Thị trường châu Á - cơ hội cho xuất khẩu

LAN KHANH| 24/01/2018 09:21

Một số thị trường xuất khẩu sinh lợi nhất lại là những quốc gia lân cận Việt Nam.

Thị trường châu Á - cơ hội cho xuất khẩu

Ảnh: Achmad Ibrahim/AP Photo

Đối với nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam, Hoa Kỳ và châu Âu được xem là những thị trường xuất khẩu lý tưởng giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) mở rộng kinh doanh. Cả hai thị trường đều phát triển phồn thịnh và đã có mối quan hệ thương mại lâu dài với các đối tác châu Á. Chỉ riêng thị trường Hoa Kỳ đã chiếm tỷ lệ người tiêu dùng lớn nhất thế giới với tổng giá trị sản phẩm nội địa (GDP) lên tới 18 nghìn tỷ USD và dân số 325 triệu người.

Tuy vậy, một số thị trường xuất khẩu sinh lợi nhất lại là những quốc gia lân cận Việt Nam, hứa hẹn sẽ mang đến nhiều cơ hội mới trong chiến lược phát triển ngành xuất khẩu.

Đâu là những cơ hội phát triển?

Thị trường châu Á đang trải qua giai đoạn thay đổi chưa từng có. Theo dự đoán vào năm 2030, khu vực này sẽ là nơi hội tụ 66% tầng lớp trung lưu và chiếm hơn 59% mức tiêu dùng trung lưu toàn cầu. Đi đôi với sự tăng trưởng kinh tế là tốc độ phát triển không ngừng trong thu nhập và đời sống tại các thị trường mới nổi như Indonesia và Philippines; tạo cơ hội kinh doanh, tiếp cận người tiêu dùng dễ dàng hơn mà trước đây chỉ khả thi tại các thị trường phát triển như Singapore hay Nhật Bản.

Link bài viết

Giống như các nước láng giềng, sức mua của người tiêu dùng Việt Nam ngày một tăng cao, dẫn đến nhu cầu mua bán hàng hóa nhập khẩu ngày càng nhiều.

Sự tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, đi cùng với việc giảm các rào cản thương mại và sự tập trung của chính phủ vào việc phát triển cơ sở hạ tầng đã tạo động lực thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp châu Á vào chuỗi giá trị toàn cầu (GVC).

Không chỉ giới hạn ở nhà máy sản xuất đơn lẻ truyền thống như của Trung Quốc hay Nhật Bản, việc nâng cao độ nhận biết và công nhận các thương hiệu châu Á sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển lớn mạnh ngay trên sân nhà và xác định vị thế như những doanh nghiệp đầu ngành trong mảng công nghệ cao và bán lẻ.

Nhận biết các thỏa thuận thương mại

Với nền kinh tế định hướng xuất khẩu, Việt Nam luôn ủng hộ các thỏa thuận thương mại tiềm năng nhằm giảm rào cản với các đối tác chủ chốt. Hội nhập Khu vực Mậu dịch Tự do thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam thúc đẩy được quan hệ kinh tế với 10 nước thành viên khác. Ngoài ra, thông qua Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN với Trung Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand, Việt Nam cũng được hưởng lợi từ việc tiếp cận các thị trường lớn này.

Việt Nam cũng đã ký kết riêng các hiệp định thương mại với Nhật Bản và Hàn Quốc - 2 thị trường xuất khẩu lớn thứ ba và thứ tư của nước ta và gần đây cũng có thể kể đến là việc ký kết thành công Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Vừa qua tại Diễn đàn Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tổ chức tại Đà Nẵng, 11 quốc gia còn lại đã ký kết thỏa thuận khung hợp tác. Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP-11) được thực hiện như một bước tiến mới đối với thương mại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Thương mại mang đến nhiều lợi ích cho khách hàng, và nhờ việc thông thương dễ dàng hơn, nhiều cơ hội mới sẽ được mở ra.

Những điểm cần cân nhắc

Khi thương mại khu vực tiếp tục phát triển, ưu thế cạnh tranh của các doanh nghiệp không chỉ về chất lượng và giá cả mà dịch vụ khách hàng sẽ là một trong những yếu tố then chốt cần tập trung để đạt được lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Một yếu tố quan trọng của việc duy trì quan hệ khách hàng là việc thực hiện đơn hàng; vì dù sản phẩm có tốt như thế nào, giao nhận hàng chậm trễ có thể làm ảnh hưởng đến uy tín công ty và các mối quan hệ kinh doanh.

Quản lý chuỗi cung ứng dần trở nên quan trọng hơn tại thị trường châu Á, nơi mà các thay đổi trong quy tắc thương mại và cơ sở hạ tầng giao thông có thể cản trở sự luân chuyển hàng hóa.

Chiến thắng tại thị trường châu Á

Các nhà đầu tư cần lưu ý rằng châu Á không phải là một khối đồng nhất – sự hiểu biết chi tiết về quy định và môi trường kinh tế ở các thị trường khác nhau sẽ giúp doanh nghiệp chọn được đúng thị trường xuất khẩu để thu được lợi tức đầu tư tốt nhất. Môi trường cạnh tranh tại châu Á ngày càng cao, nhưng cũng đem lại nhiều cơ hội lớn.

Do đó, việc tìm đúng đối tác kinh doanh và nhà cung cấp đóng vai trò quan trọng để giúp doanh nghiệp tối ưu hóa tiềm năng kinh doanh.

(Theo DoanhnhanPlus - Tựa bài do DNSG Online đặt lại)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường châu Á - cơ hội cho xuất khẩu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO