Vật liệu xây dựng “hồi tỉnh” cùng bất động sản

02/06/2013 07:33

Từ chỗ “ngắc ngoải” do sự đóng băng của thị trường bất động sản (BĐS), những tin vui trên thị trường bất động sản Việt Nam, ít nhất ở phân khúc nhà ở xã hội, đã giúp các doanh nghiệp (DN) vật liệu xây dựng được “hà hơi thổi ngạt”…

Vật liệu xây dựng “hồi tỉnh” cùng bất động sản

Từ chỗ “ngắc ngoải” do sự đóng băng của thị trường bất động sản (BĐS), những tin vui trên thị trường bất động sản Việt Nam, ít nhất ở phân khúc nhà ở xã hội, đã giúp các doanh nghiệp (DN) vật liệu xây dựng được “hà hơi thổi ngạt”…

Chầm chậm tỉnh...

Theo thống kê của Cục Quản lý kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), có tới 8.792 DN tạm ngừng kinh doanh trước đây đã quay lại hoạt động trong 5 tháng đầu năm 2013. Trong đó, tỉ lệ lớn nhất thuộc về các DN hoạt động trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ôtô, xe máy với 3.142 DN. Đứng thứ hai là DN xây dựng, với 1.475 DN. Ngành công nghiệp, chế tạo cũng có 1.309 DN sống lại. Con số này tương ứng với mức tiêu thụ đã tăng lên khả quan trong tháng 3, 4 của một số DN ngành thép, xi măng SMC, Xi măng Vicem Hoàng Thạch, TCT Xi măng VN, Vicem Cẩm Phả, ngoại trừ những DN đầu ngành vẫn tăng trưởng khá như Hoa Sen Group, Hòa Phát…

Lượng sản xuất và tiêu thụ xi măng quý 1/2012 - 2013 (Đvt: triệu tấn)

Tuy nhiên, nhìn trên bình diện dài hơi kể từ năm 2011 đến các năm tiếp theo, năng lực sản xuất của ngành vật liệu xây dựng nói chung vẫn vượt nhu cầu sử dụng trong nước từ 20 - 30%. Do đó, cung vượt cầu vẫn là bài toán khó giải đối với các DN, nếu thị trường BĐS trong nước không có một cú hích nào đáng kể để thay đổi trạng thái đóng băng.

Một điển hình của tình trạng cung vượt cầu do thiếu quy hoạch phát triển ngành là lĩnh vực xi măng. Theo thống kê, năng lực sản xuất của ngành xi măng là 68 triệu tấn/năm, trong khi đó, tiêu thụ cả trong nước và xuất khẩu chỉ là hơn 54 triệu tấn. Sau khi rà soát đánh giá lại xác định nhu cầu trong nước tới năm 2015 chỉ dừng ở mức 60 - 61 triệu tấn, xuất khẩu 10 triệu tấn, Bộ Xây dựng đã báo cáo và kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh “Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng VN giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030”.

Tuy nhiên, trong khi chờ hiệu quả từ quá trình triển khai Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp xi măng, cũng như chờ thị trường BĐS khởi sắc, đã có rất nhiều DN ngành xi măng trong giai đoạn 2011- đầu 2013 đã phải chọn hướng phá sản hoặc bán cho các DN ngoại. 20% DN đối mặt với nguy cơ phá sản tính đến năm 2013 - theo số liệu của ông Đỗ Đức Oanh - Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng VN - cho biết, cũng như đã có trên 10 thương vụ M&A trong ngành xi măng trong năm qua, có thể vẫn là cái giá phải trả quá nhỏ so với thực tế phát triển thiếu quy hoạch của ngành xi măng VN.

Cũng vì vậy, sự hồi tỉnh của DN ngành xi măng trong năm 2013, đăc biệt sau “hiệu ứng Nghị quyết 02”, theo các chuyên gia, sẽ chậm hơn so với các DN khác trong nhóm vật liệu xây dựng.

Tương tự xi măng, trụ cột của vật liệu xây dựng cơ bản – ngành thép - đã gặp những thách thức do sự đóng băng của thị trường BĐS và chỉ có tín hiệu hồi tỉnh nhờ “ăn theo” các tín hiệu vui qua quá trình triển khai Nghị quyết 02. Bản tin tháng 4/2013 của Hiệp hội Thép VN (VSA) cho biết, hết quý IV/2012, sản lượng sản xuất và sản lượng bán của thép xây dựng, của các DN thuộc VSA vẫn có mức suy giảm. Theo đó, sản lượng thép xây dựng tháng 4 giảm 2,62% so với tháng 3. Sản lượng thép xây dựng xây dựng bán cũng giảm 6,77% so với tháng trước. Đáng chú ý là nếu so với cùng kỳ, sản lượng thép bán giảm mạnh nhưng sản lượng sản xuất vẫn tăng. Điều đó cho thấy các DN bắt đầu lạc quan hơn về triển vọng thị trường so với năm 2012 và đã đẩy mạnh sản lượng sản xuất nhằm đón đầu sự sôi động trở lại của thị trường BĐS.

Không nên quá kỳ vọng

Trước mắt và cả về lâu dài, DN BĐS, VLXD sẽ phải “tự bơi” một mình trong tình trạng nợ đọng, hàng tồn kho và lệch pha cung cầu ở một số phân khúc.

Dầu vậy, có một thực tế cần sớm ý thức, ngay sau gói tín dụng 30.000 tỉ đồng được triển khai, là không có một phép màu cho thị trường BĐS sớm bật dậy. GS TS Đặng Hùng Võ khuyến nghị “không nên coi gói hỗ trợ như một liều thuốc chữa bách bệnh mà chỉ là giải pháp tài chính để tăng giao dịch cho khu vực tồn đọng. Chúng ta cũng đừng hi vọng gói hỗ trợ này sẽ mang tính đột phá cho thị trường”.

Ông Trương Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản VN (VNRea) cũng nhấn mạnh tại một diễn đàn vừa được tổ chức tại TP.HCM cuối tuần trước: “Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng là một cố gắng rất lớn của Chính phủ. Tuy nhiên, ở Nghị quyết 02, Thông tư 07, đặc biệt là Thông tư 11 của NHNN không cho biết sau 30.000 tỷ đồng hỗ trợ này có gì hơn/khác không. Theo ước tính từ phía DN gói 30.000 tỷ đồng này chỉ đủ hỗ trợ cho khoảng 30 DN. Trên thực tế DN chỉ được 30% còn lại 70% thuộc về khách hàng...”.

Mặc dù sự phân tích của ông Trương Anh Tuấn là để nhằm hướng đến đề xuất duy trì gói hỗ trợ tín dụng thường niên cho khối DN BĐS, tuy nhiên, vô hình trung cũng chỉ ra việc DN BĐS ngoài hưởng lợi gián tiếp từ lợi ích trực tiếp của khách hàng, thì sẽ không có được những chìa khóa trực tiếp để tháo gỡ khó không chỉ do hàng tồn kho của khối DN này. Trước mắt và cả về lâu dài, DN BĐS, vật liệu xây dựng sẽ phải “tự bơi” một mình trong tình trạng nợ đọng, hàng tồn kho và lệch pha cung cầu ở một số phân khúc.

Một cách không quá bi quan, cùng với sự hồi sinh của thị trường BĐS, ít nhất ở triển vọng phân khúc nhà ở xã hội, cùng với sự sống lại của một bộ phận DN vật liệu xây dựng, thì tại thời điểm hiện nay, việc thực Nghị quyết 02 cũng chỉ mới bước vào giai đoạn đầu tiên. Độ trễ của chính sách luôn khiến thị trường phải chờ đợi thêm ít nhất từ 3 đến 6 tháng. Cộng với sự hạn chế của nguồn lực và phạm vi hạn hẹp của các đối tượng được hỗ trợ, con đường khai phá ánh sáng cuối đường hầm của các DN BĐS lẫn DN ngành vật liệu xây dựng cũng đang rất hẹp. Chưa kể, chính sách giảm thuế để cứu các DN BĐS mà Chính phủ đề xuất liệu có được các ĐBQH thông qua hay không, còn là chuyện rất khó nói khi tại phiên thảo luận tổ thuộc khuôn khổ kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, nhiều ĐBQH đã kiến nghị xem xét lại chính sách này và không đồng thuận với các “kỹ thuật” chính sách nhằm cứu DN BĐS.

Theo đó, chuẩn bị cho một thực tế không có phép màu xảy ra, để tránh tình trạng “vừa hồi tỉnh” đã “chết lâm sàng” mà nhiều chuyên gia từng cảnh báo của DN vật liệu xây dựng, không loại trừ cả một số DN BĐS, là điều không thừa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vật liệu xây dựng “hồi tỉnh” cùng bất động sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO