Lợi suất âm ngày càng lan rộng

Lê Phan| 13/12/2020 04:23

Xu hướng lợi suất âm ngày càng trở nên phổ biến, khi mới đây đến lượt Trung Quốc phát hành thành công trái phiếu đồng euro. Vì sao các nhà đầu tư vẫn chấp nhận chịu thiệt như vậy và Trung Quốc có ý gì khi phát hành trái phiếu bằng đồng euro trong thời gian gần đây?

Lợi suất âm ngày càng phổ biến

Trung Quốc gần đây ghi nhận lần đầu tiên phát hành lãi suất trái phiếu âm, dù vậy vẫn thu được nhiều nhà đầu tư tham gia. Cụ thể nước này đã phát hành các trái phiếu kỳ hạn 5 năm với mức lợi suất âm 0,152%, kỳ hạn 10 năm và 15 năm cũng dưới 1%, thu về 4 tỷ euro, tương đương 4,74 tỷ USD. Đây cũng là lần thứ ba Trung Quốc phát hành trái phiếu quốc tế trong vòng một năm trở lại đây, sau lần phát hành trái phiếu bằng đồng euro vào tháng 11 năm ngoái và gần đây hơn là vào tháng 10. 

Nếu như đợt phát hành thành công 6 tỷ USD cách đây hai tháng đã thu hút cả các nhà đầu tư Mỹ, thì đợt phát hành lần này chủ yếu là các tổ chức đến từ châu Âu khi chiếm 85% đợt mua trái phiếu kỳ hạn 15 năm và 2/3 trái phiếu có kỳ hạn ngắn hơn, khi mà Chính phủ Mỹ đang có nhiều chính sách hạn chế dòng tiền của nhà đầu tư Mỹ rót vào Trung Quốc. Về phần mình, Trung Quốc năm qua đã có hai lần phát hành trái phiếu bằng đồng euro, cho thấy nước này đang muốn giảm phụ thuộc vào Mỹ và thị trường bằng đô la Mỹ.

Trung Quốc lần đầu tiên phát hành thành công trái phiếu lợi suất âm bằng đồng euro

Trung Quốc lần đầu tiên phát hành thành công trái phiếu lợi suất âm bằng đồng euro

Có nhiều lý do đứng sau đợt phát hành thành công với lợi suất âm vừa qua của Bắc Kinh. Đầu tiên là nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi với tốc độ nhanh hơn Mỹ và châu Âu, bất chấp nước này là quốc gia đầu tiên chịu thiệt hại nặng nề bởi đại dịch Covid-19 và những ảnh hưởng còn tồn tại dai dẳng cho đến nay. Các số liệu kinh tế gần đây của nước này đang thể hiện đà đi lên tích cực, cho thấy nền kinh tế số hai thế giới vẫn có thể đạt tăng trưởng dương trong năm nay.

Thứ hai là trong bối cảnh lãi suất tại khu vực châu Âu đang ở mức thấp nhất trong lịch sử, các nhà đầu tư châu Âu có động lực để rót tiền mua trái phiếu Trung Quốc, vốn có lợi suất cao hơn trái phiếu tại châu Âu - nơi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã giảm lãi suất xuống thấp kỷ lục và bơm hơn 1.000 tỷ euro vào thị trường tài chính để xoa dịu tác động từ đại dịch.

Thực tế lãi suất âm không còn là điều quá hiếm hoi trong tình hình nền kinh tế toàn cầu hiện nay. Đơn cử như lợi suất trái phiếu kỳ hạn 5 năm của Đức âm đến 0,7%%. Ở kỳ hạn 10 năm, Đức và Thụy Sĩ cùng âm 0,56%, Hà Lan âm 0,47%. Tại châu Á, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2-5 năm của Nhật cũng âm từ 0,11- 0,13%.  

Lợi ích gì từ lợi suất âm?

Cần biết rằng lợi suất (yield) âm không đồng nghĩa với lãi suất (interest rate) âm. Thực tế những trái phiếu này vẫn đang được trả lãi suất định kỳ (coupon) dương, theo đó nhà đầu tư vẫn nhận được dòng tiền trả lãi cố định hằng năm. Tuy nhiên, do nhà đầu tư chấp nhận mua trái phiếu với giá cao hơn mệnh giá và cả số tiền lãi mà trái chủ trả trong suốt thời gian nắm giữ trái phiếu, nên về mặt tài chính nhà đầu tư đang bị lỗ khi lợi ích nhận được thấp hơn chi phí bỏ ra, do đó trái phiếu được xem là lợi suất âm.

Nhưng vì sao các nhà đầu tư lại chấp nhận phương án đầu tư không có lợi như vậy? 

Thứ nhất là vì họ kỳ vọng những đợt phát hành trái phiếu sau sẽ còn có lợi suất thấp hơn nữa, khi đó những trái phiếu phát hành trước đó dù có lợi suất thấp nhưng cũng sẽ được lợi tăng giá trên thị trường thứ cấp, và nhà đầu tư nếu bán ra sẽ hiện thực hóa lợi nhuận. Vì vậy, nhiều người mua trái phiếu lợi suất âm chỉ vì họ dự đoán có khả năng lợi suất sẽ còn giảm sâu nữa.

2343432-5321-1607586631.jpg

Thứ hai là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới ngày càng bất ổn, các kênh đầu tư trở nên rủi ro hơn, những tài sản an toàn trở nên khan hiếm sẽ hấp dẫn được dòng tiền. Trong thị trường trái phiếu đầy rẫy trái phiếu rác như hiện nay, các nhà đầu tư đang nắm giữ nguồn vốn lớn sẵn sàng trả giá cao hơn - và cuối cùng chấp nhận thua lỗ, do tính bảo đảm và thanh khoản của trái phiếu phải được đặt lên hàng đầu. 

Như trong đợt phát hành vừa qua của Trung Quốc, các nhà đầu tư bao gồm các ngân hàng trung ương, quỹ quản lý tài sản chính phủ và quỹ quản lý tài sản toàn cầu, những tổ chức nắm giữ lượng vốn khổng lồ nhưng chưa biết rót vào đâu trong bối cảnh triển vọng kinh tế chưa rõ ràng như hiện nay.

Thứ ba là các nhà đầu tư còn phải tính đến xu hướng giá của đồng tiền mà trái chủ lựa chọn phát hành. Như đợt phát hành trái phiếu bằng đồng euro vừa qua của Bắc Kinh, nếu thời gian tới đồng euro lên giá thì những nhà đầu tư sẽ có lãi về tỷ giá. Trong khi đó, giới phân tích đều dự báo khả năng đồng euro sẽ tiếp tục lên giá, trong bối cảnh đồng USD sẽ còn tiếp tục giảm.

Thứ tư, trong bối cảnh tiền rẻ tràn ngập như hiện nay, các gói kích thích kinh tế khổng lồ được tung ra và không ít ngân hàng trung ương duy trì chính sách lãi suất âm, như Đan Mạch đang có lãi suất âm 0,6%, Thụy Sĩ âm 0,75%, Nhật Bản âm 0,1% và một loạt ngân hàng trung ương khác đang có lãi suất ở mức 0%, các kênh đầu tư sẽ còn tiếp tục được lợi và trái phiếu luôn là điểm đến của những dòng tiền lớn. 

Trong bối cảnh tiền rẻ tràn ngập như hiện nay, các gói kích thích kinh tế khổng lồ được tung ra và không ít ngân hàng trung ương duy trì chính sách lãi suất âm, các kênh đầu tư sẽ còn tiếp tục được lợi và trái phiếu luôn là điểm đến của những dòng tiền lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lợi suất âm ngày càng lan rộng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO