Xuất khẩu hàng dệt may: Nỗ lực tìm tiếng nói chung

14/12/2012 06:58

Năm 2012 kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may vào Mỹ là 7,6 tỉ đô la Mỹ. Theo ước tính thông thường, đến năm 2020 con số này sẽ là 13 tỉ đô la, nhưng nếu có TPP thì có thể lên đến 22 tỉ đô la

Xuất khẩu hàng dệt may: Nỗ lực tìm tiếng nói chung

“Năm 2012 kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may vào Mỹ là 7,6 tỉ đô la Mỹ. Theo ước tính thông thường, đến năm 2020 con số này sẽ là 13 tỉ đô la, nhưng nếu có TPP thì có thể lên đến 22 tỉ đô la”, ông Lê Quốc Ân, cố vấn cao cấp của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), tuyên bố như trên tại buổi hội thảo “Những thay đổi cần thiết của ngành dệt may Việt Nam để chuẩn bị tốt cho Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP)”, do Hội Dệt may - Thêu đan TPHCM tổ chức mới đây.

Tuy nhiên, những dự báo lạc quan đó sẽ là ảo tưởng nếu ngành công nghiệp dệt không lột xác.

TPP là tên tắt của Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương. Cho đến nay, có 11 nước tham gia đàm phán TPP, gồm Canada, Mỹ, Mexico, Chile, Peru, New Zealand, Úc, Singapore, Malaysia, Brunei và Việt Nam. Các nền kinh tế lớn ở châu Á là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan... chưa tham gia.

Theo nhóm công tác TPP thuộc Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), liên quan đến ngành dệt may thì chỉ có Mỹ và Việt Nam là kèn cựa nhau nhiều nhất về quyền lợi của mỗi bên. Mexico, nước sản xuất hàng dệt may lớn nhất châu Mỹ, mới tham gia đàm phán và chắc sẽ có nhiều ý kiến vì quyền lợi của họ rất lớn. Còn các nước khác không quan tâm lắm đến ngành dệt may.

Hội chợ quốc tế về ngành công nghiệp dệt may - VTG 2012 vừa diễn ra ở TPHCM có thể ví như một bức tranh thu nhỏ về thực lực của ngành dệt.Chiếm tỷ lệ áp đảo trong hội chợ vẫn là các gian hàng của doanh nghiệp đến từ Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc... Số doanh nghiệp Việt Nam tham gia hội chợ và trưng bày sản phẩm sản xuất trong nước đếm được trên đầu ngón tay.

Sản phẩm khá nghèo nàn, gồm vài chục mẫu vải và một số phụ liệu như dây khóa kéo, khuy nút... Có lẽ do khó khăn và phải tiết kiệm chi tiêu, nên VTG 2012 không thu hút được những công ty dệt lớn trong nước.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến 15/11/2012, Việt Nam xuất khẩu 14,687 tỉ đô la Mỹ hàng may và xơ sợi dệt, nhưng cũng phải nhập lại trên 10,77 tỉ đô la Mỹ bông, xơ sợi, vải và phụ liệu. Trong đó, giá trị vải nhập khẩu trên 6 tỉ đô la Mỹ.

Cũng từ số liệu của Tổng cục Hải quan, nước cung cấp vải và nguyên phụ liệu cho ngành dệt may Việt Nam là Trung Quốc với hơn 3,5 tỉ đô la Mỹ (số liệu của 10 tháng đầu năm 2012), tiếp theo là Hàn Quốc và Đài Loan.

Theo dự báo của ông Lê Quốc Ân, TPP mở ra cơ hội giúp ngành dệt may Việt Nam tăng xuất khẩu thêm 9 tỉ đô la Mỹ vào thị trường Mỹ vào năm 2020. Thế nhưng, nếu ngành may còn tiếp tục phụ thuộc quá lớn vào nguồn vải và phụ liệu đến từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, thì chắc sẽ chẳng có được con số 9 tỉ kia.

Ông Lê Quốc Ân cho biết “theo yêu cầu của các đối tác đàm phán, mà cụ thể ở đây là Mỹ, để hàng dệt may Việt Nam được hưởng thuế suất bằng 0% khi xuất sang Mỹ, thì sản phẩm của chúng ta phải đáp ứng được nguyên tắc yarn-forward (theo nguyên tắc này, sản phẩm phải được làm từ sợi sản xuất tại Việt Nam hoặc nhập khẩu từ các nước tham gia hiệp định, và một số phụ liệu khác như vải lót, chỉ may...).

Trong khi đó, Việt Nam chỉ muốn áp dụng quy tắc xuất xứ cắt may (nghĩa là được nhập vải và phụ liệu). Đến nay, TPP đã qua 14 vòng đàm phán và vòng thứ 15 đang diễn ra tại New Zealand, hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về điểm này.

Trước vòng đàm phán 15, một cuộc đàm phán riêng về dệt may cũng đã diễn ra ở Los Angeles (Mỹ). “Điều này chứng tỏ rằng dệt may là lĩnh vực gay go nhất”, ông Ân nhận định. Ông còn tiết lộ thêm, để tránh bế tắc, hai bên đã thỏa thuận đi tìm những cái ngoại lệ, chẳng hạn như, theo gợi ý của Việt Nam, áp dụng quy tắc yarn-forward theo lộ trình và tất nhiên thuế nhập khẩu cũng giảm tương ứng theo lộ trình.

Theo kế hoạch, Hiệp định TPP sẽ có hiệu lực từ năm 2015 và việc áp dụng quy tắc xuất xứ yarn-forward, dù trước mắt gây khó khăn cho ngành dệt may Việt Nam, nhưng nó cũng là động lực để khắc phục yếu kém, thúc đẩy ngành dệt và sản xuất nguyên phụ liệu phát triển.

Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã bắt đầu quan tâm đến ngành dệt, lĩnh vực lâu nay rất ít doanh nghiệp để mắt đến. “Dù hiện tại TPP vẫn còn đang đàm phán nhưng cũng đã có những tín hiệu tích cực. Cá nhân tôi đã nhận ít nhất 10 yêu cầu của các công ty đến từ Singapore, Hồng Kông, Trung Quốc... Họ muốn tìm địa điểm để đặt nhà máy dệt tại Việt Nam”, ông Lê Quốc Ân nói. Nhiều doanh nghiệp trong nước cũng hướng trọng tâm đầu tư vào lĩnh vực kéo sợi và dệt nhuộm, trong đó đi đầu là tập đoàn Dệt may Việt Nam.

Không chỉ hứa hẹn những lợi ích về kinh tế cho ngành dệt may, TPP còn mang đến những hiệu ứng xã hội tích cực. Theo tính toán của Vitas, để tạo ra 1 tỉ đô la Mỹ xuất khẩu thì cần tới 100.000 lao động. Nếu đạt được kim ngạch xuất khẩu 22 tỉ đô la Mỹ vào năm 2020 như dự báo, điều này đồng nghĩa với có thêm hàng triệu việc làm mới sẽ được tạo ra.

Tuy nhiên, ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Garmex Sài Gòn, cũng cảnh báo việc có nắm bắt được cơ hội này hay không còn tùy thuộc rất lớn vào từng doanh nghiệp. Ông nói: “Nếu chúng ta không chuyển sang làm FOB (mua nguyên liệu về sản xuất rồi bán thành phẩm), mà chủ yếu vẫn là gia công, thì sẽ thiệt thòi cho chúng ta và uổng công các nhà đàm phán”.

Hiện Garmex Sài Gòn đã đàm phán và khách hàng cũng đồng ý để công ty mua một phần vải được làm từ sợi tại Việt Nam, để sau này có thể hưởng thuế suất nhập khẩu vào Mỹ bằng 0% từ Hiệp định TPP, thay vì thuế suất 17-35% (tùy chủng loại) như hiện nay.

Theo ông Nguyễn Ân, Tổng giám đốc Garmex Sài Gòn, trong số hàng may mặc xuất khẩu sang Mỹ, có khoảng 20% chủng loại là hàng trung bình có thể chấp nhận vải sản xuất tại Việt Nam. Việc tìm kiếm vải tại Việt Nam, theo ông Ân, là khó hơn tìm nguồn vải tại Trung Quốc - nước có rất nhiều nhà máy sản xuất vải.

Về lâu dài, ông Ân cho biết, cách làm có vẻ khả quan hơn để tận dụng TPP là doanh nghiệp may mặc liên kết với một nhà máy dệt, nhuộm có sẵn. Theo đó, công ty may mặc sẽ đặt hàng công ty dệt, nhuộm và hỗ trợ nhau để nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu về nguyên liệu trong thời gian tới.

Công ty cũng dự tính tự thiết kế sản phẩm và may bằng nguyên liệu sản xuất tại Việt Nam để chào hàng các doanh nghiệp tại hội chợ ở Mỹ vào tháng 2 và tháng 8 năm tới. Đó là những tính toán của Garmex Sài Gòn để đón đầu cơ hội từ TPP. “Cố gắng làm sao để khoảng 20-30% doanh thu của mình được hưởng TPP là giỏi rồi”, ông Ân cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xuất khẩu hàng dệt may: Nỗ lực tìm tiếng nói chung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO