Đó là số liệu của Tổng cục Thống kê công bố sáng 28/9/2022. Theo Tổng cục Thống kê, trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99%, đóng góp 4,04%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,44%, đóng góp 41,79%; khu vực dịch vụ tăng 10,57%, đóng góp 54,17%.
Phân tích sâu hơn về mức tăng trưởng này, Tổng cục Thống kê cho biết, trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành chăn nuôi phát triển ổn định, khai thác gỗ được đẩy mạnh; sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng khá, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Trong 9 tháng năm 2022 ngành nông nghiệp tăng 2,43% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0.22% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 5,2% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0.03%; ngành thủy sản tăng 4,43%, đóng góp 0.12%.
Ở khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp có xu hướng phục hồi nhanh với mức tăng 9 tháng năm 2022 đạt 9,63% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 3,25% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế tăng trước với tốc độ 10,69%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2011, 2017 và 2018, đóng góp 2,74%. Ngành xây dựng tăng 8,55%, đóng góp 0.59%.
Đặc biệt, khu vực dịch vụ tăng trưởng mạnh mẽ sau đại dịch với tốc độ tăng 9 tháng năm 2022 đạt 10,57%, cao nhất của 9 tháng trong hơn 10 năm (2011-2022).
Trong đó, bán buôn, bán lẻ tăng 10,24% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 1%; ngành vận tải kho bãi tăng 14,2%, đóng góp 0.83%; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng cao nhất trong khu vực dịch vụ, với mức tăng 41,7%, đóng góp 0.81%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,05%, đóng góp 0.52%...
Về cơ cấu nền kinh tế 9 tháng năm 2022, theo Tổng cục Thống kê, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,27%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,69%; khu vực dịch vụ chiếm 41,31%.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng năm nay cả nước xuất siêu 6,52 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,44 tỷ USD).
Chỉ số giá tiêu dùng CPI (lạm phát) tháng 9 tăng 0,4% so với tháng trước, chủ yếu do giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và một số địa phương tăng học phí niên học 2022-2023. Trong 9 tháng vừa qua, chỉ số giá vàng bình quân tăng 6,22%, chỉ số giá USD bình quân tăng 0,7%.
Bình quân 9 tháng năm nay, CPI tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 1,88%, có thể yên tâm kiểm soát lạm phát năm khoảng 4% như Quốc hội đặt ra.