Thanh toán thông minh: Người dùng vẫn e dè

PHƯƠNG QUYÊN - ĐẶNG QUÝ YÊN| 29/05/2016 01:35

Người dùng vẫn còn e dè với dịch vụ thanh toán thông minh mà nhiều doanh nghiệp đổ tiền vào đầu tư.

Thanh toán thông minh: Người dùng vẫn e dè

Khảo sát gần nhất của Bizweb - đơn vị cung cấp nền tảng website cho các doanh nghiệp (DN) thương mại điện tử với 2.000 khách hàng (trong 20.000 khách hàng của Bizweb) cho thấy, cách thức thanh toán được áp dụng phổ biến trong các đơn hàng vẫn là tiền mặt (COD), chiếm hơn 80%. Mới chỉ có khoảng 30% đơn hàng thanh toán bằng ví điện tử nhưng mức độ thường xuyên chỉ khoảng 10%.

Đọc E-paper

Điều này cho thấy người dùng vẫn còn e dè với dịch vụ thanh toán thông minh mà nhiều DN đổ tiền vào đầu tư.

Chìa khóa niềm tin

Đánh giá "sức khỏe" của các ví điện tử tại Việt Nam hiện nay, ông Trần Trọng Tuyến - CEO Công ty Công nghệ DKT (đơn vị sở hữu Bizweb) cho biết, về mặt công nghệ hoặc hạ tầng kỹ thuật thì các dịch vụ thanh toán trung gian của Việt Nam đã đáp ứng khá tốt. Nhưng vấn đề hiện nay là bài toán "con gà - quả trứng" giữa người mua và chủ shop (merchant).

Phần lớn các chủ shop đều muốn thanh toán online nhưng lại không có nhiều khách hàng mặn mà với hình thức này nên không thấy cần thiết tích hợp hệ thống thanh toán thông minh. Mà không nhiều cửa hàng có phương thức thanh toán trung gian nên khách hàng tiếp tục không màng đến việc sử dụng các phương thức khác ngoài COD và chuyển khoản.

Vì chưa đủ thuận lợi và tiện dụng trong việc thanh toán online nên người dùng chưa có thói quen sử dụng ví điện tử. Cảm giác tiền bị giữ ở một ví ảo trong thời gian dài nhưng không thanh toán được nhiều dịch vụ khiến người người dùng chưa mặn mà với thanh toán trung gian.

Ông Tuyến nhận định: "Cuộc đua của các đơn vị thanh toán trung gian thực chất là cạnh tranh về nguồn vốn và nguồn lực dài hơi để tạo ra số người dùng đủ lớn, hình thành thói quen thanh toán trung gian. Đây là cuộc đua về sức bền trong việc tạo ra người dùng".

Theo kết quả khảo sát của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin năm 2015, doanh số thương mại điện tử theo hình thức B2C đạt khoảng 4,07 tỷ USD, tăng 37% so với năm trước, chiếm khoảng 2,8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Tuy nhiên, thanh toán tiền mặt vẫn chiếm phần lớn ở các webiste thương mại điện tử. Chỉ có 53% website có chức năng đặt hàng trực tuyến và 17% website chấp nhận thanh toán trực tuyến.

Đồng quan điểm, ông Trần Hải Linh - TGĐ Công ty Ví FPT cho biết: "Thách thức lớn nhất là niềm tin và sự chọn lựa của khách hàng".

Dù đã bắt đầu chịu thanh toán online nhưng thói quen người dùng hiện nay thường giao dịch điện tử với đơn hàng có giá trị nhỏ hơn 1 triệu đồng. Khi cần mua hàng hóa giá trị cao, phần lớn chọn thanh toán tiền mặt. Nếu ứng dụng thanh toán điện tử triển khai tốt sẽ giúp khách hàng lựa chọn những sản phẩm dịch vụ có giá trị cao hơn, nghĩa là trị giá của thương mại điện tử Việt Nam sẽ tăng cao hơn nữa.

"Giá trị giao dịch trên sendo.vn của chúng tôi có thể tăng 30 - 40% với sự hiện diện của Ví FPT", ông Linh tính toán.

Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, trong thời gian tới, khách hàng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ khác của FPT như internet, dịch vụ lưu trữ dữ liệu trực tuyến Fshare, quảng cáo trực tuyến... cũng có thể sử dụng được dịch vụ này. Lúc đó, giá trị khai thác của Ví FPT sẽ cao hơn hẳn.

Cần một "ngôi vương"

Theo ông Phạm Thành Đức - TGĐ M_Service (đơn vị sở hữu ví điện tử MoMo), các nhà cung cấp đang cần dịch vụ thanh toán trung gian, nhất là việc thu hồi tiền điện nước, mua hàng trực tuyến... Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có được hệ sinh thái hoàn chỉnh cho thương mại điện tử.

"Hệ sinh thái lại là phức tạp, tốn công sức lẫn tài lực để đầu tư. Hiện MoMo đang phải làm cho mọi thứ xảy ra đồng thời: Xây điểm giao dịch để kết nối với người đã có tài khoản ngân hàng, khách hàng", ông Đức chia sẻ.

Không chỉ vậy, thị trường thanh toán trung gian Việt Nam có đến hơn 15 đơn vị tham gia - tương đối nhiều nhưng lại chưa đáp ứng được nhu cầu thanh toán. Bởi, các đơn vị thanh toán trung gian chỉ mới có dữ liệu khách hàng nằm trong hệ sinh thái các sản phẩm dịch vụ riêng của họ mà chưa mở rộng ra toàn bộ người dùng. Do vậy, một khách hàng phải cùng lúc dùng nhiều cổng thanh toán để thanh toán các loại dịch vụ khác nhau.

"Các ví điện tử, các đơn vị thanh toán trung gian đang đi theo những hướng khác nhau và hiện tại chưa tạo ra thói quen chung cho khách hàng nên sự cạnh tranh giữa các bên hầu như chưa có. Khách hàng cần một cổng thanh toán được chấp nhận tại hầu hết các cửa hàng, ví dụ trên thế giới là Pay Pal", ông Tuyến khẳng định.

Có dịch vụ, có thị trường và đang dần có thói quen sử dụng ví điện tử, khả năng dịch vụ thanh toán trung gian phát triển là chuyện rất gần. Tuy nhiên, để ví điện tử mở được cánh cửa cho thương mại điện tử Việt Nam bước sang trang mới, các DN cung cấp dịch vụ phải tính toán lại và mạnh mẽ hơn trong chiến lược chinh phục thị trường. Bởi người dùng đang cần những đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán trung gian đủ mạnh và đủ rộng để bao phủ nhu cầu thanh toán.

Vươn ra thị trường thế giới

Không chỉ bùng nổ ở thị trường trong nước, với thế mạnh công nghệ, DN thanh toán điện tử Việt Nam đã tự tin bước ra thị trường thế giới. Điển hình là nền tảng thanh toán điện tử 1Pay chính thức hoạt động tại thị trường Indonesia, bước đầu cung cấp phương thức thanh toán trên di động cho các dịch vụ nội dung số tại quốc gia này. Với việc tiến ra thị trường thế giới, 1Pay có thể hỗ trợ DN tại Việt Nam triển khai kinh doanh nội dung số và thu phí dịch vụ.

Trong 3 năm trở lại đây, lĩnh vực game và ứng dụng số của Việt Nam phát triển mạnh, manh nha xu hướng vươn ra toàn cầu. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất mà DN Việt Nam gặp phải khi mở rộng sang các quốc gia khác là không thể khai thác tối đa các nguồn thu trên sản phẩm nội dung số, do chưa có nền tảng thanh toán để thu phí người dùng ở thị trường thế giới. Sự hạn chế này buộc DN Việt phải cung cấp miễn phí sản phẩm ở nước ngoài và doanh thu kiếm được chủ yếu phụ thuộc vào việc bán quảng cáo từ Google. Như vậy, với 1Pay, người dùng ở Indonesia có thể thanh toán cho DN Việt Nam thông qua các kênh tin nhắn SMS, SMS Plus, Card... khi muốn mua thêm hoặc nâng cấp dịch vụ.

Theo ông Đào Nguyên Minh - Giám đốc Phát triển kinh doanh 1Pay, thị trường thanh toán điện tử tại Indonesia có tính đặc thù hơn so với các quốc gia khác trong khu vực do cơ sở hạ tầng và sự khác biệt về văn hóa. Hiện nay, chỉ có các đối thủ thanh toán lớn từ châu Âu hoặc châu Á như Fortumo, Codapay, Money Online tham gia thị trường. Tại Việt Nam, 1Pay là đơn vị đầu tiên thâm nhập vào quốc gia này. Dự kiến đến năm 2018, 1Pay sẽ tiếp tục thâm nhập thị trường Philippines, Thái Lan và Myanmar.

>Vì sao thanh toán trực tuyến chưa "cất cánh"?

>Thanh toán thông minh trong thời đại công nghệ

>Thanh toán điện tử: Nở rộ cùng Internet

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thanh toán thông minh: Người dùng vẫn e dè
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO