Thị trường gas Việt Nam đang lùi dần

29/10/2012 05:27

Đại gia nước ngoài rút lui, gas lậu vẫn hoành hành, tăng trưởng giảm mạnh đến hơn 50%, nhu cầu thấp, hàng tồn kho nhiều... Thị trường gas tại Việt Nam đang có những bước thụt lùi.

Thị trường gas Việt Nam đang lùi dần

Đại gia nước ngoài rút lui, gas lậu vẫn hoành hành, tăng trưởng giảm mạnh đến hơn 50%, nhu cầu thấp, hàng tồn kho nhiều... Thị trường gas tại Việt Nam đang có những bước thụt lùi.

Thị trường gas Việt Nam vẫn bị gas lậu hoành hành

Giữa tháng 10 vừa qua, giới kinh doanh gas chưa hết xôn xao về việc ông lớn Hà Lan - Shell Gas bất ngờ rời khỏi thị trường Việt Nam.

Hiệp hội Gas Việt Nam cho biết Shell Gas chiếm khoảng 2-3% thị phần, sau khi đơn vị này rút lui, thị trường gas còn lại khoảng 6-7 công ty nước ngoài chiếm khoảng 10% thị phần cả nước.

Shell Gas không phải là công ty nước ngoài đầu tiên rút khỏi Việt Nam, vào năm 2006 là Mobil Unique Gas (Mỹ), sau đó đến Up Gas của Đài Loan, tháng 7/2009 là BP Gas của Anh cũng dừng kinh doanh tại thị trường Việt Nam.

Trước đây khi ngừng hoạt động BP Gas cho biết, nguyên nhân do thị trường gas Việt Nam phức tạp, gas lậu hoành hành. Với Shell Gas thì hoàn toàn khác.

"Shell Gas rút khỏi thị trường Việt Nam không phải vì kinh doanh không tốt, vì gas lậu... mà đây là quyết định chiến lược của tập đoàn. Shell đã dừng kinh doanh gas trên hàng loạt các thị trường thế giới như Châu Âu, Châu Phi, Châu Á... ", đại diện Shell Việt Nam lý giải.

Theo Shell Việt Nam, có các thị trường trên thế giới mảng kinh doanh gas vẫn kinh doanh rất tốt nhưng Shell vẫn rút khỏi vì đó là kế hoạch chung của tập đoàn. Việt Nam là nước cuối cùng thực hiện theo chiến lược rời khỏi mảng kinh doanh gas này.

Tuy nhiên, dù với lý do thì với việc hàng loạt thương hiệu lớn của nước ngoài không tiếp tục kinh doanh khiến nhiều người đặt dấu hỏi về môi trường kinh doanh gas tại Việt Nam.

Trên thực tế, thị trường gas tại Việt Nam cũng đang tăng trưởng rất thấp so với mọi năm và tồn kho nhiều. "So với năm ngoái, thị trường gas năm nay chỉ tăng khoảng 5-6%, trong khi đó, con số này trước đó thường xuyên là 10-15%", ông Nguyễn Sĩ Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam cho biết.

Theo ông Thắng, hiện nay nhu cầu tiêu thụ gas đang xuống thấp, hàng tồn kho nhiều, khả năng phục hồi của thị trường vào năm sau hoàn toàn phụ thuộc vào việc kinh tế có tăng trường trở lại không.

Đại diện Sài Gòn Petro cho biết các công ty lớn thường xuyên dự trữ trong kho để đảm bảo cung cấp nguồn hàng. "Tình hình kinh tế khó khăn, giá gas đang ở mức cao (khoảng 433.000 đồng bình 12 kg), nhiều người chuyển sang dùng điện nên nhiều doanh nghiệp đang tồn đọng hàng trong kho, hầu hết công ty gas đều đang rất khó khăn", đại diện Sài Gòn Petro nói.

Bên cạnh khó khăn về nhu cầu, hàng tồn kho thì từ lâu nay gas lậu vẫn luôn là mối lo lớn nhất.

"Các công ty gas nước ngoài lẫn trong nước đều ngán gas lậu. Đơn vị làm ăn nghiêm túc thì trầy trật, vật lộn để đối phó với tình trạng sang chiết gas trái phép, trong khi đó các biện pháp ngăn ngừa thì chưa đủ mạnh", bà Lê Thị Anh Mẫn, Chủ tịch Hiệp hội gas miền Nam phân tích.

Ông Lê Phúc Đại, Tổng giám đốc Công ty Năng lượng Đại Việt Vinagas thì cho rằng câu chuyện gas lậu, gas giả luôn có "đất" hoạt động đã diễn ra từ trước đến nay nên để "sống sót", các công ty phải chú ý đến việc đảm bảo chất lượng, cung cấp dịch vị tốt cho người tiêu dùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường gas Việt Nam đang lùi dần
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO