Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á nghiên cứu phát triển tiền số

Bảo Quân| 01/06/2021 06:00

Sở hữu mọi chức năng như tiền giấy, Rupiah CBDC sẽ là đồng tiền số đầu tiên tại Indonesia.

Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á nghiên cứu phát triển tiền số

BoI đã thực hiện nhiều nghiên cứu để đánh giá tiềm năng và lợi ích của Rupiah CBDC. Ảnh: The Jakarta Post

Ngân hàng Trung ương Indonesia (BoI) đang bắt tay nghiên cứu phát triển đồng tiền kỹ thuật số đầu tiên tại nước này, với tên gọi Rupiah CBDC. Theo thông tin đăng trên Instagram, BoI sẽ phát hành Rupiah CBDC để sử dụng vào tương lai gần, trong bối cảnh các nền kinh tế trên thế giới thúc đẩy tiến trình số hóa.

BoI cho biết, đồng tiền số sẽ có mọi chức năng như tiền giấy hiện tại. Đồng thời, ngân hàng trung ương của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á khẳng định sẽ kiểm soát đồng tiền số này, và có thể tăng hoặc giảm nguồn cung để phù hợp với các mục tiêu kinh tế của Indonesia.

Trước đó, BoI đã tiến hành nhiều cuộc nghiên cứu để đánh giá tiềm năng và lợi ích của Rupiah CBDC. Các nghiên cứu bao gồm việc thiết kế tiền, công nghệ liên quan đến lĩnh vực tiền số và các biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro trong quá trình sử dụng đồng tiền này.

Vào tháng 2 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng trung ương Indonesia Warjiyo cũng đã hé mở về kế hoạch phát hành tiền số tại Indonesia: "Chúng tôi sẽ phát hành tiền kỹ thuật số của Ngân hàng trung ương và sẽ lưu hành với các ngân hàng và các công ty tài chính kỹ thuật số Fintech", ông Warjiyo nói.

Để thực hiện kế hoạch này, BoI sẽ phối hợp với các ngân hàng trung ương khác. Nếu được phát hành chính thức, Rupiah CBDC là sẽ là đồng tiền số đầu tiên tại Indonesia. Đến nay, BoI chỉ mới công nhận đồng rupiah là đồng tiền duy nhất có giá trị cho cả giao dịch tiền mặt và giao dịch chuyển khoản.

Nhận xét về việc Indonesia nghiên cứu phát triển tiền số, nhà kinh tế Rendy Manilet thuộc Trung tâm Cải cách Kinh tế (CORE) cho rằng, BoI cần đề ra các rủi ro tiềm ẩn trước khi chính thức phát hành đồng tiền này, do người dân vẫn còn rất lạ lẫm với các loại tiền số.

Theo vị chuyên gia kinh tế, BoI nên tăng cường phối hợp với các bên liên quan như Bộ Truyền thông và Công nghệ Thông tin, cùng các nhà khai thác viễn thông, nhằm đảm bảo phân phối đồng đều cơ sở hạ tầng công nghệ số. Giới chuyên gia cũng cho rằng, BoI cần phối hợp chặt chẽ với các ngành tài chính khác như Cơ quan Dịch vụ Tài chính (OJK) và Bộ Tài chính Indonesia để theo dõi, giám sát đối với việc ứng dụng tiền số trước khi ban hành quyết định này.

Tại Indonesia, Bitcoin và vàng kỹ thuật số đã chính thức được giao dịch từ năm 2019. Tính đến nay, Cơ quan quản lý giao dịch hàng hóa tương lai (CoFTRA) đã ban hành tổng cộng bốn quy định liên quan đến tiền số và vàng kỹ thuật số.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á nghiên cứu phát triển tiền số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO