Cần bổ sung Luật Lao động?

HẢI ÂU - Ý NHI| 15/05/2012 00:57

Nhằm bảo vệ cả người lao động lẫn doanh nghiệp thì việc có những quy định pháp luật thực thi các thỏa thuận lao động là điều rất cần thiết.

Cần bổ sung Luật Lao động?

Sự việc Tập đoàn Hoa Sen và ông Phạm Văn Trung (cựu CEO của Tôn Hoa Sen) khởi kiện lẫn nhau do chưa có kết quả cụ thể từ tòa án nên vẫn còn gây nhiều tranh cãi trong dư luận. Nhằm tránh các tranh chấp tương tự, bảo vệ cả người lao động lẫn doanh nghiệp (DN) thì việc có những quy định pháp luật thực thi các thỏa thuận lao động là điều rất cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh DN cần nâng cao chuỗi giá trị và phát triển nền kinh tế tri thức, áp dụng các thông lệ luật quốc tế. 

Đọc E-paper

>>Nội bộ lình xình, cổ phiếu vẫn tăng giá mạnh
>>Cáp to không cột được tiền

Để có cái nhìn toàn diện hơn về vụ việc Doanh Nhân Sài Gòn ghi nhận ý kiến của các luật sư cũng như lãnh đạo các DN trong và ngoài nước:

* Ông Lương Văn Lý - Trưởng bộ phận Đầu tư - Thương mại Văn phòng Luật sư VLT Lawyers: Phải ký kết hợp đồng bảo mật thông tin công ty và cam kết cần thiết.



- Tôi cho rằng, cam kết của ông Phạm Văn Trung với Hoa Sen là cam kết có tính pháp lý. Vì vậy, khi ông Trung vi phạm cam kết, phía Hoa Sen có thể khởi kiện ông Trung theo Luật Dân sự (cam kết này được xem là án dân sự).

Trong trường hợp Hoa Sen chứng minh được ông Trung tiết lộ bí mật hoặc chiến lược kinh doanh của Hoa Sen cho công ty đối thủ, gây tổn thất cho Hoa Sen, thì luật sẽ buộc tội ông Trung. Riêng trường hợp Hoa Sen yêu cầu công ty đối thủ là Nam Kim phải ngừng hợp đồng lao động với ông Trung là không đúng.

Tuy nhiên, trong khi tòa án thụ lý vụ kiện, Hoa Sen có thể đề nghị tòa án yêu cầu ông Trung không được đi làm ở công ty đối thủ. Với DN, tôi cho rằng đây cũng là bài học kinh nghiệm.

Khi nhận nhân sự bổ nhiệm vào vị trí cấp cao, nhất thiết phải ký kết hợp đồng bảo mật thông tin công ty và cam kết cần thiết. Các điều khoản trong cam kết tuy chưa đưa vào Luật Doanh nghiệp, nhưng vẫn đủ tính pháp lý về mặt dân sự.

* Luật sư Nguyễn Hữu Phước - Công ty Luật Phước và Các cộng sự: Cần bổ sung quy định về nghĩa vụ của nhân sự cấp cao.



- Trong hợp đồng lao động ký giữa các công ty đa quốc gia với các nhân sự cấp cao, ngoài các điều khoản như lương, trợ cấp, nhân sự này còn được quyền mua cổ phiếu của công ty tại Việt Nam hay công ty mẹ ở nước ngoài với giá ưu đãi, được thưởng theo thành tích kinh doanh của công ty, được hưởng bảo hiểm y tế cho bản thân và gia đình trên toàn cầu...

Đối với trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động, công ty thường yêu cầu nhân sự cấp cao phải ký một bản giao công việc (exit form). Trong đó, ngoài việc xác nhận công ty đã nhận lại các tài sản đã giao cho nhân sự cấp cao sử dụng trước đây, bên sử dụng lao động cũng nêu rõ là đã thanh toán đầy đủ các khoản tài chính thuộc nghĩa vụ của họ.

Đồng thời, nêu rõ hai bên sẽ không còn tranh chấp, kiện tụng gì nhau sau này nữa (liên quan đến hợp đồng lao động đã ký). Trong một số trường hợp, công ty cũng nêu rõ, nhân sự cao cấp không được làm việc cho đối thủ cạnh tranh, không được cung cấp thông tin mật của công ty cho bên thứ ba, không được lôi kéo nhân viên dưới quyền đi làm việc cho một bên thứ ba khác.

Bộ Luật Lao động hiện hành không có điều khoản nào cấm nhân sự cấp cao không được làm việc cho một công ty khác cùng ngành. Việc bổ sung các quy định về nghĩa vụ của nhân sự cấp cao khi nghỉ việc tại công ty cũ là rất cần thiết vì các nhân sự này có trách nhiệm rất cao đối với công ty cũ, nắm nhiều thông tin mật, nhạy cảm của công ty.

Nếu không có những cam kết ràng buộc đối với họ thì các thông tin của công ty cũ có thể dễ dàng bị rò rỉ ra ngoài cho các bên cạnh tranh trực tiếp và có thể gây bất lợi nghiêm trọng cho việc kinh doanh của công ty cũ.

* Ông Võ Minh Nhựt - Tổng giám đốc Công ty TNHH BlueScope Steel Việt Nam: Thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động “hóa giải” những xung đột trong tương lai.



- Tại các công ty đa quốc gia, nhiệm kỳ của nhân sự cấp cao thường từ 3-5 năm. Sau đó, họ có thể được luân chuyển sang một quốc gia khác nhằm tạo cơ hội phát triển cho người lao động cũng như mở ra cơ hội cho những nhân viên cấp dưới.

Dù là công ty đa quốc gia, nhưng đối với vấn đề nhân sự, họ thường tuân thủ theo quy định của Luật Lao động ở nước sở tại. Nhưng với các vị trí cao cấp, công ty thường có “thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động”, nhằm tránh những xung đột có thể xảy ra trong tương lai.

Việc nhân sự cấp cao có quyền đi làm ở một công ty khác trong cùng ngành (sau khi nghỉ việc ở công ty cũ) hay không lại tùy thuộc vào cam kết của họ với công ty cũ. Thời gian cam kết giữa người lao động và bên sử dụng lao động ở các công ty thường khác nhau.

Thông thường, các tập đoàn đa quốc gia tại khu vực Đông Nam Á có thể yêu cầu thời hạn 6 tháng, nhưng ở Mỹ thường là 2 năm. Khoảng thời gian này càng lâu thì khoản trợ cấp lương khi chấm dứt hợp đồng cũng sẽ lớn tương ứng để đảm bảo sự công bằng cho người lao động.

* Luật sư Frederick R. Burke - Công ty Luật Baker & McKenzie: Thỏa thuận lao động cần có quy định pháp luật để bảo vệ.



- Chúng tôi không có cơ hội xem hợp đồng cụ thể giữa Hoa Sen Group và ông cựu CEO của họ. Nghe nói hợp đồng gồm một điều khoản không gây tranh cãi (là những cam kết, thỏa thuận trong hợp đồng lao động giữa công ty với nhân sự cấp cao, khi xảy ra vấn đề gì, họ chỉ cần dựa trên những cam kết đã ký để giải quyết).

Những “thỏa thuận không gây tranh cãi” thường áp dụng với các nhân sự cấp cao, công việc của họ liên quan đến bí mật kinh doanh và các thông tin có giá trị khác của công ty. Theo đó, quy định rằng, trong trường hợp thay đổi công việc, nhân sự cấp cao không được làm việc cho công ty đối thủ hoặc thành lập doanh nghiệp riêng. Thông thường là từ 2-3 năm và chỉ quy định trong một thị trường nào đó.

Tại các quốc gia đang phát triển, họ có hệ thống pháp luật để thực thi và ràng buộc những quy định này. Đây là một yếu tố cần thiết đối với những công ty có bí quyết hoặc công nghệ (thường là những công ty lớn), bởi vì điều đó làm cho các nhà đầu tư tin tưởng công ty mà họ đang đầu tư với bí quyết hoặc công nghệ riêng ấy được pháp luật bảo vệ.

Dù pháp luật thường giới hạn khả năng (thời gian và trong một vài trường hợp là không gian địa lý) của các nhân sự áp dụng “thỏa thuận không gây tranh cãi”, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc toàn bộ cuộc sống của nhân sự đó sẽ bị can thiệp.

Việt Nam không có quy định cụ thể hỗ trợ các “thỏa thuận không gây tranh cãi” như trên. Tôi nghĩ, việc có những quy định pháp luật thực thi các thỏa thuận là điều cần thiết để có thể nâng cao chuỗi giá trị và phát triển nền kinh tế tri thức, vì nhân viên sẽ không tiết lộ các bí mật kinh doanh và giá trị của công ty.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cần bổ sung Luật Lao động?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO