Xa xỉ phải xoay xở

THẢO MINH| 12/09/2013 09:15

Nguồn cung mặt bằng bán lẻ dồi dào, giá thuê giảm khiến nhiều trung tâm thương mại (TTTM) đang rơi vào tình trạng vắng khách, phải thay đổi chiến lược và mô hình kinh doanh.

Xa xỉ phải xoay xở

Nguồn cung mặt bằng bán lẻ dồi dào, giá thuê giảm khiến nhiều trung tâm thương mại (TTTM) đang rơi vào tình trạng vắng khách, phải thay đổi chiến lược và mô hình kinh doanh.

Đọc E-paper

Theo báo cáo của Công ty Kinh doanh dịch vụ bất động sản CB Richard Ellis (CBRE Việt Nam), nguồn cung mặt bằng bán lẻ hiện khá dồi dào, giá thuê giảm, nhiều TTTM đang rơi vào tình trạng ế ẩm.

Riêng tại thị trường TP.HCM, tổng nguồn cung các TTTM đến thời điểm đầu tháng 8/2013 đạt khoảng 400.604m2 và tỷ lệ trống có xu hướng tăng lên tại khu vực trung tâm TP.HCM.

Điển hình là không ít khách thuê lớn như: Home One (1.200m2), Gloria Jeans (100m2), Nike (150m2), Banana Leaf (100m2) và Givral (100m2)... đã rời bỏ một TTTM lớn ở quận 1.

Khảo sát quý II/2013 cũng cho thấy, tỷ lệ mặt bằng để trống của các TTTM lớn tại TP.HCM ở mức rất cao. Cụ thể, TTTM Đồng Khởi có 5 thương hiệu lớn đã rời đi và hiện còn đến 40% diện tích chưa có khách thuê. Trong khi đó, WASECO Plaza (Q.Tân Bình) còn trống 40%; và Crescent Mall là 20%.

Còn theo khảo sát mới nhất của Công ty Cung cấp Bất động sản Savills, quý II/2013, cũng đã có 3 TTTM đóng cửa là Thiên Sơn Plaza, Premium Outlet và một TTTM tại quận 11.

Tuy nhiên, theo quy hoạch của Bộ Công Thương, đến năm 2020, cả nước sẽ có 1.200 siêu thị, 157 trung tâm mua sắm, 180 TTTM. Điều này càng làm tăng động lực cho các chủ đầu tư không bỏ cuộc.

Đơn cử, Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận Tân Bình liên doanh với Công ty TNHH Tân Quang thực hiện dự án TTTM đa năng quận Tân Bình tại khu đất 7.000m2 phía trước chợ Tân Bình.

Fairprice liên doanh với Saigon Co.op thành lập Co.opXtraplus vào tháng 5 với kế hoạch 20 TTTM từ nay đến 2020, hay Lotte Group với kế hoạch mở 60 siêu thị và TTTM trong vài năm tới. Ngoài ra, Saigon Co.op còn mở rộng ra Hà Nội với việc thuê 10.000m2 sàn bán lẻ ở dự án Nam Đô trong 30 năm...

Để tăng hiệu quả, các TTTM đang đua nhau thay đổi chiến lược kinh doanh. Cụ thể nhiều TTTM đã áp dụng các chương trình hỗ trợ hữu hiệu để hỗ trợ khách hàng bán lẻ.

Đại diện TTTM Crescent Mall cho biết: "Để tăng hiệu quả kinh doanh, chúng tôi không bỏ qua bất kỳ dịp lễ nào để tổ chức các sự kiện, chương trình khuyến mãi nhằm thu hút khách mua hàng và hỗ trợ cho việc kinh doanh của các nhà bán lẻ. Cụ thể, chúng tôi thường xuyên tổ chức các chương trình khuyến mãi định kỳ cho từng nhóm ngành hàng, từ dịp lễ 2/9 đến kỳ Trung thu sắp tới...".

Không thua đối thủ, TTTM Nowzone cũng vừa kết thúc chương trình giảm giá đến 50% vào dịp lễ 2/9. Mạnh tay hơn, Vincom Center B đưa ra chương trình khuyến vàng giảm giá hàng hiệu tới 50%, kéo dài tới 10 ngày và khách hàng mua sắm có hóa đơn 2 triệu còn được tặng phiếu quà tặng 100.000 đồng...

Với chiến lược dài hơi, TTTM Vincom Mega Mall royal City Hà Nội còn tạo sức hấp dẫn bằng việc áp dụng mô hình kinh doanh "Tất cả trong một". Theo ông Lê Khắc Hiệp, Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup, việc áp dụng mô hình này là đáp ứng xu hướng chung của thế giới.

Tại đây, ngoài 800 gian hàng hiệu hàng đầu trong nước và quốc tế, khách hàng còn được thưởng ngoạn phố ẩm thực 44.000m2 gồm hơn 170 nhà hàng, công viên nước trong nhà, sân trượt băng trong nhà, thế giới game, phòng chiếu phim công nghệ 2D, 3D, 4D...

Song, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, chủ đầu tư Tràng Tiền Plaza, cho rằng, thay đổi lớn nhất nằm ở sự vận hành và đây lại là lợi thế của Công ty DFS dù giá thuê tại đây không hề dễ chịu, trung bình khoảng 150 USD/m2/tháng.

Bởi với mối quan hệ và khả năng thuyết phục, kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực hàng cao cấp, DFS sẽ dễ dàng đưa về những thương hiệu nổi tiếng nhất trên thế giới như: Luis Vuitton, đồng hồ Rolex, mỹ phẩm Chanel...

Dù trước đó, tại Hà Nội, đã có những TTTM từng định vị là địa chỉ mua sắm cao cấp đã thất bại nhưng ông Hạnh khẳng định: "Kinh doanh hàng hiệu tại các TTTM, bài toán hiệu quả là đường dài và quan trọng nhất là kinh nghiệm vận hành.

Đó chính là mấu chốt để tạo lợi thế cạnh tranh. Tràng Tiền Plaza đã có khoảng 70 đơn vị ký hợp đồng 2 - 3 năm, chiếm 56% diện tích thuê, tuy không nhiều nhưng vượt quá mong đợi của chúng tôi vào thời điểm này".

Tuy tự tin nhưng để tăng hiệu quả kinh doanh, Tràng Tiền Plaza cũng đã có những chiến lược thay đổi phù hợp. Theo kế hoạch, tầng 5 của TTTM sẽ dành cho văn phòng, nhưng hiện nay do giá thuê cao nên khách thuê còn chần chừ.

Vì vậy, chủ đầu tư Tràng Tiền đang tính đến việc hợp tác theo phương thức liên kết, liên doanh đối với các tầng chứ không đơn thuần là cho thuê, và khách hàng thuê hiện cũng đang được ưu đãi giá.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xa xỉ phải xoay xở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO