Virgin Australia: Hãng hàng không châu Á đầu tiên trên đà phá sản vì Covid-19

Khởi Vũ| 22/04/2020 06:15

Tại hầu hết quốc gia, chính phủ liên bang đã và đang can thiệp để cứu các hãng hàng không trong một cuộc khủng hoảng chưa từng có với ngành. Đáng buồn thay, điều này đã không xảy ra tại Australia", tỷ phú Richard Branson - nhà sáng lập của Virgin Australia, nói.

Virgin Australia: Hãng hàng không châu Á đầu tiên trên đà phá sản vì Covid-19

Virgin Australia - hãng hàng không lớn thứ nhì tại Australia với 31% thị phần vào ngày 21/4/2020 đã bắt đầu thủ tục tuyên bố phá sản tự nguyện, sau khi bị chính phủ từ chối hỗ trợ tài chính để giúp giải quyết số nợ lên tới hơn 5 tỷ AUD (3,2 tỷ USD). Được biết, Virgin Australia là hãng tiếp theo sau FlyBe - hãng hàng không nội địa lớn nhất nước Anh bị Covid-19 cho 'hạ cánh cứng'.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành trên toàn thế giới khiến gần như toàn bộ chuyến bay của các hãng hàng không nói chung và Virgin Australia nói riêng bị huỷ, hãng hàng không này suốt thời gian qua đã nhiều lần đề nghị chính phủ Australia cho vay 1,4 tỷ AUD để giúp hoạt động cầm chừng và duy trì một số đường bay quan trọng nhất. 

Trong lần xin hỗ trợ gần đây nhất, Virgin Australia đã đề nghị chính phủ Australia cho vay 200 triệu AUD để giúp hãng hoạt động trong 2 tuần. Tuy nhiên, giống như những lần trước, hãng hàng không cũng chỉ có thể nhận lấy cái 'lắc đầu' từ phía chính phủ.

Thêm vào đó, tỷ phú Richard Branson - nhà sáng lập Tập đoàn Virgin, vào ngày 20/4 cũng kêu gọi chính phủ Australia và Anh hỗ trợ tài chính để cứu Virgin Australia và Virgin Atlantic. "Nếu Virgin Australia biến mất, sẽ chỉ còn Qantas thống trị bầu trời Australia", Branson nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Tài chính Australia Mathias Cormann, việc sử dụng 1,4 tỷ AUD từ tiền thuế của dân "để trợ giúp cho một doanh nghiệp (DN) lớn" như Virgin Australia là "không phù hợp", và hành động đó "sẽ tạo tiền lệ không tốt cho nền kinh tế Australia".

"Chính phủ không phải là DN sở hữu 1 hãng hàng không. Nhưng chúng tôi muốn thấy 2 hãng hàng không tiếp tục hoạt động, và chúng tôi tin rằng có cơ hội để điều đó xảy ra", ông Cormann nói với ABC News Breakfast.

Quầy thủ tục của hãng Virgin Australia trống trải vì lệnh cấm di chuyển tại Úc. (Ảnh: BBC)

Quầy thủ tục của Virgin Australia trống trải vì lệnh cấm di chuyển tại Australia. Ảnh: BBC

Được biết, Virgin Australia đến ngày 21/4 cho biết, đã "bắt đầu thủ tục tuyên bố phá sản tự nguyện" và chỉ định 4 chuyên gia thuộc Công ty kiểm toán Deloitte thay ban giám đốc tiếp quản việc điều hành, để tìm kiếm các phương án thay thế, nhằm đưa hãng ra khỏi tình thế hiện tại càng sớm càng tốt.

Theo đó, HĐQT của Virgin Australia đã bổ nhiệm Vaughan Strawbridge, John Greig, Sal Algeri và Richard Hughes thuộc Deloitte làm các Ủy viên Quản trị của hãng và một số công ty con khác. Bộ tứ này sẽ nỗ lực tái cấp vốn, nhằm giúp DN vươn lên "một vị trí mạnh mẽ hơn sau cuộc khủng hoảng Covid-19".

Các Ủy viên Quản trị mới của Virgin Australia cùng ngày cho biết, đã có hơn 10 bên phát tín hiệu "rất quan tâm" đến việc cứu hãng hàng không này, sau thông tin hãng sẽ kiên trì vận hành các đường bay cần thiết trong thời gian tới. Nếu việc di chuyển của người dân Australia sớm được nối lại, và các chuyên gia giải quyết được bài toán tài chính, thì nhiều khả năng hãng sẽ có hy vọng; còn nếu không, thì Virgin Australia sẽ chỉ còn là một cái tên nhiều kỷ niệm với người dân Australia.

Trong một thư ngỏ gửi đến toàn thể nhân viên Virgin Australia, tỷ phú Richard Branson nói ông "rất tự hào" về các nhân viên của hãng. Nhận định đây không phải hồi kết của Virgin Australia mà là một khởi đầu mới, vị doanh nhân người Anh hứa sẽ cùng mọi người làm việc đêm ngày để cứu lấy hãng hàng không.

"Tôi biết tin tức ngày hôm nay đau buồn như thế nào đối với tất cả các bạn. Tại hầu hết quốc gia, chính phủ liên bang đã và đang can thiệp để cứu các hãng hàng không trong một cuộc khủng hoảng chưa từng có đối với ngành. Đáng buồn thay, điều này đã không xảy ra tại Australia", Branson viết

Doanh nhân, tỷ phú Richard Branson và các nhân viên Virgin Australia. Ảnh: Getty Images

Doanh nhân, tỷ phú Richard Branson và các nhân viên Virgin Australia. Ảnh: Getty Images

Virgin Australia đồng thời đã phát đi một thông cáo nhằm trấn an các khách hàng sau tin tức bắt đầu thủ tục phá sản tự nguyện. "Xin hãy yên tâm, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục vận hành các chuyến bay theo lịch trình như bình thường, điều này giúp chuyên chở các công nhân thiết yếu, duy trì các hành lang vận chuyển hàng hóa quan trọng, và đưa người Australia về nhà. Virgin Australia đã là một phần quan trọng của Australia trong 20 năm và chúng tôi quyết tâm tiếp tục bay trong tương lai", thông cáo viết.

Đến thời điểm hiện tại, Virgin Australia đã cho 80% trong số 10.000 nhân viên nghỉ việc. Trước khi Covid-19 bùng phát hãng có 41 đường bay tới các thành phố lớn và vùng nông thôn, đóng góp 11 tỷ AUD/năm cho nền kinh tế Australia. Do đó, khi Virgin Australia đối mặt với nguy cơ phá sản, dư luận Australia cũng lo lắng cho số phận của 16.000 người lao động, cũng như sự sụt giảm tính cạnh tranh trên thị trường, có thể khiến cho giá vé máy bay tăng chóng mặt.

Trong một diễn biến khác, tỷ phú Richard Branson cùng ngày cũng đã thế chấp một hòn đảo riêng ở biển Carribean, kêu gọi chính phủ Anh hỗ trợ khi hãng hàng không Virgin Atlantic của ông khó có thể sống sót qua mùa dịch Covid-19.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Virgin Australia: Hãng hàng không châu Á đầu tiên trên đà phá sản vì Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO