhằm đạt mục tiêu là nâng cao “thể trạng” của bộ phận đó.

Xét về quy trình, tái cấu trúc doanh nghiệp gồm các bước chính là: rà soát, chẩn đoán hiện trạng; xây dựng, thống nhất các giải pháp và lộ trình triển khai; xây dựng các chính sách và quy chế trên cơ sở giải pháp đã vạch ra; đào tạo, tập huấn và tiến hành lộ trình triển khai giải pháp; đánh giá kết quả.

Từ các vấn đề cụ thể của doanh nghiệp, việc tái cấu trúc sẽ nhấn mạnh vào một hoặc một số yếu tố căn bản. Chẳng hạn: xây dựng hoặc điều chỉnh chiến lược kinh doanh; phát triển kỹ năng mới, tạo sự tìm tòi và đổi mới trong nội bộ; xác định lại phương pháp vận hành; xác lập lại mục tiêu, nhiệm vụ của các phòng ban, giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn...

Xét cho cùng, việc tái cấu trúc luôn xuất phát từ nhu cầu tự thân của doanh nghiệp. Khi phát triển đến một quy mô nhất định, hoặc khi tình hình thị trường không còn thuận lợi, các chủ doanh nghiệp sẽ gặp khókhăn trong việc quản lý. Thực tế này tạo ra sức ép, khiến họ phải thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp tổng thể hay từng phần.

Theo con số thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khu vực kinh tế tư nhân hiện chiếm 24% tổng giá trị sản xuất công nghiệp, 11% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và sử dụng khoảng 7% lực lượng của cả nền kinh tế.

Do trình độ khoa học công nghệ, tầm nhìn chiến lược, nguồn nhân lực, mô hình quản trị và khả năng tích lũy vốn còn hạn chế, nên khi gặp sự cạnh tranh gay gắt từ các thành phần kinh tế mạnh hơn, đa phần các doanh nghiệp tư nhân thường bị thất thế và để vuột mất thị phần.

Thực tế cho thấy, quyết định tái cấu trúc doanh nghiệp đã vực dậy thành công không ít công ty đang mấp mé bên bờ phá sản.

Tái cấu trúc doanh nghiệp phải bắt đầu từ việc xây dựng định hướng, tầm nhìn ít nhất là 5 - 10 năm.

Năm sai lầm trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp:
- Làm theo phong trào
- Dùng một bài thuốc cho mọi căn bệnh
- Thiếu phương pháp và kế hoạch
- Quá nôn nóng
- Chưa chuẩn bị tinh thần cho nhân viên về một cuộc thay đổi.

Để quá trình tái cấu trúc diễn ra suôn sẻ và hiệu quả, trước hết phải bắt đầu từ nhận thức và quyết tâm của người chủ doanh nghiệp. Nhưng, nếu chỉ dừng lại ở đó thì chưa đủ.

Nhận thức ấy, quyết tâm ấy phải được chuyển tải đến từng phòng ban, từng con người cụ thể, nhất là đội ngũ quản lý trung gian, vì chỉ khi nào nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của việc tái cấu trúc thì họ mới mạnh dạn áp dụng và động viên cấp dưới làm theo.

Hơn ai hết, người chủ doanh nghiệp phải có kế hoạch đào tạo và tái đào tạo nhân viên.

Mặt khác, tái cấu trúc doanh nghiệp không phải là chuyện một sớm một chiều, và sự thay đổi sau tái cấu trúc sẽ diễn ra ở nhiều khía cạnh như tổ chức, quản lý, thị trường, lao động...

Chính vì vậy, doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn tâm lý cho người lao động, tránh để họ bị sốc khi bị thuyên chuyển công việc hoặc được yêu cầu phải thay đổi để phù hợp với hoàn cảnh mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giải pháp để nâng cao hiệu quả cạnh tranh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO