Sau cuộc bầu cử dân chủ, Myanmar đang đón nhận những tin vui về kinh tế cùng kỳ vọng xóa bỏ hẳn thế cô lập.
Một trong những biểu hiện tốt về nền kinh tế của Myanmar thời kỳ mới là đồng kyat đã tăng giá trị 10% so với đồng USD, qua đó trở thành đồng tiền tăng giá số 1 châu Á thời điểm hiện tại, nhỉnh hơn cả đồng yen Nhật Bản (khoảng 8,2%).
Đây được xem là thành quả từ công cuộc cải cách kinh tế, xã hội của Myanmar từ năm 2011 đến nay. Đặc biệt, đồng tiền Myanmar cải thiện phần lớn xuất phát từ chiến thắng của bà Aung San Suu Kyi trong cuộc bầu cử dân chủ lịch sử của nước này năm ngoái. Chính sách mở cửa, tính dân chủ được nâng cao đã khiến tiền đổ vào Myanmar và đặt nền móng cho sự phát triển.
Andrew Lee, người đến Mỹ từ năm 12 tuổi đã trở về Myanmar bốn năm trước để mở doanh nghiệp, cho rằng sự phục hồi của đồng kyat là bằng chứng cho thấy ông đã lựa chọn đúng. Một đồng tiền mạnh hơn là điểm cần thiết cho một nền kinh tế đang phát triển, khiến nhập khẩu rẻ hơn trong khi giảm được chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng vốn được tính bằng USD.
"Sự tăng giá của đồng tiền tốt cho nền kinh tế. Chúng tôi lạc quan về chính phủ mới. Chúng tôi hiểu rằng còn rất nhiều vấn đề đang chờ đợi chính phủ thực hiện", Andrew Lee nói với Bloomberg.
Trước khi đón nhận tin tốt lành này, đồng kyat đã trải qua giai đoạn sụt giảm giá trị 21% trong năm 2015, và tới tận ngày 25/1 vừa rồi đã xuống thấp nhất là 1.344 kyat đổi 1 USD. Việc tăng giá kyat, một phần nhờ các biện pháp siết chặt từ chính phủ để ngăn tình trạng dùng USD trong nền tinh kế, bao gồm hạn chế khách sạn, nhà hàng và doanh nghiệp dùng Mỹ kim.
Mặc dù vẫn còn một số lo ngại về tình trạng lạm phát sẽ khiến kyat tụt lại mốc 1.310 đổi 1 USD vào cuối năm theo nhận xét của trung tâm nghiên cứu BMI (Singapore), nhưng trong ngắn hạn rõ ràng cho thấy nỗ lực của Myanmar đang được đền đáp.
Ngân hàng Phát triển Châu Á dự báo nền kinh tế Myanmar sẽ tăng trưởng nhanh hơn so với các nước láng giềng, với việc thu hút 80 tỷ USD cho các công trình điện, giao thông, công nghệ thông tin tới năm 2030.
Việc Mỹ dỡ bỏ cấm vận một phần cho Myanmar cũng giúp nước này hưởng lợi từ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nguồn FDI chảy vào Myanmar đã tăng từ 1,48 tỷ USD lên 9,48 tỷ USD trong năm tài chính kết thúc vào ngày 31/3 vừa qua.
Ngày 1/6, Bloomberg cho hay Tập đoàn Golden Glory (Singapore), một nhà phát triển bất động sản ở Myanmar đang lên kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) tại Singapore. Christopher Wu - Giám đốc điều hành của Golden Glory tiết lộ rằng ông hy vọng sẽ thu hút được 80 tới 100 triệu USD để gây quỹ cho các thương vụ bất động sản tại Myanmar.
Một "thiên đường" đầu tư đang mở cửa ở Myanmar, và chắc chắn đây sẽ là một thị trường sôi động trong những năm tới đây.
>Kinh tế Myanmar sẽ tăng gấp bốn lần vào năm 2030