Thị trường xuất khẩu gạo: Những bất ngờ thú vị

25/05/2011 09:54

Có thể nói, trong bối cảnh FAO và các định chế tài chính quốc tế đã đồng loạt rung chuông cảnh báo nguy cơ của một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu ngay từ đầu năm, thị trường xuất khẩu gạo trong những tháng gần đây lại có những chuyển động trái chiều.

Thị trường xuất khẩu gạo: Những bất ngờ thú vị

Có thể nói, trong bối cảnh FAO và các định chế tài chính quốc tế đã đồng loạt rung chuông cảnh báo nguy cơ của một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu ngay từ đầu năm, thị trường xuất khẩu gạo trong những tháng gần đây lại có những chuyển động trái chiều.

Trong đó, XK gạo của VN chúng ta cũng không phải là ngoại lệ, nhưng là những chuyển động trái chiều “đáng yêu”.

Do vậy, có thể hi vọng những bước khởi đầu rất đáng khích lệ này sẽ được phát huy để có thể khắc phục nhược điểm cố hữu trong những năm gần đây.

Giá lương thực gây khó cho FAO

Giá gạo xuất khẩu của các DN nước ta vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2010

Với nguy cơ khủng hoảng lương thực (nói chính xác hơn phải là khủng hoảng lương thực, thực phẩm) toàn cầu được cảnh báo từ đầu năm nay, FAO và các định chế tài chính quốc tế muốn gửi đến toàn thế giới một thông điệp về việc thị trường lương thực thế giới năm 2011 sẽ biến động rất mạnh, trong đó giá lương thực sẽ tăng đột biến, nhưng giá gạo thế giới cho tới thời điểm này lại liên tục hạ nhiệt chính là bất ngờ lớn nhất.

Trước hết, có thể khẳng định chắc chắn rằng, FAO và các định chế tài chính quốc tế đã không lầm khi cảnh báo nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu trong năm nay bởi hai lẽ :

Một là, như các số liệu thống kê của FAO cho thấy, giá lương thực, thực phẩm thế giới đã kéo dài mạch tăng liên tục kể từ tháng 7 đến hết năm 2010, cho nên chỉ thấp hơn không đáng kể kỷ lục đã ghi nhận được trong cuộc khủng hoảng lương thực thực phẩm thế giới năm 2008. Trong đó, nếu tính bình quân, chỉ số giá lương thực, thực phẩm trong quý IV/2010 cũng chỉ thấp hơn không đáng kể so với bình quân bảy tháng khủng hoảng lương thực thực phẩm năm 2008 lên cao trào (từ tháng 2- tháng 9).

Hai là, trong bốn tháng đầu năm nay, bình quân giá lương thực, thực phẩm thế giới đạt kỷ lục mọi thời đại 232,7 ĐPT, trong đó 237,2 ĐPT đạt được trong tháng 2 chính là kỷ lục thế giới mới kể tư năm 1990 đến nay.

Trong đó, ngũ cốc chính là nhóm hàng có mức tăng giá “khủng” nhất. Đó là, cũng với mạch tăng liên tục kể từ tháng 7 đến hết năm 2010, nhưng tổng cộng giá của nhóm hàng này đã tăng vượt trội 57,3% và đạt 237,8 ĐPT, nhưng lại thấp hơn rất đáng kể kỷ lục 274,3 ĐPT đã ghi nhận được trong cuộc khủng hoảng lương thực, thực phẩm thế giới ngay từ tháng 4/2008. Trong đó, nếu tính bình quân, chỉ số giá của nhóm hàng ngũ cốc trong quý IV/2010 đã đạt 227 ĐPT, nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so với bình quân 256,8 ĐPT trong chín tháng khủng hoảng lương thực, thực phẩm lên đến cao trào từ tháng 1 đến tháng 9/2008.

Những điều nói trên có nghĩa là, trong cuộc khủng hoảng lương thực, thực phẩm thế giới năm 2008, nhóm hàng ngũ cốc đóng vai trò “tiên phong” và việc giá của nhóm hàng này trong bốn tháng đầu năm nay đã đạt 254,9 ĐPT, tức là chỉ thấp hơn không đáng kể so với 256,8 ĐPT trong chín tháng 2008, trong đó tháng 2 vừa qua đã đạt kỷ lục mọi thời đại 279,3 ĐPT càng chứng tỏ cảnh báo của FAO và các định chế tài chính quốc tế là hoàn toàn chính xác.

Trong khi nhóm hàng ngũ cốc giữ vai trò đầu tàu kéo giá lương thực, thực phẩm thế giới tăng như vậy, giá gạo thế giới đã sớm giảm. Các số liệu thống kê của FAO cho tới thời điểm này cho thấy, giá gạo thế giới cũng bắt đầu mạch tăng từ 200 ĐPT tháng 5/2010, nhưng đã sớm đạt đỉnh 257 ĐPT ngay từ tháng 11/2010, còn từ tháng 12/2010 đến nay tuy không quá nhiều, nhưng vẫn giảm hầu như liên tục. Trong khi đó, giá lúa mỳ (lúa mỳ số 2 vụ đông, vịnh Mỹ) đã tăng đại nhảy vọt gần gấp đôi từ 183 USD/tấn tháng 10/2010 lên 362 USD/tấn trong những ngày đầu tháng 5 này, còn giá ngô (ngô vàng số 2, vịnh Mỹ) cũng đại nhảy vọt gấp hơn hai lần từ 154 USD/tấn vào thời điểm này lên 314 USD/tấn trong tháng 4 vừa qua và đạt là kỷ lục chưa từng có từ trước đến nay.

Nguyên nhân của tình trạng nói trên bắt nguồn từ việc sản xuất ba loại lương thực chủ yếu này của thế giới trong niên vụ vừa qua ở trong tình trạng ngược chiều nhau, trong khi tiêu dùng đều tăng mạnh, dẫn đến dự trữ của ba loại lương thực này cũng ở trong tình trạng đối lập.

Cụ thể, theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp Hoa kỳ, đối với lúa mỳ hiện chiếm 29,7% trong tổng sản lượng ba loại lương thực chủ yếu của thế giới, niên vụ vừa qua đã mất mùa 36 triệu tấn và 5,3%, mức cao kỷ lục trong gần hai thập kỷ trở lại đây, còn tiêu dùng lại tăng 7,9 triệu tấn và 1,2%, cho nên dự trữ đã “tụt dốc không phanh” 14 triệu tấn và 7,1%. Bên cạnh đó, tình trạng của mặt hàng ngô hiện chiếm 49,6% tổng sản lượng ba loại lương thực chủ yếu của thế giới còn nghiêm trọng hơn nữa. Đó là, mất mùa 25 triệu tấn và 2,3%, nhưng tiêu dùng tăng 14,3 triệu tấn và 1,3%, còn dự trữ “rơi tự do” 38,4 triệu tấn và 19,5%.

Trong khi đó, ngược lại, lúa gạo lại được mùa 11,5 triệu tấn và 2,6%. Do vậy, mặc dù tiêu dùng tăng 9,4 triệu tấn và 2,1%, nhưng dự trữ gạo thế giới vẫn tăng 3,2 triệu tấn và 3,4%.

Gạo VN vẫn “được mùa giá”

Thứ hai, trong khi giá gạo thế giới hạ nhiệt như vậy, và mặt khác, lại phải đối mặt với không ít khó khăn về thị trường, nhưng xuất khẩu gạo của nước ta trong những tháng đầu năm nay vẫn tăng rất mạnh.

Trước hết, tuy cũng có một số thị trường xuất khẩu tập trung tương đối lớn như Indonesia, Cuba, Bangladesh..., nhưng phải nói rằng những thay đổi mang tính bước ngoặt của Philippines thực sự là “là liều thuốc thử” khả năng giải quyết vấn đề thị trường của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nước ta trong những tháng qua.

Bởi lẽ, ngay từ đầu tháng 11/2009 và chỉ trong nửa đầu tháng 12 sau đó, Philippines đã liên tiếp mở bốn cuộc đấu thầu mua những khối lượng gạo khổng lồ cho năm 2010 và các DN nước ta đã thắng thầu ngoạn mục trên 1,4 triệu tấn với giá cao ngất ngưởng. Thế nhưng, bước vào năm nay, cùng với việc tuyên bố chỉ nhập khẩu 860 nghìn tấn, trong đó, thay vì tỷ trọng áp đảo trong tổng khối lượng nhập khẩu khổng lồ 2,4 triệu tấn trong năm vừa qua, Cơ quan Lương thực quốc gia của nước này chỉ được phép nhập khẩu 200 nghìn tấn, còn 600 nghìn tấn được giao cho các DN tư nhân thì đến trung tuần tháng 4 vừa qua vẫn đang còn “dềnh dang” trong quá trình giải quyết các thủ tục đấu thầu.

Chính vì vậy, thay vì 1,011 triệu tấn, chiếm tới 51% trong tổng khối lượng xuất khẩu và đặc biệt quan trọng là với giá cao ngất ngưởng 633 USD/tấn (49% còn lại xuất khẩu sang các thị trường khác chỉ đạt 293 USD/tấn) trong cùng kỳ năm 2010, khối lượng gạo xuất khẩu của các doanh nghiệp nước ta sang thị trường Philippines trong bốn tháng qua chỉ vỏn vẹn 149 nghìn tấn, chiếm 5,8%, trong đó riêng quý I chỉ đạt 47 nghìn tấn và chỉ chiếm 2,6%.

Thế nhưng, các số liệu thống kê của Hiệp hội Lương thực nước ta cho thấy, tổng khối lượng gạo xuất khẩu trong bốn tháng đầu năm nay đạt 2,567 triệu tấn, tăng ngoạn mục 29,6% so với cùng kỳ năm 2010.

Tất cả những điều nói trên có nghĩa là, cho dù phải đối mặt với những khó khăn rất lớn do thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của nước ta có quá nhiều biến động, nhưng các doanh nghiệp đã vượt qua tất cả và “đoàn tàu xuất khẩu gạo” của nước ta vẫn tăng tốc ngoạn mục.
Nếu nhìn sang cường quốc số 1 thế giới Thái Lan, có thể thấy quốc gia này còn tăng tốc xuất khẩu gạo mạnh hơn nữa. Báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho thấy, tính đến ngày 1/5 vừa qua, xuất khẩu gạo trắng (không kể gạo Thai Hom Mali) của Thái lan đạt 3,3 triệu tấn, tăng đại nhảy vọt 67,1% so với cùng kỳ năm 2010.

Bất ngờ từ DN

Thống kê giá gạo XK của FAO

Thứ ba, theo lôgic thông thường, tăng tốc xuất khẩu trong điều kiện giá thế giới hạ nhiệt, giá xuất khẩu sẽ giảm, cho nên giá gạo xuất khẩu của các DN nước ta lại tăng chính là bất ngờ “đáng yêu” nhất.

Các số liệu thống kê của Hiệp hội Lương thực nước ta cho thấy, tuy cũng giảm dần như xu thế chung của thế giới, nhưng giá gạo xuất khẩu của các DN nước ta vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2010. Đó là, với 484 nghìn tấn trong tháng 1, tăng 48,6 so với cùng kỳ năm 2010, nhưng với 503 USD/tấn, giá gạo xuất khẩu đã tăng 8,6%; với 615 nghìn tấn trong tháng 2, tổng khối lượng xuất khẩu hai tháng tăng 59%, còn với luỹ kế 490 USD/tấn, giá vẫn tăng 2,8%; với 752 nghìn tấn trong tháng 3, ba con số luỹ kế này là 1,849 triệu tấn, 478 USD/tấn và 1,3%; còn bốn tháng là 2,567 triệu tấn, 475 USD/tấn và 1,7%.

Tuy giá xuất khẩu bình quân thấp dần và tỷ lệ tăng cũng thấp dần như vậy, nhưng nếu so với tình trạng tụt dốc về giá của cường quốc xuất khẩu gạo số 1 thế giới Thái Lan, đương nhiên đó là những kết quả rất đáng khích lệ. Các số liệu thống kê của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho thấy, với 2,447 triệu tấn trong quý I vừa qua, xuất khẩu gạo trắng của Thái Lan đã tăng phi mã 59,9% so với cùng kỳ năm 2010, nhưng giá xuất khẩu bình quân chỉ còn là 513 USD/tấn, giảm 5,2%.

Như vậy, khoảng cách về giá gạo xuất khẩu của các DN nước ta so với các DN Thái Lan ở thời điểm cuối quý I vừa qua chỉ còn là 35 USD/tấn. Đây rõ ràng là khoảng cách quá ngắn so với 75 USD/tấn vào cuối năm 2010, đặc biệt là quá “mênh mông” tới 98 USD/tấn vào cuối năm 2009.

Hơn thế, theo những báo cáo gần đây nhất của Bộ Nông nghiệp Hoa kỳ, khoảng cách về giá một số loại gạo chủ yếu xuất khẩu của nước ta so với gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan chẳng những đã được san bằng, thậm chí của các DN nước ta còn cao hơn các đồng nghiệp Thái Lan. Đó là, với 465 USD/tấn trong tuần kết thúc vào ngày 6 tháng 5 vừa qua, gía gạo 5% tấm của nước ta trong tuần kết thúc vào ngày 9 tháng 5 đã cao hơn của Thái Lan 1 USD/tấn, còn đối với gạo 25% tấm các con số này là 456 USD/tấn và 6 USD/tấn.

Tất cả những điều nói trên cho thấy rằng, tuy lúa gạo thế giới vẫn được mùa, buôn bán gạo vẫn sôi động, nhưng do giá thế giới vẫn ở mức cao, cho nên giá gạo thế giới vẫn tiếp tục hạ nhiệt, trong khi hai loại lương thực chủ yếu chiếm tỷ trọng gần 80% còn lại mất mùa lớn, tiêu dùng lại tăng mạnh, cho nên giá tăng phi mã. Trong điều kiện như vậy, tăng tốc xuất khẩu và cho dù giá xuất khẩu vẫn giảm, nhưng vẫn là xuất khẩu được giá là kết quả “kép” rất đáng khích lệ của các DN nước ta.

Do vậy, trong điều kiện thế giới dự báo là sẽ được mùa ở cả ba loại lương thực chủ yếu này trong niên vụ hiện nay, có nhiều khả năng giá của cả ba loại lương thực chủ yếu này sẽ cùng hạ nhiệt, nhưng hi vọng rằng thắng lợi “kép” nói trên sẽ tiếp tục được phát huy để năm thứ ba xuất khẩu gạo vượt qua ngưỡng 6 triệu tấn này sẽ là năm đầu tiên thành công trọn vẹn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường xuất khẩu gạo: Những bất ngờ thú vị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO