Quỹ đầu tư ngoại: Bước vào chu kỳ mới

NGUYÊN BẢO| 20/11/2015 08:32

Thay vì đầu tư vào cổ phiếu niêm yết, các quỹ đầu tư đang định hướng lại chiến lược đầu tư, chú ý nhiều hơn vào cổ phần công ty tư nhân.

Quỹ đầu tư ngoại: Bước vào chu kỳ mới

Nếu giai đoạn 2005 - 2007 được xem là “thời điểm vàng” của các quỹ đầu tư (QĐT, chủ yếu là quỹ đóng) với sự ra đời của hàng loạt quỹ thì từ 2008 - 2014, “những người cũ” dường như không huy động được quỹ nào mới. Từ đầu năm 2015, cùng với sự xuất hiện của một số quỹ từ khu vực châu Á, các quỹ đang hiện hữu cũng đã có nhiều hoạt động đáng kể.

Đọc E-paper

Thay vì đầu tư vào cổ phiếu niêm yết, các quỹ đầu tư đang định hướng lại chiến lược đầu tư, chú ý nhiều hơn vào cổ phần công ty tư nhân.

Hội nghị đầu tư của Tập đoàn VinaCapital tổ chức hồi tháng 10 vừa qua, cho thấy, trong năm tài chính 2015, khoản đầu tư đạt lợi nhuận cao nhất của Vietnam Opportunity Fund (VOF), một trong 3 quỹ dạng đóng do VinaCapital quản lý đang niêm yết trên sàn chứng khoán London, thuộc về đầu tư cổ phần công ty tư nhân.

Theo đó, lợi nhuận lĩnh vực này đạt 9,9%, cao nhất so với 0,8% của cổ phiếu niêm yết, 4,5% của khách sạn và 4,6% của trái phiếu; trong khi bất động sản (BĐS) và cổ phiếu niêm yết ở nước ngoài lần lượt lỗ 10% và 3%.

Đồng thời, cổ phần công ty tư nhân cũng là khoản sinh lợi tốt nhất của VOF trong vòng 3 năm, 5 năm với mức lợi nhuận bình quân là 24,7% và 20,6% (tỷ lệ này với cổ phần niêm yết là 15,3% và 9,8%).

>>VOF: Biến động tỷ giá, Việt Nam vẫn "hút" vốn ngoại

Kể từ khi thành lập VOF (năm 2005), đầu tư cổ phần tư nhân đã thu về 23 triệu USD lợi nhuận gộp, với tỷ suất lợi nhuận đạt 2,1 lần đối với các khoản thoái vốn toàn bộ và 2 lần đối với các khoản thoái vốn một phần.

Cũng từ thời điểm VOF hoạt động đến nay đã tiến hành 18 thương vụ thoái vốn toàn bộ, thu về 320 triệu USD với tỷ suất sinh lợi nội bộ (IRR) đạt 26% và 8 thương vụ thoái vốn một phần với IRR đạt 21%. Hiện, VOF còn 8 khoản thoái vốn chưa thực hiện với giá trị 167 triệu USD.

Nói về chiến lược đầu tư của VOF trong tương lai, ông Andy Ho - Giám đốc Điều hành VOF cho biết, Quỹ sẽ tập trung thành hai hướng chính.

Một là tập trung vào lĩnh vực phục vụ thị trường nội địa mà cụ thể là F&B (thực phẩm và đồ uống) với kỳ vọng đạt hiệu quả tốt vì người tiêu dùng sẽ hưởng lợi từ lạm phát thấp, khả năng chi tiêu tốt hơn.

Đồng thời, gián tiếp đầu tư vào BĐS do lãi suất tiền gửi thấp. Quỹ cũng quan tâm đến các lĩnh vực khác như giáo dục, y tế, truyền thông, logistics, vật liệu xây dựng, nông - thủy sản và BĐS nghỉ dưỡng.

Định hướng thứ hai của VOF là tăng các khoản đầu tư cổ phần tư nhân và OTC, trong đó, tiếp tục tìm kiếm và nắm bắt các cơ hội đầu tư cổ phần tư nhân với giá trị mỗi khoản từ 10 - 40 triệu USD và đầu tư vào một số doanh nghiệp (DN) đầu ngành đang tìm kiếm nhà đầu tư vào cổ phần thiểu số, không chi phối.

>>Quỹ đầu tư mạo hiểm: Đón "sóng" startup

Đại diện VOF cũng đánh giá cao cơ hội từ cổ phần doanh nghiệp nhà nước (DNNN) để tái xây dựng danh mục OTC.

Đây là những khoản đầu tư mà VOF đã từng gặt hái được kết quả khả quan với Vinamilk, Hóa chất cơ bản Miền Nam hay Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang (nay là Tập đoàn Lộc Trời).

Không chỉ VinaCapital mà nhiều quỹ có “thâm niên” ở thị trường Việt Nam như Mekong Capital, Dragon Capital, Saigon Asset Management (SAM), hay thậm chí những quỹ mới như Welkin, AIF (Hong Kong, đầu tư vào nhà hàng Món Huế, Cơm Express...) cũng có sự quan tâm đặc biệt đến cổ phần tư nhân, đặc biệt trong các lĩnh vực F&B, dược phẩm... những ngành phục vụ cho nhu cầu thiết yếu con người.

Như trường hợp của Mekong Capital, công ty quản lý quỹ đầu tư chuyên về vốn cổ phần chưa niêm yết, sau thành công của các Quỹ Vietnam Azeala Fund, Mekong Enterprise Fund (MEF), Mekong Enterprise Fund II (MEF II), tháng 5/2015 vừa rồi, Mekong Capital đã huy động được quỹ mới Mekong Enterprise Fund III (MEF III) với quy mô vốn 87,4 triệu USD (đặt mục tiêu huy động tối đa 150 triệu USD).

Mekong Capital là trường hợp “người cũ” hiếm hoi huy động được quỹ mới kể từ sau đợt huy động cuối cùng của SAM vào năm 2007. Theo định hướng, MEF III sẽ tập trung vào các DN tiêu dùng Việt Nam thuộc các lĩnh vực bán lẻ, nhà hàng, sản phẩm tiêu dùng và dịch vụ tiêu dùng.

>>CEO VinaCapital: 4 lĩnh vực sẽ ưu tiên đầu tư

16 thương vụ thoái vốn của Mekong Capital trong suốt 14 năm tại Việt Nam đã có nhiều khoản đầu tư vào cổ phần chưa niêm yết thu về lợi nhuận khá như Thế Giới Di Động hay Golden Gate (sở hữu và điều hành chuỗi nhà hàng Ashima, Kichi-Kichi, Sumo BBQ,...) với tỷ suất hoàn vốn nội bộ trên 45%.

Về phía SAM, ông Nguyễn Thế Lữ - Giám đốc Điều hành Công ty Quản lý Quỹ SAM (hiện đang quản lý hai quỹ niêm yết trên thị trường chứng khoán Stuttgart, Đức Vietnam Equity Holding - VEH và Vietnam Property Holding), cho biết, sắp tới, SAM sẽ tập trung đầu tư vào 4 lĩnh vực chính là cổ phần tư nhân, F&B, dược phẩm và an ninh (thiết bị thông minh cho nhà ở - smarthome).

Ông Lữ tiết lộ, đến thời điểm này, SAM đã có ít nhất 3 khoản đầu tư mới, đó là đầu tư vào DN sản xuất nước mắm Phú Quốc, mang thương hiệu Red Boat, đầu tư vào hệ thống phân phối thuốc Mỹ Châu và một công ty phân phối bia Sài Gòn (Sabeco) tại Mỹ.

Lý giải về những khoản đầu tư này, ông Lữ cho rằng, đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã kết thúc, trong đó Việt Nam là nền kinh tế nhỏ nhất trong 12 quốc gia tham gia và Mỹ là thị trường đơn lẻ lớn nhất.

Thương mại giữa Việt Nam và Mỹ đang ngày một gia tăng, vậy tại sao chúng tôi không đầu tư vào những lĩnh vực có tác động cho thương mại hai nước khi TPP có hiệu lực?

>>Bloomberg: 7 tác động của TPP với Việt Nam

Được biết, ngay như thương hiệu nước mắm Red Boat, do Cường Phạm, một Việt kiều Mỹ trở về quê hương Phú Quốc mua lại các nhà chượp để sản xuất nước mắm.

Song, thương hiệu này chủ yếu phục vụ cho xuất khẩu và đây cũng là thương hiệu nước mắm duy nhất sản xuất ở Việt Nam được bày bán trong siêu thị ở Mỹ.

Trong khi đó, Mỹ Châu, có gần 27 năm xuất hiện trên thị trường, với hơn chục nhà thuốc tại TP.HCM và là ngành không thể thiếu với người tiêu dung, dù có hay không có khủng hoảng kinh tế.

Thực tế cho thấy, những lĩnh vực như dược phẩm, F&B hay những ngành sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ TPP, chẳng hạn như dệt may, đều trong tình trạng “cầu lấn cung”.

Điều này cũng thể hiện qua một số cổ phiếu niêm yết như Vinamilk (VNM), Dược Hậu Giang (DHG), Domesco (DMC), Imexpharm (IMP),... luôn trong tình trạng kín room nước ngoài.

>>Thị trường nước mắm: Doanh nghiệp nội bứt phá

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quỹ đầu tư ngoại: Bước vào chu kỳ mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO