Trung Quốc siết nhập khẩu hàng nông sản Việt Nam

Nguyên Thảo| 08/12/2019 01:40

Từ giữa năm 2019, Trung Quốc đã siết chặt hoạt động nhập khẩu từ Việt Nam với các mặt hàng trái cây và nông sản vì yêu cầu cao hơn về chất lượng và an toàn thực phẩm.

Trung Quốc siết nhập khẩu hàng nông sản Việt Nam

Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu trái cây và nông sản của Việt Nam, chiếm hơn 66% thị phần. Nhưng trong 11 tháng đầu năm 2019, giá trị xuất khẩu trái cây và nông sản sang thị trường này lại giảm gần 14% so với cùng kỳ năm 2018.

Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Trung Quốc được ghi nhận trong 11 tháng đầu năm 2019 như thanh long xuất khẩu đạt 974,3 triệu USD (chiếm 31,3% tỷ trọng xuất khẩu), giảm (so với cùng kỳ năm 2018) 8,9%; sầu riêng đạt 759 triệu USD (chiếm 6,9%), giảm 17,4%; dừa đạt 109 triệu USD, giảm 34,9%; nấm hương đạt 45,7 triệu USD, giảm 59,3%; khoai lang đạt 35 triệu USD, giảm 43,6%...

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn) cho biết, từ đầu năm đến nay, mặc dù giá trị xuất khẩu trái cây và nông sản sang các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan... tăng mạnh; nhưng khó có thể bù đắp cho sự sụt giảm nhập khẩu trái cây và nông sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.

Ảnh hưởng sự sụt giảm nhập khẩu từ Trung Quốc, hàng trái cây và nông sản trong nước cũng bị tuột giá thê thảm. Theo báo cáo mới nhất của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, tháng 11/2019 là thời điểm thu hoạch vụ sầu riêng năm 2019 tại Đắk Lắk, so với những năm trước, giá sầu riêng năm nay đã giảm khoảng 20.000 đồng/kg. Giá chanh leo cũng có xu hướng đi xuống, hiện chỉ dao động từ 7.000-8.000 đồng/kg. Giá thanh long tại các nhà vườn ở Bình Thuận từ đầu vụ 2019 đến nay luôn ở dưới mức 10.000 đồng/kg. Cao điểm từ đầu tháng 11/2019 đến nay, thanh long chỉ còn ở mức 5.000-7.000 đồng/kg. Tương tự, giá mít Thái tại nhiều địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long giảm khoảng 50% so với cách nay hơn một tháng và đang ở mức thấp nhất trong 4 tháng qua.

Chia sẻ về “tai nạn nhập khẩu” này, tại Tọa đàm “Thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch nông sản vào thị trường Trung Quốc” do Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tổ chức vào giữa tháng 11/2019, nhiều chuyên gia xuất khẩu của Việt Nam nhận định, hàng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ mới đáp ứng thị trường cấp thấp, nên khi Trung Quốc đề cập thêm một số yêu cầu nhập khẩu, hàng hóa Việt Nam bị động ngay. Qua đó thấy rằng, việc chuyển đổi chính sách nhập khẩu của Trung Quốc là điều tất yếu, không phải do họ gây khó khăn, mà là xu thế tất yếu của sân chơi chung trong nền kinh tế toàn cầu.

Với thị trường Trung Quốc, trong khi xuất khẩu trái cây và nông sản của Việt Nam sang nước này giảm gần 14% thì chiều nhập khẩu hàng Trung Quốc về Việt Nam (cùng thời điểm) lại tăng hơn 10%, chiếm 25,6% thị phần nhập khẩu vào Việt Nam. 

Bài học kinh nghiệm rút ra sau việc Trung Quốc siết nhập khẩu trái cây và nông sản Việt Nam là, Việt Nam cần nhanh chóng đăng ký mã số vùng trồng, mã số đóng gói cơ sở; cải thiện chất lượng nông sản, nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm đạt được những tiêu chuẩn gắt gao của thị trường châu Âu và các thị trường khó tính khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trung Quốc siết nhập khẩu hàng nông sản Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO