Chủ các nhà hàng Anh: 'Chúng tôi sẽ phải phá sản sau vài tháng nữa'

Bảo Quân| 03/05/2020 06:00

Trong bối cảnh vắc-xin ngừa Covid-19 vẫn chưa được tìm ra, việc duy trì các biện pháp giãn cách xã hội ít nhất từ nay đến cuối năm 2020 đã giáng đòn mạnh vào ngành khách sạn, lưu trú và dịch vụ ăn uống tại Anh.

Chủ các nhà hàng Anh: 'Chúng tôi sẽ phải phá sản sau vài tháng nữa'

Một quán bar vắng khách tại Anh vì lệnh giãn cách xã hội do Covid-19

Bếp trưởng Gary Usher - chủ nhà hàng Kala tại thành phố Manchester (Anh) tuần trước đã đăng trên Twitter một bức hình chụp lại không gian phòng ăn tại nhà hàng của mình. Thay cho khung cảnh nhộn nhịp với nội thất san sát nhau như thường lệ, những chiếc bàn và ghế ăn giờ đây được đặt cách xa nhau.

"Đây là Kala sau khi đã trừ đi 30 chỗ ngồi, nhưng vẫn không thể nào đảm bảo được khoảng cách 2m. Hôm nay tôi cảm thấy khá buồn. Thật đáng tiếc", Usher nói.

Ông chủ của Kala không phải người duy nhất có tâm trạng và phản ứng như thế, đặc biệt sau khi Trưởng cố vấn Y khoa của Chính phủ Anh Chris Whitty cho biết, vì chưa có vắc-xin ngừa Covid-19, nên các biện pháp giãn cách xã hội, mà một trong số đó là giữ khoảng cách tối thiểu 2m, sẽ được tiếp tục áp dụng ít nhất cho đến cuối năm 2020. 

Bà Kate Nicholls - Chủ tịch Hiệp hội ngành dịch vụ nhà hàng khách sạn tại Vương quốc Anh (UK Hospitality) cho biết: "Tôi cảm thấy bản thân như bị ai đó đấm vào bụng. Chúng tôi biết lệnh phong toả sẽ kéo dài hơn 3 tuần, nhưng tôi nghĩ không ai trong chúng tôi lại cho rằng nó gây phiền hà và gián đoạn đến như vậy. Đó thật là một cú sốc lớn".

Link bài viết

Được biết, ngành công nghiệp dịch vụ nhà hàng khách sạn tại Vương quốc Anh, với giá trị lên tới 72 tỷ bảng và giúp tạo công ăn việc làm cho khoảng 3,2 triệu lao động, đã và đang hết sức chật vật trong cung cách hoạt động sao cho phù hợp với tình hình giãn cách xã hội vì Covid-19.

Pret a Manger - một chuỗi cửa hàng bánh mì kẹp được thành lập từ năm 1983, đã lắp thêm các tấm kính để ngăn cách nhân viên với khách hàng, và mở cửa lại một số chi nhánh trong vài tuần qua. Các cửa hàng chỉ phục vụ 15% món ăn trong thực đơn thông thường để hạn chế số người vào bếp, và cũng chỉ có thể bán mang đi.

Trong khi đó, hầu hết các nhà hàng phục vụ tại chỗ đều cảm thấy hết sức khó khăn để có thể đưa ra phương án hoạt động vào thời gian này.

Russell Norman - chủ chuỗi nhà hàng Polpo, người đã dành hẳn một ngày để đo kích thước sàn nhà tại một chi nhánh của mình, cho biết: "Để giữ mọi người cách nhau 2m, chúng tôi sẽ phải giảm bớt 2/3 chỗ ngồi, và điều này đơn giản là không có lợi về mặt kinh tế. Với một nhóm 4 người, bạn sẽ cần một cái bàn rộng 2,5m2, và nếu như thế thì nhà hàng sẽ chẳng còn chỗ cho bất kỳ một món nội thất nào cả".

Đồng ý với Norman, Usher cho biết: "Chúng tôi đã tính toán tới kịch bản mở cửa lại nhà hàng để phục vụ cho 50% lượng thực khách, so với thời điểm trước đại dịch. Nhưng dù là vậy, chúng tôi cũng chỉ có thể sống sót trong 3 tháng rồi phá sản".

Còn Sam Hart - đồng sở hữu chuỗi nhà hàng Tây Ban Nha Barrafina tại London, nói: "Chúng tôi thậm chí đã cho khách hàng đặt món trên iPad và tự lấy các món ăn của mình. Nhưng làm thế nào mà nhân viên có thể giữ khoảng cách khi dọn bàn, hoặc làm việc trong bếp được cơ chứ?". Theo Hart, tất cả các nhà hàng Barrafina đều có không gian bếp mở ngay phía sau quầy tính tiền, và tất cả đầu bếp luôn đứng cách thực khách chưa đến 2m.

Các nhà hàng, quán bar giờ đây chỉ còn duy nhất thực khách là chủ tiệm

Trong mùa dịch bệnh, các nhà hàng, quán bar giờ đây chỉ còn duy nhất thực khách là chủ tiệm

Theo Will Beckett - chủ chuỗi nhà hàng bít tết Hawksmoor, hoạt động kinh doanh tại các nhà hàng đã sụp đổ chỉ sau vài ngày, trong khi để hồi phục sẽ mất rất nhiều, rất nhiều tháng. Beckett cho rằng, ngành công nghiệp sẽ có nguy cơ đánh mất chính mình do các biện pháp giãn cách xã hội.

Được biết, sau thông cáo về các biện pháp giãn cách xã hội từ Trưởng cố vấn Y khoaChris Whitty, bà Nicholls đã viết thư cho Bộ trưởng Văn phòng Nội các Michael Gove, nhằm kêu gọi chính phủ tăng cường hỗ trợ hơn nữa các doanh nghiệp thuộc ngành nhà hàng khách sạn.

Bà cũng đề xuất một gói tài chính toàn diện để kích cầu hậu khủng hoảng. Dầu vậy, thậm chí khi các nhà hàng có thể mở cửa lại, số người đủ sức chi tiêu cũng không nhiều. Theo bà Nicholls, việc một số nhà hàng duy trì hoạt động trong bối cảnh giãn cách xã hội là hoàn toàn có thể, song câu hỏi đặt ra là liệu điều này có mang lại hiệu quả về kinh tế hay không.

Bà Nicholls cho biết, nếu không được hỗ trợ, 50% các doanh nghiệp nhà hàng khách sạn sẽ phá sản và khoảng 2 triệu người sẽ mất việc, cả trong chính các doanh nghiệp lẫn trong toàn chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, nếu nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ, ít nhất là cho đến tháng 12, doanh nghiệp có thể sẽ sống sót và vượt qua giai đoạn khó khăn.

Dẫu vậy, vấn đề lớn nhất hiện nay là ngay cả bản thân chính phủ cũng đang rơi vào khủng hoảng; nên rất khó để có thể nói trước điều gì. "Chúng tôi không cần biết khi nào sẽ có sự thay đổi, nhưng chúng tôi cần biết thay đổi đó sẽ hoạt động ra sao. Sự tồn tại của ngành nhà hàng tại Anh đều phụ thuộc vào nó", bà Nicholls nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chủ các nhà hàng Anh: 'Chúng tôi sẽ phải phá sản sau vài tháng nữa'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO