Vững chân vào "cao tốc" EU

Ý Nhi| 28/09/2020 01:00

Tôm, cà phê, chanh leo, gạo, rau, bưởi, thanh long, dừa... liên tục xuất sang EU chỉ sau hơn một tháng EVFTA được thực thi nhưng để vững chân trên "cao tốc" này, vẫn còn nhiều việc phải làm.

bai-2-xuat-khau-eu-1-3143-1601259609.jpg

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Quốc Doanh cho biết: "Hiệp định EVFTA là chìa khóa để các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam có thể tiếp cận được một thị trường đầy tiềm năng của EU với 27 quốc gia thành viên, hơn 511 triệu dân, GDP đầu người trên 35.000 USD. Tuy nhiên, để bước vào "cao tốc" EU là một hành trình không dễ".

Hiện EVFTA và EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm với cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hằng năm. Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3-5 năm.  

Trong tháng 7/2020, Vinaseed - Công ty thành viên của Tập đoàn PAN đã xuất khẩu gạo VJ Pearl Rice và gạo thơm RVT sang Hà Lan và Cộng hòa Séc với giá 1.040 USD/tấn. Mới nhất, Vinaseed lại xuất khẩu gạo trắng Ban Mai và gạo lứt Phúc Thọ sang thị trường Úc và là thương hiệu gạo Việt Nam đầu tiên nhập khẩu chính ngạch vào thị trường này. 

Cuối tháng 9 này, lô hàng 126 tấn gạo thơm giống Jasmine 85 của Tập đoàn Lộc Trời cũng bước vào "cao tốc" châu Âu theo Hiệp định EVFTA. 

Riêng rau quả, hiện EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của rau, quả Việt Nam và là mặt hàng được hưởng lợi ngay khi EVFTA có hiệu lực, thuế cắt giảm sâu (từ 6-30%). 7 tháng đầu năm 2020 xuất khẩu trái cây đạt 12,7 triệu USD, trong đó 83% tổng giá trị xuất khẩu rau quả sang EU. 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, việc các doanh nghiệp vào được "cao tốc" EU mới chỉ bước qua "cửa khó" ban đầu, muốn đi đường dài và khai thác tốt thị trường này, cần phải xác định hướng đầu tư nghiêm túc, đổi mới công nghệ tiên tiến, trang thiết bị hiện đại. Riêng lĩnh vực nông sản, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khẳng định, phải đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, trong đó liên kết chặt chẽ giữa hợp tác xã, doanh nghiệp với bà con nông dân, hình thành quy trình khép kín từ tổ chức nguyên liệu cho đến khâu chế biến, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm và chú ý đến bao bì, nhãn mác... Đồng thời, cần tăng cường chế biến để tạo giá trị gia tăng. 

Ông Nguyễn Quang Trường - Tổng giám đốc Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) cho biết: "Ngay từ khi Hiệp định EVFTA đang đàm phán. Vinaseed đã chuẩn bị xây dựng vùng trồng nguyên liệu bền vững đạt tiêu chuẩn VietGAP và xây dựng quy trình để sản phẩm gạo đạt chứng nhận quốc tế FSSC về an toàn thực phẩm, đủ điều kiện để xuất khẩu sang thị trường EU. Năm 2019, tổng sản lượng xuất khẩu của Vinaseed vào EU đạt gần 2.000 tấn với kim ngạch xuất khẩu gần 2 triệu USD. Khi mức thuế suất giảm về 0%, tập đoàn sẽ có thêm lợi thế cạnh tranh về giá so với các đối thủ tại thị trường khó tính này. Dự kiến năm 2020, Vinaseed đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 5.000 tấn gạo, gấp đôi sản lượng năm ngoái sang EU".

bai-2-xuat-khau-eu-2-6898-1601259609.jpg

Song  ông Trường cũng cho rằng, việc xuất khẩu sản phẩm gạo thương hiệu chính ngạch sang các thị trường châu Âu chỉ là thành công bước đầu. Để "đi vững" trên cao tốc EU, Vinaseed còn rất nhiều việc phải làm như duy trì, nâng cấp và phát triển tổ chức sản xuất theo chuỗi mặt hàng gạo từ khâu nghiên cứu, phát triển, lựa chọn giống chất lượng cao đến quản lý tốt sản xuất, chế biến, đóng gói và quảng bá thương hiệu và hình ảnh của Vinaseed. "Chỉ có giữ vững được chất lượng sản phẩm mới giữ được uy tín doanh nghiệp và được thị trường tiếp nhận", ông Trường khẳng định.

 Tương tự từ năm 2018, Tập đoàn Lộc Trời cũng đã xuất khẩu hơn 10.000 tấn bao gồm Jasmine 85, Japonica DS1, OM18, OM5451 vào thị trường EU nhờ đầu tư nghiêm túc vào việc trồng và kiểm soát chất lượng. Ông Huỳnh Văn Thòn -  Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Lộc Trời cho biết: "Khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, Lộc Trời hiểu rõ chất lượng sẽ là lợi thế cạnh tranh lớn nhất khi muốn xuất khẩu vào EU nên chú trọng việc kiểm soát chất lượng trên khắp các vùng nguyên liệu và cơ sở sản xuất, chế biến. Bên cạnh việc tăng diện tích vùng trồng để tăng sản lượng, đa dạng hóa các loại giống, ông Thòn cũng khẳng định phải có chiến lược tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu để năng lực sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn cao cấp. Theo đó, Lộc Trời đang triển khai lộ trình tiến tới mục tiêu tiêu thụ 1 triệu tấn gạo thông qua việc liên kết 1.000 hợp tác xã ứng dụng 1.000 thiết bị máy bay không người lái trong sản xuất nông nghiệp vào năm 2024".

Với việc công bố sẽ xuất khẩu 20.000 quả dừa tươi sang Anh, 12 tấn bưởi sang thị trường Đức và 3 tấn thanh long sang Hà Lan trong tháng 9 này, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group cho biết, từ khi có Hiệp định EVFTA, công ty nhận được rất nhiều đơn hàng của các nước châu Âu. Để có được điều đó, công ty đã xác định việc đầu tư chất lượng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn global GAP và ISO, HACCP, song song đó liên kết chuỗi để phát triển các sản phẩm chế biến sâu đáp ứng quy định của thị trường EU. "Từ nay đến cuối năm, tăng trưởng của công ty đối với thị trường EU sẽ tăng 20% so với năm trước và sẽ vượt qua thị trường Úc và Canada trong tổng sản lượng vào năm 2021 khi điều kiện trở lại bình thường", ông Tùng nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vững chân vào "cao tốc" EU
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO