Sôi động thị trường bia Việt

HỒNG NGA| 21/01/2017 06:38

Tỷ lệ tiêu thụ bia trên đầu người cao thứ hai thế giới và tốc độ tăng trưởng gần 10% liên tục trong 15 năm qua khiến thị trường bia Việt Nam luôn sôi động.

Sôi động thị trường bia Việt

Tỷ lệ tiêu thụ bia trên đầu người cao thứ hai thế giới và tốc độ tăng trưởng gần 10% liên tục trong 15 năm qua khiến thị trường bia Việt Nam luôn sôi động. 

Đọc E-paper

Tăng sản lượng

Từ dịp Tết Dương lịch 2017 đến nay, sức mua bia đã tăng mạnh. Mặc dù thị trường có sự tham gia của nhiều thương hiệu bia ngoại như Asahi (Nhật Bản), Singha (Thái Lan), Corona (Mexico), Royal (Hà Lan)... nhưng doanh thu của các hãng bia sản xuất tại Việt Nam vẫn liên tục tăng.

Theo chia sẻ của đại diện Công ty Heineken Việt Nam, hiện nay, sức mua đã tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Thương hiệu bia Sapporo cũng đã tăng lượng hàng lên 20% để không xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá trong dịp Tết Nguyên đán.

Tại hệ thống siêu thị Big C, doanh số bia đã tăng từ 30 - 40% so với mấy tháng cuối năm 2016. Nhu cầu tăng cao khiến Big C phải treo bảng hạn chế số lượng mua đối với khách hàng. Cụ thể, mỗi khách hàng chỉ được mua 2 thùng bia trong một ngày.

Ngày 7/1, tại lễ tổng kết hoạt động năm 2016, đại diện Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cho biết, tiêu thụ bia của Sabeco đạt 1,584 tỷ lít, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2015. Không phải đến Tết này sức tiêu thụ bia mới tăng mà đây là mặt hàng tăng trưởng liên tục trong 15 năm qua.

Theo nghiên cứu của Sabeco, trong giai đoạn 2010 - 2015, tiêu thụ bia đã tăng từ 2,33 tỷ lít năm 2010 lên 3,6 tỷ lít vào năm 2015. Mỗi người Việt Nam trưởng thành tiêu thụ trung bình 35,5 lít bia/năm, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có lượng bia tiêu thụ đầu người cao thứ hai trên thế giới.

>>Tỷ phú bia Jim Koch: Khách hàng là ưu tiên số 1

Nhận định về thị trường, ông Mikio Masawaki - TGĐ Công ty TNHH Sapporo Việt Nam cho rằng, Việt Nam là thị trường có quy mô lớn, với dân số trẻ, năng động. Bên cạnh đó, văn hóa tiêu dùng sản phẩm, đặc biệt là bia, có những đặc trưng riêng.

"Chúng tôi nhận thấy người Việt Nam yêu thích đồ uống này và chọn sử dụng để phục vụ nhu cầu bản thân cũng như góp phần tạo nên các mối quan hệ xã hội", ông Mikio Masawaki nói.

Theo báo cáo về ngành bia do Euromonitor International công bố hồi tháng 6/2016, tổng giá trị bia tiêu thụ đã tăng từ 82.736 tỷ đồng năm 2010 lên 153.943 tỷ đồng trong năm 2015 (tăng đến 86,1%). Năm 2016, tổng giá trị tiêu thụ đạt 166.388 tỷ đồng và đến năm 2020 sẽ đạt 218.292 tỷ đồng.

Với dân số gần 92 triệu người vào thời điểm cuối năm 2015, tốc độ tăng dân số bình quân 1%/năm và văn hóa uống bia của người Việt Nam, thị trường bia Việt Nam vẫn là một trong những thị trường hấp dẫn và được dự báo tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.

Cụ thể, sẽ có 4,84 tỷ lít bia được tiêu thụ vào năm 2020 và thị phần của các phân khúc giá không thay đổi đáng kể. Theo đó, phân khúc bia cao cấp đạt 492,9 triệu lít, phân khúc giá trung bình đạt 3 tỷ lít và phân khúc bia giá rẻ đạt 1,34 tỷ lít. Doanh số tiêu thụ được dự báo sẽ tăng trưởng bình quân 7,2% trong giai đoạn năm 2015 - 2020.

Và tăng cạnh tranh

Dù liên tục tăng trưởng nhưng các doanh nghiệp bia vẫn không ngừng đầu tư vào sản phẩm mới, chiến lược marketing... để giữ thị phần. Cụ thể, nhằm nâng cao sức mạnh thương hiệu và mang sản phẩm đến người tiêu dùng Việt trong dịp Tết Nguyên đán, Sapporo Việt Nam giới thiệu bao bì với phiên bản lễ hội.

Trước đó, Sapporo Việt Nam đã thực hiện chiến dịch "Nâng tầm chất lượng" cùng với việc ra mắt bia Blue Cap - dòng sản phẩm thứ hai bên cạnh Sapporo Premium Beer. Trong khi đó, Sabeco phát triển nhóm sản phẩm truyền thống song song với việc cải tiến để sản phẩm phù hợp hơn với thị hiếu người tiêu dùng.

Vào cuối tháng 12/2016, Công ty CP Bia Sài Gòn - Bình Tây (thuộc Sabeco) đã đưa mẻ bia chai mang thương hiệu Sagota đầu tiên ra thị trường với mức đầu tư trên 500 tỷ đồng, có công suất 80 triệu lít/năm. Heineken Việt Nam thì ra mắt dòng nước trái cây lên men Strongbow. Bên cạnh việc giới thiệu sản phẩm mới, Sabeco và Heineken còn tổ chức Lễ hội Đếm ngược chào năm mới 2017 thu hút hàng trăm ngàn khách hàng tham gia.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Leo Evers - TGĐ Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam cho biết, Công ty sẽ tiếp tục gây bất ngờ cho khách hàng với những sản phẩm mới. Cùng với chiến lược phát triển sản phẩm mới, Heineken Việt Nam đã lên kế hoạch tăng công suất sản xuất tại Việt Nam đến năm 2025.

Theo Bộ Công Thương, chi tiết kế hoạch của Heineken vẫn chưa hoàn thiện, song nhà sản xuất bia Hà Lan đã sẵn sàng mở rộng nhà máy tại Bà Rịa - Vũng Tàu (mua lại từ Carlsberg hồi mùa hè 2016).

>>9 lợi ích bất ngờ của bia

Trước chiến dịch cạnh tranh về sản phẩm mới, các hãng bia như Sapporo Việt Nam, Heineken Việt Nam, AB Inbev đã đầu tư nâng công suất sản xuất. Trong đó, Sapporo Việt Nam tăng công suất từ 40 triệu lít/năm lên 100 triệu lít/năm. Heineken Việt Nam nâng cấp nhà máy bia tại Quảng Nam lên 120 triệu lít/năm từ công suất 25 triệu lít, trong khi AB Inbev khánh thành nhà máy bia 100 triệu lít/năm. Masan khánh thành nhà máy bia Hậu Giang với công suất 150 triệu lít/năm.

Ông Mikio Masawaki cho rằng, thị trường bia Việt Nam có tiềm năng phát triển lớn, do đó không ngạc nhiên khi ngày càng có nhiều đơn vị tham gia vào lĩnh vực này. Sau một thời gian thâm nhập Việt Nam, Sapporo đã xác lập một vị trí nhất định trên thị trường. Chẳng hạn, hơn 90% khách hàng mục tiêu đã biết đến Sapporo và rất nhiều trong số đó đã dùng bia Sapporo.

Cũng theo ông Mikio Masawaki, có nhiều yếu tố giúp thị trường bia (đặc biệt là bia cao cấp) phát triển ổn định trong thời gian tới. Theo đó, dự báo tầng lớp trung lưu đạt khoảng 40 triệu người vào năm 2020 (theo Nielsen) giúp tạo nên lớp người tiêu dùng có điều kiện chi tiêu ngày càng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sôi động thị trường bia Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO